Check in Hà Nội

Đình Cấn Xá Thượng

Sơn Dương (t/h) 17:05 29/03/2023

Đình mang tên địa danh của làng Cấn Xá Thượng, nay thuộc xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Vào thời Lê, thuộc xã Kinh Xá sau đổi là Cấn Xá, tổng Cấn Xá, huyện Yên Sơn, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây, thời Nguyễn thuộc tỉnh Sơn Tây, năm 1946 Cấn Xá Thượng hợp nhất với Cấn Xá Hạ thành xã Cấn Xá. Năm 1948, xã Cấn Xả hợp nhất với xã Hữu Quang thành xã Cấn Hữu.

Đình Cấn Xá Thượng cách trung tâm Hà Nội khoảng 28km về phía tây. Từ Hà Nội theo đường cao tốc Láng - Hoà Lạc đến thị trấn Quốc Oai, tới ngã ba, rẽ trái vào con đường liên xã khoảng 6km, qua chợ Bương, chợ Cấn là tới di tích.

Đình toạ lạc ở doi đất trung tâm làng, cạnh bờ đê sông Tích, nay chỉ còn một toà Đại bái và Hậu cung mới được dựng lại vào năm 1952. Phía trước có cổng đình và hai trụ cột bằng đá xanh, bậc lên xuống sân đình được kè bằng đá và gạch vồ thời Lê. Đại bái có chiều dài 13m, rộng 6m, gồm 5 gian xây gạch, tường hồi bít đốc tay ngai, có trụ kìm đấu vuông tam cấp trên bờ nóc. Bên phải Hậu cung là khu tưởng niệm các liệt sĩ của làng mới được xây dựng. Ở đây có tấm bia đá to, khắc họ tên liệt sĩ thôn Cấn Xá Thượng.

Đình Cấn Xá Thượng vốn rất to, nên trong dân gian đã có câu ca: “Đẹp đình So, to đình Cấn”. Đình bị phá dỡ vào đêm 26 tháng 11 năm 1948 theo chủ trương tiêu thổ kháng chiến. Theo hồi ức của các già làng, thì ngôi đình cổ có 7 gian 2 dĩ với bốn đầu đao cong vút. Bộ đỡ vì mái kiểu thượng chồng rường, hạ kẻ bẩy. Lòng đình ken kín sạp gỗ, phía ngoài có lan can trấn song con tiện; quanh đình là các nhà Tả hữu mạc, mỗi nhà 5 gian. Trước đình là Nghi môn với các trụ cột lớn và bậc cấp lên xuống bằng đá xanh, xung quanh là tường gạch đá ong bao bọc. Theo sự hồi cố trên thì đình Cấn Xá Thượng có thể được xây dựng quy mô vào thời Hậu Lê thế kỷ XVII. Hiện tại, trong khu vực đình còn giữ lại được dấu tích xưa như những tảng đá kê chân cột, nhiều lớp gạch cổ; một bộ hương án, một hạc gỗ mang phong cách thế kỷ XVIII, một cỗ long đình mang phong cách thế kỷ XVII.

Đình Cấn Xá Thượng thờ ba vị đại vương thời Thục An Dương Vương là Bộ quan Trần Công Tuấn đại vương cùng hai con trai là Đệ nhất Trung á đại vương Đệ nhị Trung Á đại vương. Ngọc phả chép Trần Công Tuấn quê đất Hoan Châu, văn võ toàn tài, được Thục Vương cho làm Bộ quan. Ông lấy bà Quế Nương ở Cấn Xá Hạ làm vợ, sinh hai con trai, sau được vua Thục cho làm quan. Vì can ngăn việc vua Thục gả Mỵ Châu cho Trọng Thuỷ không thành, hai ông xin từ quan về quê mẹ. Khi thục An Dương Vương bỏ chạy, quân nhà Triệu đuổi theo, qua đất Cấn Xá Hạ, bị hai ông mai phục, quân Triệu phải bỏ chạy tháo thân.

Chùa Sùng Hưng cùng với đình Cấn Xá Thượng là một cụm di tích kiến trúc nghệ thuật tôn giáo, nơi đây chứng kiến nhiều chứng tích lịch sử của địa phương trong các thời kỳ dựng nước và giữ nước của dân tộc. Đồng thời, là trung tâm sinh hoạt văn hoá, thực hiện tự do tín ngưỡng của địa phương. Đình Cấn Xá Thượng đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1995.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Sơn Dương (t/h)