Đình Bách Lộc
Bách Lộc là một làng quê cổ nằm ven đê sông Hồng, có bề dày lịch sử và truyền thống văn hoá lâu đời với “cây đa, bến nước, sân đình”. Đình mang tên địa danh của thôn Bách Lộc, thuộc xã Thọ Lộc, huyện Phúc Thọ, Hà Nội, cách trung tâm Thủ đô khoảng 55km về phía tây. Từ Hà Nội, theo Quốc lộ 32, tới ngã tư Gạch rẽ phải vào đường 82, đi khoảng 1km nữa là tới thôn Bách Lộc, di tích nằm ở trung tâm của thôn.
Theo cuốn thần phả hiện còn lưu tại di tích thì đình Bách Lộc thờ Thành hoàng Tạ Trân Tấu, đã có công dẹp giặc Chiêm Thành thời vua Lý Thái Tổ. Khi thiên hạ thái bình, ông đi du ngoạn qua vùng đất này, tác phúc cho dân, ban cho tiền, thóc, mua ruộng đất để dân làm ăn. Khi qua đời, ông liền được vua sắc phong là phúc thần, Phù chì lĩnh hiển độ chân và chuẩn cho nhân dân đời đời thờ tự.
Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, đình Bách Lộc được làm vào thời Lê Trung hưng (thế kỷ XVII), trước kia có quy mô kiến trúc đồ sộ. Năm 1947, thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến chống Pháp, đình đã bị phá bỏ, chỉ còn cổng Nghi môn (tuy không còn nguyên vẹn) và một số đồ thờ tự được nhân dân lưu giữ đến ngày nay. Năm 1976, đình đã được nhân dân phục dựng lại trên nền đất cũ, hiện nay gồm các hạng mục công trình: cổng Nghi môn, Đại bái và Hậu cung.
Từ ngoài vào, qua một cái ao nhỏ đến cổng Nghi môn, đỉnh trụ đắp nổi các con vật linh, lồng đèn...
Đại bái gồm 3 gian, được xây theo kiểu tường hồi bít đốc, hệ thống vì kèo đỡ mái làm theo kiểu thức kèo cầu quá giang, mái lợp ngói ri cổ. Nghệ thuật chạm khắc ở đây rất phong phú, đa dạng với nhiều đề tài: long cuốn thuỷ, cá vượt ngũ môn, rùa cõng cuốn thư, tứ quý, hổ phù ngậm chữ thọ, lưỡng long chầu nguyệt...
Hậu cung là toà nhà chạy dọc, nối liền với gian giữa toà Đại bái. Các bộ vì kèo đỡ mái ở đây được làm tương tự như ở Đại bái. Riêng bộ vì sát với tường hồi được làm theo kiểu vì cốn mê bằng gỗ tứ thiết, chạm khắc đề tài về tứ linh. Gian giữa của Hậu cung xây một bệ thờ lớn theo kiểu nhị cấp, làm nơi thờ Thành hoàng làng.
Ngoài giá trị về mặt kiến trúc, đình Bách Lộc hiện còn lưu giữ nhiều di vật có giá trị như: cổ long ngai, bài vị, hương án thời Lê; sập thờ, quán tẩy, hoành phi, mâm ấu... thời Nguyễn.
Hội đình Bách Lộc được tổ chức hai lần trong một năm, vào các ngày mồng 6 tháng hai (tiệc chính) và ngày 12 tháng ba âm lịch (ngày giỗ của thần). Nhân dân tổ chức tế lễ Thành hoàng làng với các lễ vật xôi, gà, hoa quả. Phần hội có các trò chơi dân gian: đấu vật, đánh đu, bắt vịt... và hát chèo.
Đình Bách Lộc đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tây xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1999.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01