Check in Hà Nội

Đình Canh Hoạch

Sơn Dương (t/h) 11:05 28/03/2023

Đình Canh Hoạch còn có tên là đình Vác, thuộc xã Dân Hoà, huyện Thanh Oai.

Xưa, làng Canh Hoạch có 3 ngôi đình là đình Cả, đình Diệc và đình Trung, thờ 3 vị Thành hoàng. Trải qua nhiều biến cố của lịch sử, đình Cả và đình Diệc đã bị mai một, chỉ còn đình Trung, dân làng đem các đồ thờ tự về ngôi đình này. Vì vậy, Thành hoàng làng thờ ở đình Trung gồm ba vị:

Vị thứ nhất tên Hùng Lý, vốn là một hoàng tử, con bà cung phi thứ 6 của Hùng Đoan vương. Khi lớn lên, ngài được vua cha phong làm quan trấn thủ Tam Giang. Khi ấy, nước Văn Lang có giặc, Lý Hùng liền xin vua cha đi dẹp giặc.

Vị thứ hai là Cao Hàn đại vương, khi nước Văn Lang có giặc, ngài cùng với Hùng Lý hợp lực đánh giặc. Trên đường hành quân, hai ông qua trang Cổ Hoạch (nay là làng Canh Hoạch) dừng chân trú quân, các trai đỉnh trong làng cũng theo hai ông tòng quân giết giặc. Khi thắng trận, hai ông trở về thăm nhân dân. Khi ông Lý Hùng mất ngày 12 tháng một năm Kỷ Dậu, ông Cao Hàn mất ngày 20 tháng bảy năm Mậu Ngọ, nhân dân Cổ Hoạch xin duệ hiệu và rước về thờ phụng.

Thứ ba là Trần Quốc Uy, con của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn. Trần Quốc Uy vốn là người thông minh hiếu học, đỗ đại khoa và được vua Trần phong làm quan, giữ việc binh, khi giặc Nguyên - Mông sang xâm lược bờ cõi, Trần Quốc Uy được cử chặn giặc ở biên ải, ông có qua làng Canh Hoạch. Các trận thắng lớn của quân dân Đại Việt ở Vân Trà, Sơn Nam, Na Sầm, Trà Hưng, An Sinh, Vạn Kiếp đều có sự đóng góp không nhỏ từ cánh quân của ông. Sau khi dẹp xong giặc Nguyên - Mông, ông về Canh Hoạch ban phát tiền bạc để làm đình, đào giếng và nhận làm đất thang mộc. Ngày 8 tháng 10 âm lịch, ông hoá tại Vạn Kiếp, nhân dân làng Canh Hoạch lập miếu thờ.

Ngoài 3 vị thành hoàng, còn có cụ tổ họ Nguyễn được thờ làm phúc thần ở đình.

Đình Canh Hoạch được khởi dựng vào năm 1812. Đình có Đại bái, Trung cung, Hậu cung, Tả hữu mạc... đã đem đến cho ngôi đình có dáng vẻ nguy nga, đồ sộ. Vào bên trong, các bộ vì được làm thống nhất theo kiểu “thượng chồng rường, hạ bẩy” trên các hàng chân cột to khoẻ. Trong đình hiện còn lưu giữ được 1 cuốn thần phả, 9 đạo sắc phong, 1 quán tẩy, 2 hương án thời Nguyễn. Hương án này chạm rồng, phượng, hoa lá cách điệu, 1 cuốn thư có diềm chạm bong kênh hoa văn, tứ quý, trong lòng cuốn thư là bài thơ làm theo thể ngũ ngôn bát cú ca ngợi công đức Thành hoàng và các vị Thánh hiền.

Đình Canh Hoạch đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1991.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Sơn Dương (t/h)