Tác giả - tác phẩm

Tác giả thế hệ mới với nỗ lực làm khác mình

Hương Thảo 14:10 27/03/2023

Chiều 25/3/2023, tại Hà Nội, Linh Lan Books tổ chức buổi tọa đàm “Một phiên bản khác tốt hơn chính mình” nhân dịp ra mắt tác phẩm “Nhân sinh kép: Sống hai cuộc đời” của nhà văn trẻ Đức Anh.

Buổi giao lưu có sự góp mặt của nhiều cây viết trẻ đang nổi như nhà báo Phan Đăng, nhà văn Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Văn Học, Đinh Phương, Tống Phước Bảo, Đặng Thiên Sơn, Kim Tam Long, Hiền Trang, Nhật Phi… Bên cạnh màn ra mắt tiểu thuyết Nhân sinh kép: Sống hai cuộc đời của nhà văn Đức Anh là cuộc trò chuyện về dự án Ác duyên cùng các chia sẻ về văn học đương đại ở thế hệ 9X.

"Nhân sinh kép: Sống hai cuộc đời" - Bước rẽ đầu tiên của nhà văn trẻ Đức Anh

duc-anh-chia-se.jpg
Nhà văn trẻ Đức Anh chia sẻ tại buổi tọa đàm

Cuốn tiểu thuyết gồm có 21 chương mang câu chuyện giả tưởng về những con người có hai thân xác nhưng lại dùng chung một linh hồn. Cụ thể, nhân vật chính trong tiểu thuyết là Kiên ở Đà Nẵng đồng thời cũng là Vũ ở Hưng Yên, mang tính cách và cuộc sống khác biệt, cùng lúc tồn tại. Sau khi một trong hai thể xác mất đi, Kiên dần khám phá ra được không chỉ mình anh sống một cuộc đời lạ lùng mà còn nhiều nhân vật khác giống anh, tạo ra thế giới của những kẻ sống hai cuộc đời. 

Tác giả Đức Anh chia sẻ: “Cuốn sách đưa ra một giả thuyết là nếu chúng ta có hai cơ thể khác nhau, bất kể giới tính, nói tiếng địa phương khác nhau thì mọi chuyện có thể sẽ xảy ra thế nào. Trong câu chuyện này, thân xác của Kiên ưu việt hơn nên nhân vật “tôi” đã lựa chọn sống cùng và bỏ bê thân xác còn lại sống trong "chế độ" bản năng (nhân vật Vũ). Rồi một ngày thân xác kia bị giết hại, “tôi” vui mừng vì không còn phải sống hai cuộc đời nữa cho đến khi về dự đám tang của chính mình thì mới nhận ra có rất nhiều bí ẩn xoay quanh cái chết đó. Đặc biệt, thân xác này đã mua bảo hiểm dành cho người sống hai cuộc đời, và cùng đó, thân xác còn sống phải chi trả một số tiền rất lớn cho thân xác bị sát hại. Và cuộc khám phá của Kiên bắt đầu...”

Tác giả cũng tâm sự rằng trong lúc sáng tác và thông qua những mối quan hệ xung quanh, anh nhận ra mỗi người đều mong muốn bản thân có một hình hài khác trong quãng thời gian sống trong đời, và anh hiểu đây là một chủ đề tương đối quan trọng, đủ cho một cuốn tiểu thuyết hơi mỏng đối với anh. 

Đức Anh bộc bạch, cuốn tiểu thuyết này anh viết từ năm 2021, trong giai đoạn giãn cách xã hội vì Covid-19 và tới năm 2023 thì Linh Lan Books đã ủng hộ, khích lệ anh trong việc xuất bản ra mắt tác phẩm. Từ những kinh nghiệm viết dòng trinh thám ở 3 tác phẩm trước đó, Đức Anh tạo nên cốt truyện rành mạch, cũng như cách xử lý nút thắt vấn đề uyển chuyển. 

Tới dự buổi ra mắt sách, nhà báo Phan Đăng chia sẻ: “Trong cuốn tiểu thuyết này có nhiều thân trong một tâm, bình thường chúng ta có nhiều tâm, còn trong sách lại kể một linh hồn mang nhiều thân. Khi trải nghiệm nhiều biến cố, đầy ắp những suy tưởng như vậy thì tôi cho rằng rất thú vị với những cựa quậy trong tâm hồn Đức Anh”. Còn nhà văn Đỗ Bích Thúy đánh giá “đây là một tác phẩm hấp dẫn và thông minh”.

nb-phan-dang.jpg
Nhà báo Phan Đăng chia sẻ tại buổi tọa đàm

Tiểu thuyết Nhân sinh kép: Sống hai cuộc đời là bước rẽ đầu tiên của tác giả Đức Anh, bởi vì đây là cuốn sách thứ tư của anh nhưng lại là tác phẩm đầu tiên không thuộc thể loại trinh thám.

Đại diện Linh Lan Books, chị Nguyễn Bảo Ngọc cho biết: “Chúng tôi nhận ra các bạn trẻ hiện nay rất quan tâm đến tâm linh, thông qua việc văn hoá Việt Nam được đề cao rất nhiều trong những năm vừa rồi. Vì thế, chúng tôi nghĩ mình cần thúc đẩy sự sáng tạo để phát triển nền văn hoá đọc của Việt Nam cũng như phát triển văn hoá tâm linh của người đọc. Sau Nhân Sinh Kép: Sống hai cuộc đời của Đức Anh, tới đây Linh Lan Books sẽ thực hiện dự án Ác duyên (gồm một series truyện được lấy các mảnh ghép tâm linh của Việt Nam) với sự tham gia của nhiều nhà văn trẻ.

Thế hệ tác giả trẻ với những nỗ lực sáng tạo

Phần hai của buổi tọa đàm là những  thảo luận về chủ đề “Gương mặt văn chương đương đại ở thế hệ 9X”. Một số nhận định cho rằng, so với văn chương của thế hệ 8X và trước đó thì thế hệ 9X có những suy nghĩ, lối đi riêng biệt và hướng đến những chủ đề khác nhau, tuy nhiên không tránh khỏi những suy nghĩ rời rạc hơn thế hệ trước đó.

sach-cua-duc-anh.jpg
Các tác phẩm đã xuất bản của Đức Anh

Theo nhà văn Đức Anh buổi tọa đàm này để "gọi tên, định danh, thế hệ thế hệ 9X" - những người được sinh ra trong sự ảnh hưởng của văn học nước ngoài và khi bắt đầu viết lách, chắc chắn sẽ ảnh hưởng bởi những gì tiếp nhận về toàn cầu hoá.

Bàn về vấn đề này, không ít ý kiến của độc giả hiện cho rằng, văn chương đương đại không thuần Việt, cho nên thế hệ 9X bị mắc kẹt giữa văn chương Tây hoá và nhu cầu có tính chất bản địa cao. Khó khăn của các nhà văn thuộc thế hệ 9X là vừa được tiếp nhận tư duy toàn cầu hoá từ lâu nhưng lại phải viết văn chương theo lối tư duy bản địa. Và hiện tại, các nhà văn 9X phải tự tìm hiểu "gốc gác" của chính mình, khám phá làm chủ ngôn ngữ của riêng mình cũng như phải luôn nỗ lực làm mới bản thân.

Nhà văn Đức Anh chia sẻ thêm: "Chúng tôi rất may mắn khi được sống trong thời đại có thể đọc review (đánh giá) của độc giả ngay sau khi ra mắt sách. Có 80% nhận xét về tính thuần Việt, nhưng cũng không phải yếu tố dân gian như ngày xưa, được gọi là chủ nghĩa đại hoài cổ. Phải là thuần Việt Nam như họ thích, có yếu tố truyền thống kết hợp hiện đại. Hiện nay những cuốn sách có bối cảnh tâm linh, dã sử thuần Việt sẽ mang đặc điểm có thể bán được, thậm chí bán chạy". 

Nhà văn Nhật Phi cho rằng: “Đối với tôi, có nhiều chủ đề rất hay nhưng cũng không thật sự biết cái gì là thuần Việt, khi tìm cách truy ngược thì đều về hư không. Nhưng tôi nghĩ là người Việt Nam, đã muốn viết cái gì thì cũng có thể phác thảo ra được.”

Theo nhà văn Thảo Trang "cũng giống như chúng ta nghe nhạc, âm nhạc là thứ đầu tiên thể hiện “cái nghe” mà không biết người hát đến từ nước nào. Đến một thời kỳ văn chương có rất nhiều nguồn ảnh hưởng, chúng ta không thể nói đó không phải Việt Nam mà cũng không phải Việt Nam.”

Nhà văn Nguyễn Vinh Huỳnh cho rằng: “Thế hệ 9X ra đời trong thời kỳ khó khăn, thời kỳ toàn cầu hoá bắt buộc phải có sự thích ứng, không thể giống ngày xưa”.

cac-cay-viet-tre-du-buoi-toa-dam.jpg
Các cây viết trẻ chụp ảnh kỷ niệm tại buổi tọa đàm

Không chỉ là cuộc trò chuyện nhân dịp ra mắt tác phẩm mới của Đức Anh, buổi tọa đàm còn là dịp giao lưu gặp gỡ của các cây viết trẻ, cùng bàn về câu chuyện rất thời sự, rõ ràng rằng văn chương Việt đang trở mình sang một giai đoạn mới, một giai đoạn kế thừa mà thế hệ trẻ vừa nỗ lực bắt kịp làn sóng toàn cầu, lại vừa nỗ lực để thoát khỏi những cái bóng lớn từ thế hệ đi trước.

Hương Thảo