Đời sống văn hóa

Âm vang cồng chiêng Bana ở Thủ đô Hà Nội

KT (T/h) 11:55 27/03/2023

Ngày 26/3 tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), đồng bào dân tộc Bana đến từ huyện Kbang (Gia Lai) đã tái hiện và trình diễn Lễ hội cồng chiêng tới đông đảo du khách. Với đồng bào Ba Na, cồng, chiêng ngày xưa được xem là tài sản quý giá, thước đo sự giàu có.

cong-chieng-nguoi-ba-na-1-1788.jpg
Cồng chiêng từ xưa được xem là tài sản quý giá của đồng bào Tây Nguyên (ảnh: plo.vn)

Hầu như không có lễ hội hay sinh hoạt cộng đồng nào của người dân tộc Ba Na mà không có cồng, chiêng. Nghệ thuật cồng chiêng, múa xoang không thể thiếu trong các dịp dân làng tổ chức các nghi lễ cúng cầu an, mừng lúa mới, đám cưới, ma chay… Âm thanh cồng, chiêng báo tin mừng cho cộng đồng, sự cảm ơn của chủ nhà đối với đất trời và nét văn hóa này luôn mãi được kế thừa, truyền lại cho thế hệ con cháu đồng bào Ba Na.

Nghệ nhân dân gian Đinh Bri đến từ xã Tơ Tung, huyện Kbang tự hào: “Âm nhạc truyền thống của người Bana rất phong phú, gồm nhiều điệu hát trữ tình và nhiều loại nhạc khí độc đáo nhưng điển hình vẫn là bộ nhạc khí cồng chiêng. Đối với người Bana, cồng chiêng là biểu tượng của sự linh thiêng, cao quý và là tài sản có giá trị trong đời sống và âm vang cồng chiêng luôn luôn gắn bó chặt chẽ với đời sống tâm linh, nghi lễ của người Bana”.

Tùy vào điều kiện kinh tế của dân làng mà cúng cho Giàng (thần) những lễ vật hiến sinh phù hợp, thông thường lễ vật là rượu cần, vật nuôi như bò, heo, dê, gà. Lễ được tổ chức với sự có mặt đầy đủ các thành viên trong buôn làng, người chủ trì buổi lễ là già làng, là người có uy tín và am hiểu phong tục tập quán.

Trước lễ hội, già làng sẽ tiến hành trao đổi với người lớn tuổi uy tín trong làng, sau đó đánh trống bàn việc ở nhà Rông. Sau khi đã thống nhất, họ sẽ tiến hành chọn mua các vật cúng lễ, đóng góp của cải vật chất sắm vật hiến sinh cúng Giàng, chỉnh chiêng, làm cột gưng, dọn vệ sinh đường xá sạch sẽ, sửa sang nhà rông, bến nước trong thôn làng để đón bà con gần xa đến tham dự.

Cũng theo nghệ nhân Đinh Bri, cồng chiêng của người Bana thuộc họ nhạc khí tự thân vang, mặt chiêng cồng có cấu tạo hình tròn (có núm hoặc không có núm). Loại chiêng có núm ở giữa gọi là cồng (chiêng núm), còn loại chiêng không có núm ở giữa thì gọi là chiêng (chiêng bằng). Kích thước chiêng to, nhỏ khác nhau, chiêng nhỏ nhất 20 cm đến chiêng lớn nhất 100 cm, độ dày, mỏng của mỗi chiếc chiêng phụ thuộc vào kích cỡ chiêng to hay chiêng nhỏ. Chiêng to phải có hai người khiêng hoặc treo trên giá cố định, chiêng nhỏ buộc dây xách bằng tay trái, tay phải cầm dùi gõ. Dùi chiêng làm bằng gỗ, đầu gõ có núm tròn bọc vải hoặc da thú. Cũng có khi không dùng dùi mà đánh chiêng bằng bàn tay, âm thanh nghe không vang to nhưng êm dịu, mềm mại.

Dàn cồng chiêng của người Bana ít nhất phải có 3 chiếc cồng, 5 chiếc chiêng, còn dàn cồng chiêng hoàn chỉnh phải có từ 4-6 cồng, từ 8-10 chiêng. Mỗi chiếc chiêng có tên gọi riêng, sắp xếp theo thang 5 âm và theo từng âm khu cao thấp khác nhau. Ngoài ra, đi kèm với dàn cồng chiêng hoàn chỉnh còn có thêm các nhạc khí hỗ trợ khác như lục lạc, xập xõa, trống lớn... Những bộ cồng chiêng quý nhất thường có âm thanh đẹp, âm trầm vang xa, âm cao lảnh lót.
Giai điệu âm nhạc cồng chiêng người Bana thường có tính chất hát kể, tự sự trên thang 5 âm không cố định, ngoài bậc chủ âm và các bậc tạo khung thang âm điệu thức, thì các bậc còn lại đều mang tính biến đổi để tạo thành quãng bán cung với những bậc kế cận và là cơ sở cho sự đan giao giữa các điệu khác nhau hay sự chuyển hệ trong cùng một điệu. Cấu trúc của những bài bản âm nhạc cồng chiêng thường đơn giản, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hát, gồm các hình thức một đoạn đơn, hai đoạn đơn tái hiện, một số ít bài bản có hình thức cấu trúc một đoạn kép và đều có đặc tính sử dụng khá năng động, linh hoạt và tính khái quát khá cao. Trong mỗi bài nhạc đều có thể hát với những lời ca có nội dung khác nhau và ngược lại, có thể sử dụng nhiều bài bản với tính chất âm nhạc khác nhau để hát kể về một nội dung cốt truyện nào đó.

Từ quan niệm “vạn vật hữu linh”, trong mỗi chiếc chiêng, chiếc cồng đều có “hồn” và có thần linh trú ngụ. Các vị thần càng lâu đời thì càng linh thiêng và có sức mạnh. Mặt khác, luật tục người Ba Na trước đây không cho phép đánh cồng, chiêng một cách tùy tiện. Họ quan niệm rằng âm thanh của cồng chiêng vang rất xa, các vị thần sông, suối, núi rừng, linh hồn ông bà đã mất... nghe được sẽ đến thăm. Khi các vị thần đến, nếu không có thịt để ăn, không có rượu để uống thì sẽ phạt.

Cồng chiêng từ xưa được xem là tài sản quý giá của đồng bào Tây Nguyên. Đến nay Lễ hội cồng chiêng của đồng bào Tây Nguyên được UNESCO công nhận là một trong những di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Chính vì vậy hầu hết các lễ hội của đồng bào không thể thiếu âm vang của tiếng cồng, tiếng chiêng.

KT (T/h)