Check in Hà Nội

Đình An Thái

Sơn Dương (t/h) 16:09 25/03/2023

Đình An Thái hiện nay thuộc phường Bưởi, quận Tây Hồ. Đình thờ ông bà Dầu - Vũ Phục. Vùng ngã ba sông Tô Lịch và Thiên Phù, ngoài đình Yên Thái còn các đình khác như đình Bái Ân, đình Tiên Thượng cùng thờ ông bà Dầu.

Đền thờ ông bà Dầu được dựng tại huyện Quảng Đức (triều Gia Long đổi là Vĩnh Thuận), gần góc thành Thăng Long (nay là đình An Thái, phường Bưởi).

Hàng năm để tưởng nhớ ông bà Vũ Phục đã tự nguyện hy sinh thân mình vì vương triều Lý và sự bền vững của kinh thành Thăng Long, vào ngày kỵ 30 tháng 11 dân làng sửa lễ cúng tế, tháng 2 mở hội tế lễ. Trước đây, hội đình An Thái là lễ hội lớn trong vùng. Đồ tế lễ gồm xôi dẻo, bò béo và các vật phẩm khác theo ý nguyện của thần trước khi hoá. Thần phả và văn bia cho biết đền thờ ông bà Vũ Phục và người em được xây dựng từ thời Lý (thế kỷ XI); niên hiệu Chính Hoà đời vua Lê Hy Tông (1680 - 1705) đại trùng tu. Từ đó về sau đình được trùng tu, sửa chữa nhiều lần. Sau mỗi lần tu sửa, dân làng đều dựng bia ghi lại sự việc.

Vào những năm Thành Thái (1889 - 1907), Duy Tân (1907 - 1916) đình lại được trùng tu. Ngoài chức năng thờ tự, đình An Thái còn được sử dụng làm trường học rất nổi tiếng trong vùng. Nề nếp đó vẫn giữ tới nay. Đình An Thái được xây dựng trên khu đất cao, thoáng đãng theo hướng tây nam. Trước đây, đình có quy mô kiến trúc lớn và hoàn chỉnh, rất tiếc một số công trình đã bị phá bỏ. Hiện đình bao gồm: Cổng Tam quan lớn ở phía trước, Tả - hữu mạc, các lớp học và khu thờ tự.

Tam quan Đình An Thái là một lớp nhà ngang ba gian khá độc đáo, nhà lợp ngói ta, bờ nóc đắp dạng bờ đinh, đầu hồi nóc xây cong hình mũi thuyền.

Khu thờ tự được xây dựng trên vị trí cao nhất sau sân gạch dài, quy mô nhỏ gồm 3 gian xây gạch kiểu tường hồi bít đốc, bộ khung đỡ mái có kết cấu đơn giản kiểu vì kèo quá giang, mặt trước mở cửa ra vào lớn hình chữ nhật. Ở chính gian giữa kê một hương án lớn trên đó đặt long ngai, bài vị các Thành hoàng làng, phía dưới đặt các đồ thờ tự.

Hai bên treo câu đối nói lên tình cảm anh em và tình cảm vợ chồng của nhà Vũ Phục:

Phu phu tất giao, tình thân bích hải

Huynh đệ cốt nhục, nghĩa trọng thanh sơn.

Tạm dịch:

Chồng vợ keo sơn, tình sâu như biển

Anh em cốt nhục, nghĩa trọng tựa non.

Trong đình hiện còn lưu giữ một số hiện vật có giá trị: năm đạo sắc phong thần của các vương triều Lê - Nguyễn. Đáng chú ý là tấm bia “Thuỷ tạo thạch kiều bi ký” dựng năm Cảnh Hưng thứ 20 (1759), bia “An Thái phường Tây thôn trùng tu đình vũ bi ký” (Bài ký trên bia trùng tu đình vũ thôn Tây phường An Thái) dựng năm Minh Mệnh thứ hai (1821).

Truyền thuyết ông bà Dầu - Vũ Phục, phần nào nói lên cuộc đấu tranh sống còn giữa nhân dân vùng này với nạn hồng thuỷ đương thời. Xưa nay không ai không thương xót ông bà Vũ Phục đã hy sinh thân mình cứu thành Thăng Long khỏi nạn hồng thuỷ.

Trần Bá Lãm có thơ đề: Thử sinh thuỳ hiệu ba đào địa Nhất tử lân tại phụ dữ phu Vân vũ kỷ kinh chiêu mộ sắc U hồn do nhiễu nhị giang lưu.

Tạm dịch:

Đất dữ nào ngờ khúc sông này

Vợ chồng Vũ Phục xót thương thay Nắng mưa trải biết bao ngày tháng Âm hồn quanh quẩn vẫn đâu đây.

Đình An Thái đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá năm 1994.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Sơn Dương (t/h)