Check in Hà Nội

Đình, đền An Định

Sơn Dương (t/h) 07:00 25/03/2023

Đình, đền An Định hiện thuộc thôn An Định, xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín. Xưa, làng có tên là Tín An, vốn là một làng thuộc tổng Tín Yên, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp xâm lược, Tín An mang tên người cán bộ cộng sản kiên cường Tô Hiệu.

Ngôi đình nhìn theo hướng đông nam gồm: Giếng, Tiền tế, Tả hữu mạc, Đại bái, Hậu cung. Tiền tế gồm 5 gian nhà ngang, 2 mái lợp ngói ri. Bờ nóc đắp bờ đinh, hai đầu bờ nóc đắp hai đấu đinh, phần cuối hai bờ giải xây giật cấp. Từ hai đầu hồi Tiền tế nối liền qua một bức tường lửng là hai trụ biểu tạo thành tay ngai trụ biểu. Trụ biểu với tiết diện vuông, phần đỉnh trụ đắp tứ phượng chầu cách điệu hoa giành, tiếp đó là mặt sập hổ phù ngậm chữ thọ. Các ô lồng đèn trang trí tứ linh. Thân trụ có các đường gờ chỉ nổi chạy dọc từ trên xuống, bên trong có ghi các đội câu đối bằng chữ Hán. Vào bên trong, Tiền tế được làm với 6 bộ vì, thống nhất theo kiểu thức “vì kèo giá chiêng”. Qua Tiền tế là tới Đại bái được làm 3 gian 2 chái 4 mái đao cong, lợp ngói ri cổ gồm có 6 bộ vì chịu lực trên 4 hàng chân cột.

Công trình tiếp theo là toà Thiêu hương với 2 tầng mái. Toàn bộ sức nặng của mái được dồn xuống với phần chịu lực chính là 4 cột cái đứng trên hai xà ngang gối đầu lên bờ tường. Công trình cuối cùng là toà Hậu cung có mặt trước trổ ba cửa, cửa giữa để lửng, hai cửa bên dùng để đi lại. Phần cửa lửng gian giữa Hậu cung là hương án, mang phong cách thời Nguyễn. Phía trên là hoành phi đề ba chữ Hán: “An Định từ”. Phần mái được xây cuốn vòm, bên dưới xây bệ thờ 2 cấp, cấp trên dùng để đặt long ngai bài vị thờ Thành hoàng làng, cấp dưới dùng để đặt bát hương và một số đồ thờ khác.

Đền nằm cách không xa ngôi đình, thờ phụng Thánh Mẫu bản thổ, người đã sinh ra hai vị Thành hoàng (Linh ứng đại vương và Bạch Đế đại vương). Đền có kết cấu theo kiểu chữ “đinh” gồm Đại bái và Hậu cung. Toà Đại bái với 3 gian, tường hồi bít đốc, bờ nóc đắp lưỡng long chầu nguyệt, hai đầu hồi đắp hình hổ phù ngậm chữ “Thọ”. Kết cấu các bộ vì toà Đại bái được làm với kiểu thức “vì kèo giá chiêng”. Tại bộ vì gian bên, ở vì thượng, phần bưng ván có chạm hình hổ phù, bộ vì gian giữa lại chạm hình phượng.

Toà Hậu cung có xây các bệ thờ, bệ giữa thờ Thánh mẫu bản thổ, hai bệ bên thờ Mẫu thoải và Mẫu thượng ngàn, bệ dưới thờ quan ngũ hổ.

Đình, đền An Định thờ Thánh Mẫu bản thổ và ba vị Thành hoàng làng là: Trung Thành đại vương, Linh Ứng đại vương và Bạch Đế đại vương.

Vào đời Hùng Duệ Vương ở xứ Sơn Nam, phủ Thường Tín, huyện Thượng Phúc có gia đình Bùi. Ông bà sinh được một người con gái đặt tên là Yến Nương. Lớn lên, Yến Nương là một người con gái đoan trang, hiền thục. Tuần sở tại có nhà Quản bộ công họ Bạch lấy Yến Nương làm vợ.

Tháng 8 năm Mậu Thìn, Thái Bà (tức Yến Nương) sinh ra một bọc hai người con trai, diện mạo khôi ngô hơn người, Quản công liền đặt tên cho con là Duệ Công và Bạch Công. Thời ấy, Hùng Duệ Vương ngự trị đã đến lúc mạt vận, thiên hạ xảy ra nhiều tai biến, nạn dịch, trộm cướp, ốm đau, bệnh tật. Nhà vua triệu mời hai anh em vào triều và phong anh là Đệ nhất Duệ Công chức Thuỷ tào đại phán quan, trông coi điện Linh Lang, phong em là Bạch Công chức Thuỷ tào đại tư mệnh Bạch Long hầu tướng quân. Hai Công phụng mệnh đi tuần thú thiên hạ, sau một thời gian thì các nơi đều được thanh bình, lấy đức dụ dân, phát chuẩn giúp người nghèo...

Trải qua nhiều triều đại các ngài đều anh linh hiển ứng, trợ giúp nước nhà mỗi khi gặp cảnh nguy nan và đều được các triều vua bao phong là Thượng đẳng phúc thần.

Các di vật trong di tích chủ yếu mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn, trong đó có: 2 hoành phi, 6 bức cuốn thư, 1 bộ bát bửu gỗ,1 sập thờ, 3 cỗ long ngai bài vị, 1 bộ kiệu Long đình, đòn kiệu thuộc phong cách nghệ thuật thời Lê.

Đình, đền An Định đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tây xếp hạng là di tích lịch sử văn hoá năm 2006.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Sơn Dương (t/h)