Check in Hà Nội

Đình An Hạ

Sơn Dương (t/h) 17:02 24/03/2023

Đình An Hạ (xã An Thượng, huyện Hoài Đức) còn gọi là đình Hạ Thôn. Địa danh này trước kia thuộc trang Thượng ốc, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, đạo Sơn Tây. Đình ở phía tây nam của làng, kết cấu theo kiểu chữ “đinh” gồm các hạng mục Nghi môn, Tả hữu mạc, Đại bái và Hậu cung.

Đại bái là hạng mục kiến trúc lớn, dài 21,3m, rộng 9m xây trên nền cao tam cấp còn khá nguyên vẹn. Từ bên ngoài đã cảm nhận được vẻ bề thế của hình khối, sự mềm mại của các mái đao cong, và trang trí trên các bờ nóc, bờ dải cùng hệ thống cửa bức bàn và chấn song con tiện. Phần rốn nhện đắp nổi hình phượng, có thể gắn với việc thờ vị Thành hoàng là nữ thần. Vào bên trong, bộ khung đình được làm bằng gỗ tứ thiết. Các bộ vì làm theo kiểu “chồng rường” trên 4 hàng chân cột. Hoạ tiết trang trí ở đây tập trung vào 4 bức cốn chạm nổi cả 2 mặt thuộc gian giữa, mặt chính chạm tứ linh và cua, cá, rồng trong hình ảnh long cuốn thuỷ, mặt sau chạm tứ quý với các cây được uốn thế theo kiểu hoá long. Các nét chạm khắc ở đây khá cầu kỳ, đầu rồng gắn nổi cao. Nền Đại bái ở gian giữa trũng thấp còn ở các gian bên cao hơn như kiểu sàn đình. Giữa là cửa võng thếp vàng lộng lẫy với bức đại tự đề 4 chữ Hán: “Thánh cung vạn tuể”, và biến gỗ đề: Thượng đẳng tối linh.

Hậu cung có chiều dài 12m, rộng 7m, chia thành 2 phần với cửa bức bàn có lối đi hẹp ở hai bên. Phần ngoài bày hương án và nhiều đồ thờ tự có giá trị, phần trong làm sàn gác lửng, trên đặt khám thờ và long ngại bài vị Thành hoàng làng. Ngoài ra, nơi đây còn lưu giữ được 17 đạo sắc, đạo sớm nhất có niên đại thời Lê, niên hiệu Vĩnh Khánh thứ 2 (1730), và nhiều hiện vật quý như chuông, lư hương, chiêng, hạc, cây đèn đồng.

Cuốn thần phả đặt trong Hậu cung cho biết: Vào thời Thục An Dương Vương có bà họ Đỗ đêm nằm mơ thấy con rắn trắng cuốn máy hồng rồi nở ra 3 bông sen. Sau đó, bà sinh ra ba người con gái và đặt tên là ả, Hai và Bảo. Khi đất nước bị giặc phương Bắc đe doạ, vua Thục cho tìm người hiền tài ra giúp nước. Người con thứ ba của bà đã chiêu mộ được 300 người và xin nhà vua cho đi dẹp giặc ở vùng Lĩnh Nam và giành thắng lợi, được vua phong chức tước. Ngày 10 tháng 7 âm lịch, bỗng có trận mưa to gió lớn, các loài thuỷ tộc bị cuốn theo dòng nước. Bà cùng một số binh lính cũng bị cuốn theo. Vua thấy bà là người có công lao to lớn nên sắc chỉ cho trang An Hạ thờ và phong cho bà là công chúa Lục Vị.

Đình đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1995.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Sơn Dương (t/h)