Điểm hẹn cuối tuần

Về Tây Phương Cổ Tự tìm "thang thuốc chữa lành tâm hồn"

Ngân Hà (t/h) 16:12 23/03/2023

Chùa Tây Phương có tên chữ “Sùng Phúc tự” nằm trên địa phận huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chùa Tây Phương sở hữu lối kiến trúc đậm chất nghệ thuật, vẻ đẹp cổ kính và độc đáo mang đến nhiều ấn tượng khó quên.

tam-quan-ha-sung-sung-uy-nghiem-duoi-chan-nui.jpeg
Tam quan hạ sừng sững uy nghiêm dưới chân núi của chùa Tây Phương.

Chùa Tây Phương hay còn được gọi là Tây Phương Cổ Tự toạ lạc trên ngọn đồi Câu Lâu thuộc thôn Yên, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất. Nơi đây cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 40 km về phía Tây.

Ngôi chùa này gắn liền với một truyền thuyết về quá trình Phật giáo được truyền bá vào Việt Nam. Trải qua một vài thế kỷ, cũng có giai thoại kể về tiết độ sứ thời Đường (864 - 868) là Cao Biền, phụ trách việc cai trị miền đất An Nam xưa đã đến đây để xây dựng một kiến trúc tôn giáo, với âm mưu ngăn chặn nguồn long mạch của xứ này.

Tuy nhiên, truyền thuyết vẫn chỉ là truyền thuyết, được người dân truyền miệng lại qua nhiều đời, còn chứng tích rõ ràng nhất liên quan đến Tây Phương cổ tự đích xác có từ thời Mạc Phúc Nguyên (1547 - 1561). Vào thời điểm này, chùa được xây dựng như quy mô hiện nay.

Chùa Tây Phương vào năm 2015 đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt, trong đó có 34 pho tượng được công nhận là bảo vật quốc gia.

chua-tay-phuong-thach-that-thach-xa-_.jpg

Khu vực chùa Chính có kết cấu hình chữ “Công” với 3 toà chính là: Thượng điện, Tiền đường và Trung đường, kiến trúc khung gỗ với 2 tầng 8 mái. Các chùa phân tách nhau bởi khoảng sân rộng và thoáng đãng. Phần mái các chùa đều có 2 lớp ngói, xung quanh diềm mái được trạm trổ hình lá triện cuốn đầy tinh tế.

chua-tay-phuong-thach-that-kien-truc-_.jpg

Phần mái bạn sẽ thấy có rất nhiều linh vật bằng đất nung, đầu đao hoa văn nổi hình rồng hay hoa lá được chạm khắc tinh xảo. Ngoài ra, chùa Tây Phương Thạch Thất Hà Nội còn có các khu vực như: Nhà Tổ, Nhà Mẫu, Miếu Sơn Thần,... tạo nên một quần thể rộng lớn và uy nghi.

- Cổng Tam quan Hạ: nằm ở dưới chân núi, kết cấu có 4 trụ biểu xây bằng gạch đá ong.

- Cổng Tam quan Thượng chùa Tây Phương Thạch Thất: cách cổng đầu tiên 237 bậc. Kiến trúc cũng khá tương đồng với cổng Hạ.

- Miếu Sơn thần hay còn gọi là đền Đức Ông: có 4 gian nhỏ nằm ngay bên trái của chùa. Phong cách kiến trúc tiền đao hậu đốc, nổi bật là phần ngói lợp rì. 

- Khu vực nhà Tổ – nhà Mẫu: có thiết kế 3 gian 2 dĩ, kiến trúc chữ “Nhị”, bên ngoài thờ Tổ còn bên trong thờ Mẫu. 

- Nhà khách: tổng cộng có 7 gian, nằm bên phải chùa Chính. Dù mới được phục dựng sau này tuy nhiên kiến trúc của nó vẫn đảm bảo giữ trọn kiến trúc truyền thống đồng thời không làm mất đi sự hài hoà của toàn bộ thiết kế trong chùa. 

Bên cạnh lối kiến trúc độc đáo, chùa Tây Phương còn được ví như là “Bảo tàng tượng Phật” của nước ta. Đến chùa Tây Phương, bạn sẽ được chiêm ngưỡng 64 pho tượng, có cả những pho tượng sơn son thếp vàng nhìn vô cùng bắt mắt được xếp vào dòng giá trị nghệ thuật trong điêu khắc bậc nhất ở nước ta.

chua-tay-phuong-thach-that-tuong_.jpg
chua-tay-phuong-thach-that-tuong-_.jpg

Sau khi viếng thăm Tây Phương cổ tự, sự bình yên cứ thế dâng đầy trong tâm hồn mình. Từ khuôn viên chùa có thể phóng tầm mắt ra xa tít tắp ngắm nhìn cả một vùng núi non xanh tươi, mát dịu. Bạn sẽ cảm thấy những vết thương lành, những hối hả cuồng quay của cuộc sống đang tạm thời ngưng đọng lại để nhường chỗ cho sức khỏe tinh thần được hồi phục. Sau tất cả, miền đất Phật thật diệu kỳ vẫn đang ở đó chờ đợi bạn đến khám phá./.

Ngân Hà (t/h)