Sáng tỏ khái niệm văn hiến, văn hiến Thăng Long
Tại cuộc hội thảo khoa học “Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại” được tổ chức ngày 21/3/2023, khi nhận diện văn hóa Thăng Long – Hà Nội, nhiều nhà nghiên cứu đã đặc biệt nhấn mạnh đến khái niệm "văn hiến", "văn hiến Thăng Long". Đây được coi là cơ sở góp phần định hình triết lý phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Từ văn hóa đến văn hiến
Bàn về khái niệm văn hiến, GS.TS Đặng Cảnh Khanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên cho rằng không thể không làm rõ khái niệm về văn hóa. “Khái niệm văn hiến bao hàm không chỉ nội dung văn hóa, văn minh mà còn chứa dựng một yếu tố quan trọng nữa, đó là những hiền tài của đất nước” – GS. TS Đặng Cảnh Khanh nhận định.
Ở Việt Nam, từ văn hiến xuất hiện lần đầu tiên trong bài “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi (1428):
Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Vậy nền văn hiến mà Nguyễn Trãi nói mang nội dung gì và nó được vận dụng thực tế ra sao? GS.TS Đặng Cảnh Khanh phân tích:
“Xưa nay, văn hiến được hiểu với một nội dung khá rộng. Nó thể hiện bản sắc của dân tộc Việt Nam so với bản sắc của dân tộc khác trước hết là ở núi sông bờ cõi đã chia và sau đó cũng còn là ở phong tục “Bắc, Nam cũng khác”. Bản sắc ấy cũng không chỉ ở truyền thống văn hóa Việt Nam qua các thời kỳ mà còn ở sự tiếp nối không ngừng của các thế hệ anh hùng hào kiệt trong lịch sử Việt Nam.
Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau
Nhưng hào kiệt không bao giờ thiếu
Theo cách diễn giải của Nguyễn Trãi thì con người hào kiệt và văn hóa cao là những nhân tố cấu thành của nền văn hiến Việt Nam. Vào thế kỷ XV, bài văn bia ghi danh các ghi tên Tiến sĩ khoa Quý Mùi, năm Quang Thuận thứ 4 (1463) có ghi: “Kẻ sĩ may mắn được ghi tên trên bia đá này nên phải làm cho danh đúng với thực, nên cũng phải rèn giũa phẩm hạnh, yên phận với mình, gắng sức giữ lấy cái tâm đối với nền văn hiến".
Thế kỷ XVIII, nhà bác học lỗi lạc Lê Quý Đôn cũng đã khẳng định: “Ngã quốc hiệu vi văn hiến" (nước ta được gọi là nước văn hiến). Đến thế kỷ XIX, trong sách “Lịch triều hiến chương loại chí” Phan Huy Chú cũng viết: "Khi nhà Lê dựng nước, văn hóa lại thịnh dần, hơn 300 năm chế tác đầy đủ kỹ càng, văn hiến đứng đầu trung châu, điển chương rạng cả triều đại” .
Từ những minh chứng trên, GS.TS Đặng Cảnh Khanh khẳng định: “Văn hiến Thăng Long chính là sự kết tinh, sự thu nhỏ của văn hiến dân tộc và là biểu hiện tập trung nhất của nền văn hiến dân tộc ấy. Chính vì vậy, nói tới văn hiến Thăng Long là nói tới văn hóa Thăng Long kết hợp với kẻ sĩ Thăng Long, những hiền tài của đất Thăng Long vậy.
Đã hơn một nghìn năm trôi qua rồi, kể từ khi tổ tiên chúng ta chọn Thăng Long làm Thủ đô của đất nước. Sự phát triển của Thăng Long cũng là biểu trưng cho sự phát triển của đất nước. Thăng Long cũng chính là sự kết tinh của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa nhân đạo của Việt Nam, là kết tinh của văn hiến Việt Nam. Văn hóa và con người ấy thể hiện trong sự nghiệp đoàn kết, sản xuất và chiến đấu. Văn hiến Thăng Long là nền tảng tinh thần cho sự phát triển của xã hội con người Thăng Long và rộng ra là của cả nước. Con người Thăng Long phát huy truyền thống tinh hoa văn hóa từ xa xưa của dân tộc và thành tựu về mọi mặt của cả nước để cùng cả nước xây dựng nền văn hiến của dân tộc Việt Nam và Thủ đô Thăng Long - Hà Nội".
Dẫn lời của giáo sư Vũ Khiêu: “Văn tức là văn hóa, hiến tức là người tài, đức của đất nước”, PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội khẳng định: “Văn hiến Thăng Long, mảnh đất tiêu biểu cho lịch sử ngàn năm văn hiến của dân tộc ta chính là nơi lắng hồn sông núi, nơi kết tinh, hội tụ, lan tỏa, nơi biểu hiện tập trung nhất của nền văn hiến ấy”.
Phát huy giá trị của văn hiến Thăng Long
Nghị quyết 15/NQ-TW của Bộ Chính trị ngày 05/05/2022 về “Phương hướng nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045” đã xác định: “Mục tiêu đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, trở thành trung tâm động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực”.
Theo PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ để đạt mục tiêu trên, trước hết Đảng bộ và nhân dân Hà Nội phải nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng đặc biệt của Thủ đô, xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” và trách nhiệm phát triển Thủ đô ngàn năm văn hiến, anh hùng, xứng đáng là trái tim của cả nước, trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, kinh tế và hội nhập quốc tế.
“Hà Nội hiện nay với tính chất đô thị hóa gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhất là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong cơ chế thị trường đã và sẽ dẫn đến sự di cư lao động, sự phân hóa - phân tầng xã hội và hoạt động văn hóa, nghệ thuật giữa các tầng lớp dân cư cũng như giữa các địa bàn đô thị (trung tâm, vệ tinh, thành thị, nông thôn), nhất là về mức sống, chất lượng sống, lối sống. Điều này đòi hỏi Hà Nội không chỉ phải phát huy các giá trị truyền thống mà còn phải hướng xây dựng các giá trị mới phù hợp với cơ cấu có tính chất mở về dân cư, kinh tế, văn hoá xã hội, xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại”, PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ nhấn mạnh.
Nhìn nhận vai trò vai trò của văn hóa chính trị trong mục tiêu phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, TS. Lê Thị Khánh Ly, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội khẳng định: “Có rất nhiều vấn đề cần đặt ra đối với chính quyền và nhân dân Hà Nội hiện nay trong đó, lớn nhất là vấn đề phát triển con người, phát triển nguồn nhân lực vì chiến lược văn hóa mới. Xây dựng và đảm bảo một Hà Nội phát triển nhanh, bền vững, đòi hỏi phải xây dựng chiến lược đồng bộ trên các lĩnh vực: kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường với bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, giữ gìn bản sắc văn hóa Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa. Từ định hướng đó, nội dung xây dựng con người Hà Nội thanh lịch - khẳng định nét riêng có của người Hà Nội từ nghìn xưa trở thành vấn đề được đặc biệt quan tâm”.
Đề cập tới các giải pháp khai thác tài nguyên nhân văn phục vụ phát triển Thủ đô Hà Nội Văn hiến - Văn hóa - Văn minh - Hiện đại, nhà báo Đỗ Trung Lai, báo Quân đội Nhân dân cho rằng cần bảo tồn và “chuyển giao” hồi quang của các tinh hoa Văn hiến - Văn hóa - Văn minh truyền thống cho các thế hệ sau bằng cách phục dựng, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể. Văn hóa phi vật thể Hà Nội cần được “nghe - nhìn - học” hóa để trở nên phổ biến trong cư dân Hà Nội…
Lịch sử đã trao cho mảnh đất Thăng Long - Hà Nội sứ mệnh làm trung tâm kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa của cả nước. Đó là vinh dự của mảnh đất và con người Thủ đô. Bởi thế, theo GS.TS Đặng Cảnh Khanh, những người Hà Nội phải quyết tâm giữ gìn, phát triển và truyền lại những giá trị tốt đẹp của văn hiến Thăng Long không phải chỉ cho các thế hệ tương lai của Thủ đô mà còn cho cả đất nước./.