Sự kiện & Bình luận

Chỉ cần thẻ căn cước công dân Việt Nam có thể đi lại trong ASEAN

KT (T/h) 18:54 17/03/2023

Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, việc cấp căn cước công dân cho trẻ em dưới 14 tuổi là để hội nhập quốc tế, khi hiện nay, các nước ASEAN đang hướng đến thống nhất các loại giấy tờ, công dân Việt Nam có thể đi lại các nước trong khu vực bằng căn cước công dân.

bo-truong-to-lam-545.jpeg
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an. Ảnh: QH

Sáng 17/3, tại phiên họp thứ 21, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về đề nghị bổ sung dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, việc sửa đổi Luật Căn cước công dân (Luật CCCD) hiện nay là rất cần thiết để thực hiện các chỉ đạo của Đảng trong thời gian qua.

“Từ khi Luật CCCD được ban hành đến nay, đã có rất nhiều văn bản quan trọng của Đảng chỉ đạo vấn đề này để quản lý xã hội, phục vụ nhân dân”, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.  Bộ trưởng dẫn chứng các chỉ đạo quan trọng của Đảng về vấn đề này như Nghị quyết 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề ra mục tiêu năm 2030 toàn bộ dân số Việt Nam sẽ được đăng ký, quản lý trong hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư thống nhất quy mô toàn quốc.

Bộ trưởng thông tin, vừa qua, làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo về vấn đề này và có thể cung cấp cho Bộ, các địa phương số liệu một xã, một phường có bao nhiêu trẻ em nhờ việc này. Trong đó, có bao nhiêu trẻ em đang cư trú có hoặc không có hộ khẩu, bao nhiêu tạm trú, vắng tại địa bàn. Từ đó, tính toán hệ thống giáo dục đào tạo, phục vụ rất tốt cho các kỳ thi.

"Chúng ta kêu gọi Chính phủ điện tử thì các cháu cũng phải được giao dịch. Bây giờ, điện thoại, sim điện thoại phải có căn cước thế thì các cháu dưới 14 tuổi có được dùng điện thoại không, hay phải đăng ký của bố mẹ để dùng. Trẻ có được tham gia các hoạt động trên môi trường mạng không, hoàn toàn được”, Bộ trưởng đặt vấn đề và cho rằng cần phải hoàn thiện những vấn đề này.

Cạnh đó, Bộ trưởng còn nêu, trẻ em hiện ngoài hộ chiếu và giấy khai sinh, thì không có giấy tờ gì để giao dịch, dẫn đến rất nhiều bất cập như trong việc tuyển sinh, hay đơn giản chỉ là đi máy bay.

"Việc cấp căn cước công dân cho trẻ em là để hội nhập quốc tế, khi hiện nay, các nước ASEAN đang hướng đến thống nhất các loại giấy tờ, công dân Việt Nam có thể đi lại các nước trong khu vực bằng căn cước công dân", Bộ trưởng phát biểu.

Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh, không cấp căn cước cho trẻ em dưới 14 tuổi là khoảng trống khiến công dân không có giấy tờ để hội nhập quốc tế.

Hồi âm băn khoăn được cơ quan thẩm tra nêu là trẻ em thay đổi nhanh về ngoại hình, ông Lâm cho hay, Bộ Công an dự kiến thời hạn căn cước công dân không phải như người lớn là 10 năm, mà chỉ khoảng 5 năm phải đổi một lần.

Trong hệ thống quản lý đồng bộ thì không sợ có sự cố. Mục tiêu 100% nhân dân giao dịch được trên môi trường điện tử.

Sau rất nhiều lý do về sự cần thiết, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, việc cấp căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi phải luận rất kỹ gắn với đời sống thực tế ngoài xã hội đặt ra, và với cơ quan quản lý thực tế quản lý thì vô cùng tiện lợi.

Hiện nay đã cấp được khoảng 60 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip, số còn lại Bộ Công an sẽ tiếp tục cố gắng với mục tiêu 100% người dân có căn cước, ông Lâm nhấn mạnh "chúng ta không nên để lỡ cơ hội này trong quản lý, quản trị xã hội, không để khoảng trống ở đây".

Cuối phiên thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết, đồng ý bổ sung dự án Luật Căn cước công dân sửa đổi vào Chương trình xây dựng luật năm 2023.

KT (T/h)