Văn hóa - Xã hội

Huyện Đông Sơn – Điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh Thanh Hóa

Lệ Quyên 07:25 17/03/2023

Đông Sơn là huyện đồng bằng giáp ranh thành phố Thanh Hóa về phía tây, được biết đến là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, giàu truyền thống cách mạng, người dân Đông Sơn có phẩm chất cần cù, sáng tạo trong lao động; anh dũng, kiên cường trong đấu tranh dựng nước và giữ nước. Chính sức mạnh nội tại ấy đã thúc đẩy Đông Sơn trong quá trình xây dựng Nông thôn mới và trở thành 1 trong 3 huyện của tỉnh Thanh Hóa "cán đích" sớm nhất và tiệm cận với công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Nhìn lại năm 2011, khi mới bắt tay vào thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Đông Sơn gặp muôn vàn khó khăn, trở ngại: Cơ cấu kinh tế của huyện ngành nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn: Nông - lâm - thuỷ sản chiếm 41,4%; Công nghiệp- xây dựng 43,2%; Dịch vụ- thương mại 15,4%, thu nhập bình quân đầu người đạt 13,6 triệu đồng/người/năm, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn. Nhưng với sự cố gắng, quyết tâm, đoàn kết một lòng của lãnh đạo,các tầng lớp nhân dân trong toàn huyện, đến năm 2019, huyện Đông Sơn được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM.

dong-son.jpg
Một góc của huyện Đông Sơn

Để xây dựng thành công Chương trình xây dựng NTM, BCĐ huyện xác định việc đầu tiên phải làm là tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động mọi tầng lớp nhân dân tham gia, làm cho người dân hiểu rõ vai trò của mình là chủ thể xây dựng NTM, lấy nội lực là căn bản, tự giác tham gia, sáng tạo trong tổ chức thực hiện. Các cơ quan, đơn vị quản lý Nhà nước hỗ trợ tích cực, tạo ra phong trào thi đua sôi nổi trong xã hội và giúp cho cộng đồng chủ động hơn trong việc thực hiện chương trình xây dựng NTM. Lấy phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ” làm mục tiêu định hướng công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Bên cạnh đó, UBND phối hợp với MTTQ huyện tổ chức phát động, các ngành, các xã trong huyện ký cam kết thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới”. Các phòng, ban, ngành, MTTQ, đoàn thể của huyện đã tập trung chỉ đạo và làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tổ chức các phong trào thi đua xây dựng NTM như: Ban Dân vận triển khai, thực hiện đề án "Tăng cường công tác dân vận trong xây dựng nông thôn mới”; MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện, tổ chức tốt các phong trào thi đua nhằm tiếp tục tuyên truyền vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân nhận thức đầy đủ hơn về chủ trương, đường lối của đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM; MTTQ với phong trào “vận động toàn dân xây dựng NTM, đô thị văn minh” gắn với “xây dựng NTM kiểu mẫu” .

cac-cong-trinh-sh-cong-dong-dong-son.jpg
Nhà văn hóa, khu thể thao - nơi sinh hoạt cộng đồng của nhân dân được xây dựng khang trang

Cùng với tuyên truyền, công tác đào tạo, tập huấn luôn được huyện quan tâm, chú trọng. Hàng năm huyện tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ chủ chốt cấp huyện, xã, thôn về các nội dung xây dựng NTM. Đồng thời, phối hợp cử cán bộ các cấp tham dự các lớp đào tạo, bồi dưỡng do tỉnh tổ chức. tổ chức 35 cuộc tham quan cho BCĐ huyện, xã đi học tập kinh nghiệm xây dựng NTM trong và ngoài tỉnh.

nguoi-dan-chung-tay-lam-sach-duong-dong-son.jpg
Phong trào  làm sạch môi trường sống được người dân trên địa bàn huyện Đông Sơn hưởng ứng

Qua công tác tuyên truyền, vận động đã tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao trong cán bộ, Đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Kết quả, trong giai đoạn 2020 – 2022, huyện Đống Sơn đã huy động được 4.321.21 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao. Trong đó, nguồn lực huy động từ nhân dân là 2.386,23 tỷ đồng. Nhân dân hiến hơn 142.812 m2 đất các loại. Từ các nguồn huy động, hạ tầng giao toàn huyện đã nâng cấp được 200,54 km đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng. Các tuyến đường giao thôn nông thôn trước đây chỉ rộng từ 3-4m, thậm chí chỉ rộng 2m và không có rãnh thoát nước. Đến nay, nhiều tuyến đường được mở rộng từ 5,5-7,5m, có rãnh thoát nước dọc hai bên đường. Đây cũng được coi là cuộc cách mạng về hạ tầng giao thông theo định hướng của Ban thường vụ huyện ủy.

Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp huyện Đông Sơn phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp cũng được đăc biệt quan tâm, chú trọng. Hiện, trên địa bàn huyện đã xây dựng 11 mô hình nhà màng, nhà lưới sản xuất nông nghiệp công nghệ cao sản xuất rau, củ, quả, hoa theo tiêu chuẩn VietGAP, từ đó giúp nâng cao năng suất, chất lượng và thu nhập cho người dân.

mo-hinh-nong-nghiep-thuy-canh.jpg
Mô hình sản xuất nông nghiệp thủy canh

Từ thành công của Chương trình MTQG về xây dựng NTM đã tạo được không khí phấn khởi, sôi nổi trong phong trào thi đua xây dựng quê hương của các tầng lớp nhân dân. Đến nay, có thể nói diện mạo nông thôn của Đông Sơn đã có sự thay đổi toàn diện, mạnh mẽ. Với 62/85 thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 03 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu đã đưa Đông Sơn là huyện dẫn đầu toàn tỉnh về số lượng xã, thôn NTM kiểu mẫu. Năm 2022, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất của huyện đạt 18,3% (đứng thứ năm toàn tỉnh); thu nhập bình quân đầu người đạt 54,68 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 0,34% (đứng thứ 2 toàn tỉnh). Việc hoàn thiện tiêu chí NTM kiểu mẫu tại nhiều xã, thôn đã góp phần xây dựng Đông Sơn trở thành những miền quê đáng sống. Diện mạo nông thôn đổi thay tích cực theo hướng ngày một văn minh, hiện đại. Đặc biệt, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người đạt 54,68 triệu đồng/năm. Cơ sở vật chất văn hóa đã được đầu tư đồng bộ, các nhà văn hóa thôn được xây mới khang trang với đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho sinh hoạt, hội họp, văn hóa, văn nghệ của người dân. Công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân được quan tâm và nâng cao rõ rệt

Có thể nói rằng, Chương trình MTQG xây dựng NTM đã thực sự tạo được bước đột phá mạnh mẽ, làm thay đổi toàn diện bộ mặt của một vùng nông thôn nghèo khó trở thành miền đất đáng sống. Đó cũng là mong muốn và là kết quả của sự quyết tâm, chung sức, đồng lòng của cán bộ, Đảng viên và các tầng lớp nhân dân huyện Đông Sơn.

Lệ Quyên