Hoạt động hội

Nhìn lại 15 năm xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật Thủ đô trong thời kỳ mới

Thụy Phương 16/03/2023 12:48

Sáng 16/3/2023, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội đã tổ chức Hội thảo “Tổng kết 15 năm xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật Thủ đô trong thời kỳ mới” nhằm đánh giá những thành tựu đã đạt được và những hạn chế, biện pháp khắc phục trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, NSND Trần Quốc Chiêm – Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội cho hay, trong 15 năm qua sau khi Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị ra đời, nhận thức của đội ngũ văn nghệ sĩ về xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới có nhiều chuyển biến tích cực. Nền VHNT Thủ đô tiếp tục đổi mới, bám sát hiện thực sôi động thành phố, có quan điểm biện chứng với đời sống, ca ngợi, khẳng định những cái tích cực, cổ vũ những nhân tố mới, thành tựu mới… Với sự phát triển đa dạng, phong phú, giàu tiềm năng, xu hướng chuyên nghiệp hóa ngày càng được đề cao, VHNT Thủ đô đã đạt được nhiều thành tựu, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp đổi mới của Thủ đô và đất nước.

anh-hoi-thao-hoi-lien-hiep.jpg
Hội thảo ghi nhận nhiều ỳ kiến tâm huyết của các văn nghệ sĩ các hội chuyên ngành.

Mặc dù đã có những thành tựu, song so với yêu cầu phát triển của đời sống xã hội và xu thế hội nhập hiện nay, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) vẫn còn bộc lộ một số hạn chế.

Nhà thơ Bằng Việt, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội nhắc lại những hạn chế ông từng chỉ rõ từ 15 năm trước mà theo ông đến nay vẫn chưa được khắc phục. Đó là thực trạng tác phẩm VHNT xa lánh những vấn đề lớn lao của đất nước, chạy theo các đề tài nhỏ nhặt tầm thường, chiều theo thị hướng thấp kém; tình trạng nghiệp dư hóa hoạt động VHNT; lý luận phê bình xơ cứng, kém năng động; các sáng tác có giá trị được giới thiệu ra nước ngoài còn rất hạn chế; công tác đào tạo bồi dưỡng văn nghệ sĩ còn bất cập; đầu tư kinh phí, ngân sách vào VHNT chưa đúng tầm…

anh-bac-viet.jpg
Nhà thơ Bằng Việt phát biểu tại hội thảo.

Nhìn từ thực trạng của lĩnh vực múa, nhà báo Đinh Mạnh Cường (Hội nghệ sĩ Múa Hà Nội) trăn trở: “Hiện nay, lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật múa ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, nhiều đề tài lớn của nền nghệ thuật cách mạng chưa được nghệ sĩ quan tâm, tập trung trí tuệ sáng tác, ảnh hưởng đến khả năng tuyên truyền về công tác tư tưởng của Đảng. Nhiều tác phẩm nghệ thuật truyền thống đang đứng trước nguy cơ mai một…”

Nguyên nhân dẫn tới những hạn chế của VHNT thời gian qua theo một số đại biểu xuất phát từ cả yếu tố chủ quan và khách quan, trong đó đáng nói là công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, các hội, đoàn thể trong việc tuyên truyền thực hiện Nghị quyết, Chỉ thị chưa thường xuyên và kịp thời; nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực VHNT còn hạn chế...

Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị, tại hội thảo các đại biểu cũng đã đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất trong đó đề cập tới một số nhiệm vụ và giải pháp như: xây dựng đề án và cơ chế bảo tồn, truyền bá tác phẩm VHNT có giá trị và đầu tư xây dựng các công trình mới; có cơ chế và thực hiện có hiệu quả phương châm, kế hoạch xã hội hóa hoạt động VHNT; tăng mức đầu tư và bổ sung các chế độ, chính sách đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ đáp ứng yêu cầu đào tạo đặc thù; đổi mới hơn nữa công tác thâm nhập thực tế, giúp hội viên tiếp cận sâu rộng đời sống để có những tác phẩm mang đậm hơi thở cuộc sống và thời đại...

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội cần lưu tâm tới vấn đề định hướng dư luận, định hướng thẩm mỹ cho công chúng; mở thêm nhiều cuộc thi sáng tác VHNT, thi tìm hiểu lịch sử - văn hóa truyền thống giúp người đọc Thủ đô nâng cao hơn nữa tầm hiểu biết và hứng thú đối với tác phẩm VHNT. Còn nhà văn Bùi Việt Mỹ, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội thì cho rằng trong bối cảnh công nghệ thông tin mạng phát triển mạnh, Hội Liên hiệp cũng như các chuyên ngành VHNT nhất định phải đổi mới quản lý: Đổi mới trong tư duy, trong phương pháp, giải pháp, trong cơ chế quản lý điều hành… đầu tư cơ sở vật chất, tận dụng những lợi thế của internet…

Phát biểu tổng kết hội thảo, NSND Trần Quốc Chiêm cho biết trên cơ sở những ý kiến đóng góp của các văn nghệ sĩ, Ban Chấp hành Hội sẽ kiến nghị với UBND Thành phố và các cấp, ngành liên quan có thêm nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ hơn nữa để Thành phố thực hiện tốt Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị góp phần thúc đẩy văn nghệ sĩ Thủ đô ngày càng phát triển, có nhiều cống hiến vào sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thủ đô./.

Thụy Phương