Chính sách & Quản lý

Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Hội thề trung hiếu đền Đồng Cổ

PV 08:20 16/03/2023

Ngày 15/3, tại di tích đền Đồng Cổ (phường Bưởi, quận Tây Hồ), Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức Tọa đàm "Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Hội thề trung hiếu đền Đồng Cổ". Dự tọa đàm có đại diện Sở, ngành cùng các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa.

image_galleryvrvrvrtbr.jpg
Quang cảnh Tọa đàm

Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến cho biết: Đền Đồng Cổ gắn liền với Hội thề Trung hiếu là nét văn hoá độc đáo và đặc sắc của Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến. Chỉ ở đền Đồng Cổ, phường Bưởi, quận Tây Hồ mới có Hội thề Trung hiếu - một lễ hội độc đáo, mang giá trị nhân văn sâu sắc, thể hiện rõ tính cách con người Việt Nam, truyền thống Việt Nam.

Tại tọa đàm, các đại biểu đã cùng trao đổi, làm rõ giá trị của di sản Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ, định hướng cho công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản trong bối cảnh lễ hội truyền thống thuộc khu vực nội thành chịu nhiều tác động từ quá trình đô thị hóa. Theo đó, đã có nhiều giải pháp được đưa ra tại tọa đàm, thu hút sự đồng thuận cao, như: Cần sớm xây dựng hồ sơ đề nghị ghi danh di sản vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; xây dựng kịch bản lễ hội chi tiết, xác thực theo truyền thống; kết nối điểm đến di sản với các di sản trong khu vực nhằm kích cầu du lịch văn hóa; tăng cường giáo dục truyền thống cho các thế hệ, trong đó có lớp trẻ tại các hoạt động ngoại khóa trong nhà nước…

img_4057.jpg.jpg
Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến thông tin tại Hội nghị

Cụ thể, trao đổi tại tọa đàm, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết: Hội thề đền Đồng Cổ thực sự là một hội thề non nước, một đại lễ hội của kinh thành Thăng Long, không chỉ đời Lý và các đời Trần, Lê, mà cho đến ngày nay, cũng vẫn được duy trì, tiếp nối. Nét đặc sắc của Hội thề đền Đồng Cổ chính là sự hòa hợp, kết quyện giữa nghi thức cung đình và dân gian, mượn oai thần linh để tạo nên sự thăng hoa, hết mình của toàn thể cộng đồng, vì sự trường tồn của triều đình, đất nước.

"Lễ hội sắp được tổ chức tới đây sẽ là lễ hội thứ 995 và chỉ còn 5 năm nữa, chúng ta sẽ được chứng kiến lễ hội tròn thứ 1.000 với kỳ vọng lễ hội vẫn giữ được các giá trị truyền thống nhưng lại thật sự đổi mới và sáng tạo, phù hợp với xu thế phát triển, biến đổi của Thủ đô, đất nước và thời đại" - GS.TS Nguyễn Quang Ngọc nhấn mạnh.

img_4093.jpg.jpg
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam trao đổi tại tọa đàm

Theo UBND quận Tây Hồ, để hướng tới kỷ niệm 995 năm Lễ hội đền Đồng Cổ, quận đã xây dựng kế hoạch kỷ niệm với nhiều hoạt động ý nghĩa, phong phú nhằm góp phần tuyên truyền, quảng bá về giá trị của di sản và ý nghĩa của "Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ", nâng cao ý thức của người dân, khách du lịch trong việc bảo vệ di sản để giữ gìn truyền thống văn hóa, lịch sử ngàn năm. Đặc biệt, quận Tây Hồ đã xây dựng hồ sơ trình Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đưa "Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ phường Bưởi" vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Gợi ý về việc xây dựng hồ sơ trình Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, các nhà khoa học nhấn mạnh, hồ sơ cần nhận rõ giá trị khác biệt, độc đáo của Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ. Theo TS Lê Thị Minh Lý - Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, hồ sơ cần tập trung nêu rõ 6 giá trị, 3 giải pháp. Giá trị đầu tiên cần nhấn mạnh, là trong gần 500 di sản văn hoá phi vật thể, Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ là hội đầu tiên có chủ thể, thời gian sử liệu ra đời rõ ràng. Điều đó chứng tỏ, Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ là sự sáng tạo đã tồn tại, lưu truyền gần 1.000 năm của một vị vua, trở thành tập quán truyền thống, sống trong đời sống đương đại.

Từ giá trị đặc biệt kể trên, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội, UBND quận Tây Hồ cần làm hồ sơ một cách "bình thường" để di sản được sống trong đời sống đương đại. Bởi, di sản văn hoá phi vật thể không thể quay ngược trở lại, thực hiện như trong quá khứ. Cùng với đó, hồ sơ cần nhấn mạnh giá trị về sự trao truyền Hội thề qua các thế hệ, di sản đã được "sống" trong cộng đồng ra sao để có định hướng trong bảo tồn, phát huy giá trị… Các chuyên gia khuyến nghị, di sản văn hoá phi vật thể "Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ" cần phải tạo ra giá trị mới; xác định rõ giá trị về không gian kiến trúc, di sản tư liệu (văn bia, chữ cổ, hiện vật).

Còn 3 giải pháp để phát huy các giá trị được đưa ra gồm: Kết nối đền Đồng Cổ với di tích khác trên địa bàn quận Tây Hồ nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung; tăng cường giáo dục di sản văn hoá phi vật thể "Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ"; chính quyền cần có kế hoạch chỉnh trang, mở rộng không gian di sản đền Đồng Cổ, điều chỉnh là những điểm chưa hợp lý…

z4184630100148_4712a4c1262aa0040f0e1d5c036ad7de.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia đóng góp ý kiến

Dù Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ có giá trị độc đáo nhưng hiện nay, không gian di tích đền Đồng Cổ cũng đang là vấn đề cần bàn đến. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia bày tỏ, song song với việc xây dựng hồ sơ ghi danh ghi sản văn hóa phi vật thể quốc gia, các cơ quan chức năng cần hoàn thiện không gian tâm linh. Hiện nay, di tích đã khang trang hơn trước nhưng cần có một không gian rộng hơn, cần hoàn thiện cổng vào đền và giải tỏa khu vực xung quanh để tăng thêm diện tích cho di tích.

Việc hoàn trả lại không gian di tích cũng nhận được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu. Theo nhà nghiên cứu văn hóa, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Lâm Biền, kiến trúc đền Đồng Cổ chỉ có một nghi môn và nghi môn hiện có nằm trên trục thần đạo. Còn cửa ra ngoài đường Thụy Khuê chính là cổng, không thể gọi là nghi môn. Kiến trúc đền Đồng Cổ chỉ là kiến trúc phục vụ cung đình, chưa phải là kiến trúc cung đình nên không thể có nhiều nghi môn. Ngay cả phương đình khi tu bổ cũng cần làm lại các chi tiết trên mái để đưa về gần hơn với giá trị gốc.

Bởi vậy, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Lâm Biền đề xuất, các cơ quan chức năng khi muốn tu bổ di tích cần tham vấn ý kiến các nhà chuyên môn đề đảm bảo các giá trị vốn có và vị trí là trọng điểm di sản của Thăng Long dưới thời Lý.

Việc hoàn thiện không gian tâm linh cho Hội thề chính là góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Những đóng góp của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa được lãnh đạo quận Tây Hồ, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội ghi nhận, tiếp tục nghiên cứu trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản đền Đồng cổ và Hội thề Trung hiếu. Sắp tới, khi Hội thề được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, quận Tây Hồ cùng Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội sẽ lập kế hoạch từng bước đưa di sản trở lại vị trí của nó.

Theo Cổng giao tiếp Hà Nội

PV