Giấc mơ vaccine phòng Covid-19 thành hiện thực
Tin tức - Ngày đăng : 16:32, 14/03/2021
Vaccine ngừa Covid-19 tưởng chừng như giấc mơ xa vời của người dân Việt Nam nhưng đã trở thành hiện thực.
Lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định, trong năm 2021, mọi người dân Việt đều được tiêm vaccine và đây sẽ là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay - lá chắn phòng ngừa Covid-19 hiệu quả.
Vững tâm chống dịch
Trong đợt 1 triển khai tiêm vaccine ngừa Covid-19, tính đến hết ngày 10/3 đã có 955 cán bộ, nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch ở 4 địa phương (Hà Nội, Hải Dương, TP Hồ Chí Minh, Gia Lai) được tiêm những mũi vaccine đầu tiên. Ghi nhận ban đầu cho thấy, tất cả người được tiêm đều an toàn, chưa xảy ra bất thường nào về sức khỏe.
TS Vũ Minh Điền - Phó Giám đốc Trung tâm Phòng, chống dịch, Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới T.Ư bày tỏ niềm vui và vinh dự, may mắn khi là một trong những nhân viên y tế được tiêm vaccine phòng Covid-19 trong đợt đầu tiên nay.
Tiêm vaccine phòng Covid- 19 tại bệnh viện Nhiệt đới T.Ư cơ sở 2. Ảnh: Ngọc Tú |
|
Theo TS Vũ Minh Điền, đây là sự quan tâm, động viên của Chính phủ, Bộ Y tế đối với lực lượng y tế tuyến đầu. Còn bác sĩ Nguyễn Thanh Phong - Trưởng Khoa Nhiễm D, BV Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh - người từng điều trị cho bệnh nhân 91 (phi công người Anh mắc Covid-19) là một trong những nhân viên y tế được tiêm vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam. Trải qua những ngày tháng đồng hành cùng bệnh nhân mắc Covid-19 đáng nhớ từ những ngày đầu dịch bệnh Covid-19 xâm nhập và lây lan tại Việt, anh chia sẻ, một năm qua cảm thấy rất áp lực.
Bản thân là người làm công tác điều trị trực tiếp cho bệnh nhân, anh thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến mới về dịch bệnh và thấy rằng dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Nhiều ca tử vong ở trong nước và trên thế giới cho thấy mức độ phức tạp của dịch bệnh này.
Theo bác sĩ Phong, bên cạnh các biện pháp khống chế dịch bệnh như hiện nay, thì việc tiêm vaccine cho người dân là một giải pháp hiệu quả góp phần đẩy lùi dịch bệnh. Một khi độ bao phủ vaccine rộng khắp thì nguy cơ nhiễm bệnh của người dân cũng sẽ được giảm xuống, áp lực đối với đội ngũ tuyến đầu chống dịch cũng sẽ được giải tỏa.
Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh cho rằng, không thể khẳng định vaccine an toàn 100%. Những phản ứng bất lợi sau tiêm vẫn có thể xảy ra. Vì vậy, BV chuẩn bị quá trình triển khai tiêm chủng cho nhân viên một cách cực kỳ thận trọng. “Trở thành những công dân đầu tiên của Việt Nam được tiêm vaccine phòng Covid-19 là một niềm hạnh phúc và vinh dự, đồng thời cũng nhắc nhở các nhân viên về bổn phận và trọng trách của mình là những chiến binh tuyến cuối về điều trị Covid-19 của TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam” - bác sĩ Châu chia sẻ.
Còn tại điểm nóng về dịch là Hải Dương, anh Lưu Công Nghĩa (huyện Kim Thành) - Tổ trưởng Tổ Covid-19 cộng đồng cho biết, anh luôn ý thức được khả năng dễ bị lây nhiễm, bởi thường xuyên tiếp xúc với nhiều người, trong khi huyện Kim Thành là ổ dịch thứ 6 của tỉnh. Nay được tiêm vaccine, như là tấm lá chắn giúp bảo vệ trước dịch Covid-19 hiện nay.
Những người thuộc lực lượng chống dịch trên tuyến đầu được tiêm vaccine phòng Covid-19 trong đợt đầu tiên này đều vui mừng cho rằng, từ nay họ sẽ vững tâm hơn khi thực hiện nhiệm vụ chống dịch gian nan, vất vả nhưng rất đáng tự hào của ngành y tế.
Mọi người dân đều được tiêm vaccine
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngành y tế nhanh chóng tiêm vaccine cho người dân trên tinh thần “vaccine + 5K”. Chính phủ đang nỗ lực để mọi người dân đều được tiêm và tiếp tục thực hiện mục tiêu kép để kinh tế - xã hội phát triển nhưng kiểm soát tốt dịch bệnh.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế từ rất sớm đã chủ động, tích cực đàm phán, làm việc với các đối tác quốc tế để được cung cấp vaccine Covid-19 và trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á nhận được vaccine này. Bên cạnh đó, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị trong nước đẩy nhanh nghiên cứu, sản xuất vaccine để sớm tự chủ về nguồn cung, đồng thời tích cực đàm phán, làm việc với các đối tác quốc tế để nguồn vaccine về Việt Nam dồi dào hơn.
Cuối tháng 2/2021, 117.600 liều vaccine của AstraZeneca đã về đến Việt Nam và được triển khai tiêm chủng từ ngày 8/3 đến nay. Dự kiến, các đợt vaccine tiếp theo với tổng số 29,87 triệu liều sẽ về đến Việt Nam vào tháng 4 (1,48 triệu liều), tháng 5 (2,76 triệu liều), tháng 6 (5,04 triệu liều), tháng 7 (7,32 triệu liều) và tháng 8 (13,27 triệu liều). Như vậy, trước mắt Việt Nam có 30 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 để tiêm cho người dân.
Để đảm bảo nhu cầu tiêm đại trà, Bộ Y tế đã và đang tiếp tục đàm phán với các nhà sản xuất vaccine như Pfizer, Moderna, Johnson & Johnson, Gamaleya (Sputnik V) để có thể tiếp cận với tất cả các nguồn cung ứng nhằm mở rộng phạm vi sử dụng vaccine phòng Covid-19 tại Việt Nam.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ Y tế khuyến khích tất cả các DN có đủ điều kiện, tiếp cận, đàm phán với các đối tác cung cấp vaccine phòng Covid-19 khác trên thế giới để nhập khẩu vaccine về sử dụng trong nước theo tinh thần Nghị quyết của Chính phủ. Theo ước tính năm 2021, để tiêm đủ dân số, Việt Nam cần tới 150 triệu liều vaccine. Hiện chắc chắn đã có 60 triệu liều, bao gồm 30 triệu liều từ chương trình COVAX và 30 triệu liều đặt mua từ AstraZeneca cam kết cung cấp cho Việt Nam. Hiện Bộ Y tế đang nỗ lực đàm phán với các bên liên quan để đảm bảo tiêm cho 90 triệu người dân Việt Nam được tiêm. Sẽ có một chiến dịch tiêm chủng với quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Hiện bộ đã và đang gấp rút chuẩn bị kịch bản tiêm với phương châm là huy động tất cả đơn vị ngành y tế, ngoài ngành y tế, các đơn vị quân đội, công an và các lực lượng khác tham gia vào tiến trình tiêm đại trà cho mọi người dân.
Bên cạnh nhập khẩu từ nước ngoài, Việt Nam có 3 ứng viên vaccine Covid-19, trong đó, vaccine Nano Covax đã hoàn thành quá trình thử nghiệm trên người giai đoạn 1 cho kết quả tốt và đã tiến hành giai đoạn thử nghiệm thứ 2. Hai vaccine còn lại, Bộ Y tế sẽ khẩn trương tiến hành thử nghiệm trên người giai đoạn 1. Việc nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm vaccine trong nước phải “tuân thủ tất cả các bước, chắc chắn, nhưng nhanh nhất có thể”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, đây là cơ hội để năng lực nghiên cứu vaccine của Việt Nam bước lên một tầm mới, nhằm chuẩn bị ứng phó đối với những dịch bệnh có thể xảy ra trong tương lai: “Trong chương trình tiêm chủng mở rộng đã có một số vaccine sản xuất trong nước rất tốt và nếu nghiên cứu, phát triển thành công vaccine Covid-19, chúng ta sẽ chủ động được nguồn vaccine cho 100 triệu dân. Những thông tin ban đầu cho thấy, các vaccine ngừa Covid-19 chỉ sinh ra kháng thể trong một thời gian nhất định, có nghĩa là hằng năm đều phải tiêm nhắc lại chứ không phải chỉ tiêm 1 đợt hay 1 năm là xong”.
Như vậy, với việc nỗ lực nhập khẩu vaccine cùng với sản xuất trong nước, người dân có quyền hy vọng, Việt Nam sẽ chủ động được nguồn vaccine tiêm chủng hằng năm cho mọi người dân.
"Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nhiều nước châu Âu, châu Á số ca mắc vẫn không ngừng tăng cao, người dân cần phải có ý thức phòng chống bệnh cho mình, gia đình và cộng đồng. Dù Việt Nam đã triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19, tới đây có thể tiến tới tiêm đại trà, nhưng không vì thế mà chủ quan, lơ là phòng chống dịch, bởi vaccine không phải tấm lưới chắn thần kỳ giúp người tiêm tuyệt đối không nhiễm Covid-19. Mọi người dân hãy nhớ thực hiện 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế để phòng dịch bao gồm: Khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tụ tập - khai báo y tế. Đây là những biện pháp không tốn kém nhưng lại vô cùng hiệu quả trong phòng chống dịch bệnh."- Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế) - TS Trần Đắc Phu |
KTĐT