Tín hiệu mừng khi dòng tiểu thuyết dã sử nở rộ
Xuất hiện trên văn đàn từ năm 2005 với tiểu thuyết dã sử “Điệu nhạc trần gian” dày 1000 trang, nhà văn Hà Thuỷ Nguyên đã làm đầy sự nghiệp văn chương với những tác phẩm ghi dấu ấn. Nhân dịp tập 2 của bộ tiểu thuyết dã sử “Thiên địa phong trần” vừa ra mắt với nhan đề “Nổi gió”, phóng viên Tạp chí Người Hà Nội đã có buổi trò chuyện cùng chị xung quanh câu chuyện sáng tác dòng văn học này.
PV: Xin chào chị! Được biết, chị là tác giả kịch bản của các phim truyền hình hiện đại như “Đi về phía mặt trời”, “Vòng nguyệt quế”, “Blog nàng dâu”... nhưng những năm gần đây nhiều độc giả còn biết tới chị là một nhà văn viết tiểu thuyết dã sử. Chị thích viết dòng hiện đại hơn hay dã sử hơn và tại sao chị lại chọn con đường tiểu thuyết dã sử?
Nhà văn Hà Thủy Nguyên: Tôi không chắc lắm về định nghĩa của “hiện đại”, các nhà nghiên cứu văn hóa đến nay vẫn đang tranh cãi về khái niệm này. Có lẽ ở đây chúng ta cần phân biệt rõ giữa “tính hiện đại” và “đời sống hiện đại”, giống như phân biệt rõ giữa “tính cổ điển” và “đời sống cổ xưa”. Tôi chọn đời sống cổ xưa để bắt đầu hành trình văn chương của mình có lẽ cũng không phải do sở thích, mà vì thói quen sống và các thú chơi của tôi phần nào đó vẫn giống người xưa hơn. Trong khi đó, đời sống hiện đại lại là một thế giới mới mà tôi cần trải qua và khám phá đủ. Kịch bản phim chỉ là một sự tái hiện nhất thời của đời sống hiện đại ấy, còn để có thể viết một cuốn tiểu thuyết về đời sống hiện đại mà chúng ta đang sống trong đó thì có lẽ tôi vẫn cần thêm thời gian.
PV: Để viết tiểu thuyết dã sử dường như cần đầu tư nhiều hơn các dòng văn học khác, chị đã chuẩn bị như thế nào trước khi bắt tay vào viết một tiểu thuyết dã sử?
Nhà văn Hà Thủy Nguyên: Thực ra mỗi dòng văn học đều đòi hỏi sự đầu tư khác nhau, khó định lượng theo cách ít nhiều được. Nếu tiểu thuyết hiện thực đòi hỏi trải nghiệm, tiểu thuyết lãng mạn đòi hỏi cảm xúc, thì tiểu thuyết dã sử đòi hỏi khả năng tra cứu tư liệu, phán đoán và tầm nhìn toàn cảnh không chỉ trong quá khứ, mà còn ở hiện tại và tương lai. Nghe thì to tát, nhưng thực ra các nhà văn dã sử lại không dấn thân như nhà văn hiện thực và nhà văn lãng mạn, bởi họ giữ tâm thế người ngoài cuộc. Vì ở vai trò người tra cứu và quan sát, nên phải tra cứu quá khứ đủ rộng và quan sát hiện thực đủ lâu, sao cho việc sáng tác không phải là một thứ minh họa cho lịch sử đã được thừa nhận, cũng không phải là một sự tâng bốc để mua vui theo lối kịch tính. Ví dụ như với “Thiên địa phong trần”, các tư liệu được tích lũy theo sở thích thì có thể nói là bắt đầu từ 2003, còn chủ động tìm kiếm để phục vụ tuyến truyện thì tôi bắt đầu từ 2018. Còn về quan sát hiện thực thì đó là quá trình cả đời.
PV: Trong “Cầm Thư quán” và “Thiên địa phong trần”, chị đều chọn bối cảnh lịch sử của thời kỳ Hậu Lê. Các thời kỳ/ nhân vật mà chị lựa chọn để viết trong tiểu thuyết dã sử của mình liệu có đến từ một duyên do nào không?
Nhà văn Hà Thủy Nguyên: “Cầm Thư quán” lấy bối cảnh thời vua Lê Thánh Tông, là giai đoạn thịnh Lê, trong khi “Thiên địa phong trần” thì lấy bối cảnh của thời Lê mạt. Lý do tôi hứng thú với giai đoạn này đó là sự xuất hiện của một nhóm nhà Nho tài tử, tức những trí thức tài hoa không đeo đuổi danh lợi, khi được đắc sủng thì hết mình, khi thất thế thì thoái lui không oán hận. Tôi viết về những điều này trước hết là để nhắc nhở chính mình, sau nữa là muốn nhấn mạnh về một cách hành xử đẹp mà trong xã hội đương thời chúng ta đã lãng quên. Bạn đọc sẽ nhận ra cách hành xử này một cách rất rõ nét trong “Thiên địa phong trần” với nhân vật chính là Ôn Như hầu Nguyễn Gia Thiều, một trang tài hoa giữa thời loạn lạc.
PV: Ba tiểu thuyết dã sử là “Điệu nhạc trần gian”, “Cầm Thư quán” và “Thiên địa phong trần” đều xây dựng các nhân vật trung tâm là những người rất biết thưởng thức, yêu cái đẹp và rất tài hoa nhưng lại xem thường danh lợi, xem thường vinh hoa phú quý. Có tư tưởng/ nhân vật nào ảnh hưởng tới chị khi xây dựng những nhân cách này chăng?
Nhà văn Hà Thủy Nguyên: Tôi nghĩ rằng không hẳn là tư tưởng hay nhân vật cụ thể nào đó ảnh hưởng đến cách suy nghĩ này của tôi, mà là chính bố mẹ tôi là những người đầu tiên tạo cho tôi lối nghĩ này. Bố mẹ tôi phân biệt rất rõ giữa gây dựng sự nghiệp cũng như các trách nhiệm đi kèm với sự nghiệp ấy với sự kiếm tìm lợi danh nhất thời. Tôi nghĩ rằng tôi đã ở sâu trong văn hóa gia đình như vậy đến mức mà tôi thấy nó nghiễm nhiên đúng cho đến khi tôi đọc “Nam Hoa Kinh” của Trang Tử, hay thơ Lý Bạch, thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm…
PV: Người viết dã sử, cổ phong gần đây rất nhiều, các tiểu thuyết về dòng này liên tục và thậm chí là cùng lúc ra mắt độc giả như một hiện tượng. Chị nghĩ sao về thực tế này và theo chị làm sao để có thể thành công ở dòng tiểu thuyết này?
Nhà văn Hà Thủy Nguyên: Tôi nghĩ đó là một tín hiệu đáng mừng. Cách đây 20 năm, khi bố tôi mang bản thảo cuốn “Điệu nhạc trần gian” đến các nhà xuất bản, họ đều từ chối, không phải vì chất lượng của sách, mà vì lý do rằng người trẻ thì không viết tiểu thuyết dã sử và cổ phong được, chỉ viết truyện tình yêu học trò đôi lứa hoặc bạn học nghịch ngợm thôi. Giờ đây, có nhiều bạn trẻ dấn thân vào con đường này, điều đó cho thấy nếu chịu khó tìm tòi và thử nghiệm thì dòng văn học nào cũng có thể viết được. Tuy nhiên, chất lượng hay dở ra sao thì còn phải cân nhắc từ nhiều khía cạnh khác nhau. Tôi cũng không chắc “thành công” với một nhà văn thực ra là gì, vì với mỗi nhà văn nói riêng và các ngành nghề sáng tạo nói chung thì “thành công” trong con mắt của người tiếp nhận lại khác với người sáng tạo. Thành công với tôi đơn giản lắm, đó là tôi viết được một tác phẩm mà tôi sẽ không phải sửa chữa hay bổ sung gì theo thời gian, để sau vài năm khi đọc lại tác phẩm của mình thì mình không chặc lưỡi nghĩ thầm “đáng ra nên… thì sẽ hay hơn”. Với định nghĩa thành công này của tôi, thì tôi vẫn chưa phải một tác giả thành công.
PV: Chị có thể chia sẻ thêm với độc giả Người Hà Nội về phần tiếp theo của tiểu thuyết dã sử “Thiên địa phong trần”cũng như các dự định mà chị đang ấp ủ?
Nhà văn Hà Thủy Nguyên: “Thiên địa phong trần” chắc chắn sẽ kết thúc ở tập 3 khi nhà Lê bị Tây Sơn thôn tính. Thứ mà Nguyễn Gia Thiều phải đối mặt đó là toàn bộ những gì ông cố gắng sắp đặt khi hết vận thì cũng chấm dứt, không thể cứu vãn, và đó là lúc ông thật sự thấm thía vô thường. Thiền tâm trong cảnh Loạn, đó là những gì tôi cần phải chuyển tải ở tập 3 này, cũng là để khép lại những dòng suy niệm trong nhiều năm của tôi. Tôi chắc chắn sẽ theo đuổi tiếp tiểu thuyết dã sử, và tới đây sẽ quay lại với dòng fantasy để hoàn thành nốt các dự án sách vẫn còn đang dở dang, hi vọng các bạn đọc sẽ đón nhận.
Cảm ơn chị rất nhiều! Xin chúc chị nhiều sức khoẻ và thành công!
Nhà văn Hà Thuỷ Nguyên sinh năm 1986 tại Hà Nội, là nhà văn, nhà thơ, nhà biên kịch và đồng thời là người sáng lập Book Hunter. Chị đã ra mắt các tác phẩm thuộc nhiều thể loại: Tiểu thuyết dã sử “Điệu nhạc trần gian”, “Cầm Thư quán”, “Thiên địa phong trần” (“Tập 1: Khúc cung oán”,“Tập 2: Nổi gió”); Tiểu thuyết khoa học viễn tưởng “Thiên Mã”; Tập truyện ngắn “Bên kia cánh cửa”; Tập thơ: “Mùa dã cổ”, “Nằm xem sao rụng”; Kịch bản phim truyền hình “Đi về phía mặt trời”, “Vòng Nguyệt Quế”, “Blog nàng dâu”, “Nếp nhà”…
Tác giả trích dẫn