Văn hóa – Di sản

Ghi danh múa rối nước Đào Thục vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Phương Anh 17:04 11/03/2023

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa quyết định ghi danh nghệ thuật múa rối nước Đào Thục (huyện Đông Anh, Hà Nội) vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Theo văn bia đình làng Đào Thục ghi lại, nghề múa rối nước ở làng có từ thời Hậu Lê, do người con quê hương là Nguyễn Đăng Vinh (còn có tên khác là Đào Đăng Khiêm) tiếp thu, chắt lọc từ các phường rối trong cả nước đem về truyền dạy cho nhân dân địa phương. Trải qua bao thăng trầm, có lúc tưởng như mai một, nghề rối nước Đào Thục với tình yêu, trách nhiệm của các thế hệ nhân dân địa phương, đã được gìn giữ, bảo tồn hiệu quả, tạo thành thương hiệu vang xa.

roi-nuoc.jpg
Những quân trò rối Đào Thục do chính tay người nghệ nhân múa rối của làng tạo nên.

Không chỉ gìn giữ được những tích trò cổ, lưu giữ từ ngàn đời, làng rối nước Đào Thục qua thời gian còn sáng tác thêm nhiều tích trò mới, ca ngợi quê hương, đất nước như: Tặng hoa ngày hội, Rước ảnh Bác Hồ, Hà Nội 12 ngày đêm, Huyền thoại Cổ Loa thành…, thể hiện sự tiếp nối truyền thống cũng như sức sống bền bỉ, mãnh liệt của môn nghệ thuật cổ truyền ở làng.

Đặc biệt, những quân trò rối, từ chú Tễu, Thạch Sanh, Tấm Cám, cô tiên… đến gà, chim phượng, rồng, hổ, con trâu, cái cày… đều được chính tay người Đào Thục làm ra. Những quân trò sinh động, độc đáo này góp phần làm nên nét khác biệt, dấu ấn riêng khó lẫn của nghệ thuật rối nước Đào Thục.

Hiện nay, phường rối có gần 60 thành viên, trong đó có nhiều nghệ nhân tài giỏi, như các ông, bà: Nguyễn Văn Tiệp, Đào Văn Nghiêm, Nguyễn Văn Mạnh, Đinh Thế Văn, Ngô Minh Phong, Đinh Văn Chiến, Nguyễn Văn Chương, Nguyễn Thị Thỏa, Đinh Xuân Trách, Đặng Thị Thu Trang…

Trong lần ghi danh mới nhất này, cả nước còm có thêm 10 di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Nghi lễ Xé Pang Á của người Kháng, các huyện: Quỳnh Nhai, Mường La, Thuận Châu, tỉnh Sơn La; Lễ hội chùa Cổ Lễ (huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định); Hát Dô, xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai, Hà Nội; Nghề dệt lụa Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội; nghề làm bánh tráng Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ; nghề dệt thổ cẩm của người Chăm, tỉnh An Giang; nghề đan gùi của người Xtiêng, tỉnh Bình Phước; Nghi lễ Nhảng chập đáo (Tết nhảy) của người Dao Quần chẹt, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa; Lễ hội đền thờ Lê Hoàn, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa; Lễ hội đền Bà Vũ, xã Chân Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Chủ tịch UBND các cấp nơi có di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Phương Anh