“Sóng độc”: Lối rẽ bất ngờ của nhà văn Trần Gia Thái
Buổi tọa đàm về tiểu thuyết “Sóng độc” của nhà văn Trần Gia Thái do Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức đã diễn ra vào sáng ngày 10/3 tại 19 Hàng Buồm, Hà Nội với nhiều chia sẻ từ các nhà nghiên cứu phê bình, nhà văn và nhà báo.
Sóng độc, cuốn tiểu thuyết gồm 17 chương có độ dày hơn 400 trang là câu chuyện viết về nghề báo, xoay quanh cuộc chiến tranh giành quyền lực của nhân vật Đỗ Thiết và đồng bọn với nhân vật Phạm Quang Thiện tại Đài truyền hình Bắc Hà thuộc tỉnh Nam Bình.
Chữ “sóng” ở nhan đề sách mang nghĩa của một loại “dao động truyền đi trong một môi trường nhất định; loại sóng vô tuyến điện truyền các tín hiệu âm thanh, hình ảnh qua không gian mà những loại thiết bị chuyên dụng có thể thu được”. Và sóng độc trong tiểu thuyết là loại sóng được tạo ra bởi một nhóm nhà báo đài truyền hình Bắc Hà, phe phản diện của tuyến truyện.
Cuốn tiểu thuyết cho thấy vốn sống ngồn ngộn, phong phú của nhà văn về giới ngành báo chí. Những màn đối thoại sinh động, giàu kịch tính làm nên cuộc giải phẫu thấu đáo một căn bệnh thời đại mà theo nhà phê bình Lại Nguyên Ân và nhà văn Văn Chinh thì “đây là một cuốn truyện hấp dẫn, có thể đọc liền một hơi”.
Nhà văn Uông Triều chia sẻ: “Câu chuyện gay cấn và hấp dẫn xung quanh cuộc đấu quyền lực giữa cái cũ và cái mới, giữa bảo thủ và cải cách, giữa cơ hội và chính trực. Đỗ Thiết là mẫu người điển hình cho một lớp cán bộ trong các cơ quan công quyền luôn tìm cách tranh giành quyền lực, bổng lộc vào tay mình và phe cánh. Quang Thiện ở một hướng khác, là đại diện cho sự trẻ trung, tâm huyết, mong muốn được cống hiến và phát triển...”
Việc ra mắt cuốn tiểu thuyết này của nhà văn Trần Gia Thái là một lối rẽ bất ngờ đối với bạn bè văn chương. Bởi vì dù ông bắt đầu sự nghiệp viết với văn xuôi, đã ra mắt hai tập truyện ngắn nhưng lại ghi dấu ấn nhiều hơn ở mảng thơ ca, được biết đến với các tập thơ ra đời gần như mỗi năm như: Lời nguyện cầu trước lửa; Mưa không mùa; Ký ức khát... Và sự bất ngờ này cũng bởi trước đó, các nhà thơ Vũ Quần Phương, Hoàng Nhuận Cầm, Trần Ninh Hồ, Hữu Thỉnh... từng dự đoán “căn cước nghệ thuật” của Trần Gia Thái là thơ ca chứ không phải là văn xuôi. Và giới văn chương càng thêm ngỡ ngàng bởi đây không chỉ là cuốn tiểu thuyết đầu tay của nhà văn mà còn là cuốn tiểu thuyết được tác giả viết ở độ tuổi 70, khi cảm hứng thơ đang dào dạt - như nhà văn Sương Nguyệt Minh ngạc nhiên: “Tiểu thuyết là ngã rẽ hay là đường chính của hành trình nghệ thuật Trần Gia Thái?”
Nhiều nhà phê bình xem Sóng độc như cuốn tiểu thuyết vào loại hiếm hoi viết về hoạt động báo chí bằng phát thanh, truyền hình ở nước ta. Bên cạnh đó, nhà văn Sương Nguyệt Minh cũng “lấy làm tiếc hùi hụi cho tác giả” vì tính gay cấn của xung đột chưa được đẩy đến tầng cao và câu chuyện của Sóng độc chưa có mâu thuẫn lớn.
Sóng độc, là những làn sóng do con người tạo ra, một biên bản về lòng độc và hơn thế - như hai nhà văn Lê Hoài Nam và Nguyễn Hoài Nam nhận định. Sóng độc cũng là một cuộc đấu giữa thiện và ác, một cuốn sách viết về những góc khuất của đời sống quan trường, một đề tài khó và đầy thách thức nhưng nhà văn đã dám dấn thân khai thác ngay với cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình.
Nhà văn Trần Gia Thái sinh năm 1955 tại Hà Nam. Ông từng là Tổng giám đốc Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội, Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam và hiện là Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội. Ông đã có nhiều tác phẩm xuất bản như: Tập truyện thiếu nhi “Thành phố đáy hồ”; tập truyện vừa “Hắn và tôi”; Các tập thơ “Lời nguyện cầu trước lửa”, “Mưa không mùa”; “Ký ức khát”; “Trăng ướt”; “Biển giờ không còn mặn”...
Tác giả trích dẫn