Đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã ban hành Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) của ngành giáo dục năm 2023. Theo đó, Bộ yêu cầu đa dạng hóa các hình thức PBGDPL trong nhà trường. Tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2023 (cao điểm từ ngày 01/11 đến ngày 09/11/2023) đi vào chiều sâu, thiết thực, gắn với thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của ngành, của địa phương, cơ sở giáo dục.
Kế hoạch của Bộ GD&ĐT nêu rõ mục đích, yêu cầu là bảo đảm công tác PBGDPL được tổ chức triển khai thực chất, bám sát nội dung, yêu cầu đổi mới công tác PBGDPL trong điều kiện hiện nay phù hợp với tinh thần văn kiện Đại hội XIII của Đảng, bám sát các nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục năm 2023, tập trung tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật mới ban hành liên quan đến quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo; các hoạt động PBGDPL cần hướng tới mục đích tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và ý thức tuân thủ, chấp hành, tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật, xây dựng lối sống và làm việc theo pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, nhà giáo, người lao động, người học trong nhà trường.
Theo Kế hoạch, nhiệm vụ của các sở GD&ĐT bao gồm: Tổ chức phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; các quy định pháp luật mới về giáo dục và các quy định pháp luật phù hợp với từng đối tượng thuộc phạm vi quản lý.
Đồng thời tiếp tục thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ giáo viên môn giáo dục công dân, môn giáo dục kinh tế và pháp luật, báo cáo viên và cán bộ phụ trách công tác pháp chế, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của người học nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy kiến thức pháp luật tại các cơ sở giáo dục, đổi mới phương pháp giáo dục, phổ biến pháp luật cho học sinh, tăng cường giải pháp sử dụng công nghệ, hình ảnh trực quan sinh động.
Chỉ đạo giáo viên bộ môn chú ý lồng ghép giáo dục pháp luật cho học sinh thông qua bài giảng một cách hợp lý, phối hợp giáo dục pháp luật với giáo dục đạo đức, gắn việc giảng dạy và học tập pháp luật với rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh nhằm củng cố kiến thức pháp luật đã học trong chương trình, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong tìm hiểu kiến thức pháp luật và vận dụng pháp luật trong xử lý tình huống thực tế.