Huyện Quốc Oai đẩy mạnh kết nối sản phẩm du lịch
Nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch nghiên cứu, kết nối và xây dựng các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, ngày 3/3, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với UBND huyện Quốc Oai, Công ty Cổ phần Tuần Châu Hà Nội tổ chức đoàn khảo sát, làm việc tại một số điểm đến trên địa bàn huyện Quốc Oai, Hà Nội.
Tại huyện Quốc Oai, đoàn đã khảo sát về phát triển du lịch sinh thái, nông nghiệp nông thôn gắn với cộng đồng dân tộc Mường, hệ thống homestay tại xã Phú Mãn và Đông Xuân, đình So, chùa Thầy, khu du lịch quốc tế Tuần Châu – Quốc Oai.
Ông Hoàng Nguyên Ưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai cho biết, nằm ở phía Tây, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 20km, huyện Quốc Oai có nhiều lợi thế để phát triển du lịch như giao thông thuận lợi, nguồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa phong phú… Trong những năm gần đây, huyện Quốc Oai đã có kế hoạch đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, biến di sản thành tài sản để phát triển kinh tế - xã hội. Huyện Quốc Oai cũng đã nâng cấp điểm đến du lịch trên địa bàn huyện; phát triển sản phẩm du lịch, trong đó chú trọng đầu tư hoàn thiện, đưa vào hoạt động đồng bộ Khu du lịch sinh thái và vui chơi giải trí Tuần Châu, kết hợp với Khu di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy tạo thành sản phẩm du lịch hoàn chỉnh, đưa vào phục vụ du khách.
Hiện nay, trên địa bàn huyện có hơn 220 di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt 1 cụm di tích chùa Thầy (15 di tích đơn lẻ), 01 bảo vật quốc gia (bộ tượng Di Đà Tam Tôn thuộc chùa Thầy), 29 di tích xếp hạng cấp quốc gia; 64 di tích xếp hạng cấp thành phố.
Cách chùa Thầy không xa, một di tích cũng tạo nên tên tuổi ở Quốc Oai là đình So (xã Cộng Hòa). Nơi đây được mệnh danh là “đệ nhất đình Đoài”, với kiến trúc độc đáo. Hiện rất nhiều cấu kiện gỗ của ngôi đình vẫn được giữ nguyên vẹn từ cách đây hàng trăm năm. Trong đình còn lưu giữ 40 đạo sắc phong từ năm Hoằng Định thứ 2 thời nhà Lê đến năm Khải Định thứ 9 thời nhà Nguyễn cùng nhiều hoành phi, câu đối cổ.
Quốc Oai còn là vùng đất có nhiều loại hình văn hóa phi vật thể như: nghệ thuật tuồng ở Dương Cốc (xã Đồng Quang); chèo ở Đại Thành, hái Dô ở Liệp Tuyết, múa rối nước ở Sài Sơn, văn hóa cồng chiêng ở Phú Mãn, Đông Xuân,... cùng với các làng nghề và sản phẩm đặc trưng như Miến So, gỗ mỹ nghệ, bún Ngô Sài, nhãn muộn Đại Thành. Một số xã khu vực miền núi như Phú Mãn, Đông Xuân có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái trải nghiệm, du lịch nông nghiệp, du lịch học đường.
Không chỉ có các di tích cổ, Quốc Oai hiện còn là điểm đến thu hút khách khi hình thành lên quần thể Tổ hợp khu du lịch, sinh thái và vui chơi giải trí Tuần Châu Hà Nội với tổng diện tích khoảng 250ha. Đây là một khu du lịch sinh thái và vui chơi giải trí mang tầm vóc quốc tế, với các dịch vụ như biểu diễn cá heo, hải cẩu; chợ quê và đặc biệt là show diễn thực cảnh “Tinh Hoa Bắc Bộ”.
Tính đến năm 2022, trên địa bàn huyện có 4 công ty hoạt động kinh doanh lữ hành; 37 cơ sở lưu trú du lịch với 535 phòng.
Bên cạnh những tiềm năng và lợi thế, hoạt động du lịch Quốc Oai còn một số hạn chế, khó khăn như: Trên địa bàn huyện, các cơ sở lưu trú hầu hết là nhà nghỉ có quy mô nhỏ, chưa có khách sạn được xếp hạng sao. Doanh nghiệp du lịch chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa; nguồn vốn, nhân lực và kinh nghiệm quản lý còn hạn chế. Các dự án đầu tư phát triển sản phẩm du lịch tiến độ thực hiện còn chậm; công tác xúc tiến, quảng bá du lịch còn nhiều hạn chế.
Tại Tọa đàm “Tiềm năng du lịch Quốc Oai và những giải pháp thu hút khách du lịch trọng và ngoài nước”, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Nguyễn Hồng Minh cho biết, với mục tiêu giới thiệu, quảng bá, tăng cường liên kết hợp tác giữa du lịch Hà Nội và các địa phương trong phát triển sản phẩm du lịch theo hướng phong phú, đa dạng, chất lượng và hấp dẫn. Đây là hoạt động khảo sát thường xuyên do Sở Du lịch Hà Nội chủ trì tổ chức nhằm hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá cho du lịch địa phương.
Về góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc Công ty Du lịch Vietfoot Travel cho rằng, du lịch Quốc Oai với lợi thế gần Trung tâm Thủ đô nên dễ thu hút khách, nhưng bất lợi là khi quảng bá, xúc tiến phải cạnh tranh với quá nhiều điểm đến, di tích khác tại Hà Nội. Do đó, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn cần phối hợp chặt chẽ với các công ty lữ hành xác định khách hàng để thiết kế tour cho phù hợp.
Bên cạnh đó các doanh nghiệp du lịch cũng cho rằng, huyện Quốc Oai có nhiều tiềm năng xây dựng tour, nhưng để thu hút du khách trong nước, quốc tế đòi hỏi huyện phải nâng cấp hạ tầng cơ sở vật chất; đào tạo nguồn nhân lực; lựa chọn đối tượng khách tập trung phát triển sản phẩm; cần ứng dụng công nghệ số vào phát triển du lịch; cần khai thác các tour du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch cộng đồng theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững tại các địa phương có tiềm năng và thế mạnh; cần có slogan cho du lịch Quốc Oai; tăng cường công tác truyền thông, quảng bá…