Văn hóa – Di sản

Lễ hội 5 làng Mọc xuân Quý Mão 2023

KT 12:31 04/03/2023

Ngày 3/3 (tức 12/2 Âm lịch), người dân Thủ đô được dịp chứng kiến, hò reo, hòa mình vào những màn rước kiệu bay độc đáo trong lễ hội 5 làng Mọc. Khu vực tổ chức hội là bốn đình thuộc hai quận, gồm: Giáp Nhất, Cự Chính, Quan Nhân (quận Thanh Xuân) và Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm) Hà Nội.

855ccf39-b137-474f-ba93-619b54c34ce0.jpeg

Kẻ Mọc nằm bên bờ sông Tô Lịch, ở phía Tây Nam của thành Đại La xưa, Thăng Long – Hà Nội ngày nay. Cả vùng Kẻ Mọc gồm 5 làng là: Giáp Nhất, Quan Nhân, Chính Kinh, Cự Lộc và Phùng Khoang, nay thuộc 2 phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân và Trung Văn, quận Nam Từ Liêm.

Năm nay, Lễ hội 5 làng Mọc diễn ra từ ngày 1/3 đến ngày 3/3 (tức từ ngày 10/2 đến ngày 12/2 năm Quý Mão) tại đình Mọc Quan Nhân với nhiều nghi thức tế lễ và trò chơi dân gian độc đáo như: Lễ rước kiệu; tế hội đồng; múa hát và các trò chơi dân gian…

Tương truyền từ xưa, do thiên tai liên tục ập đến, người dân trong vùng đói kém, người chết đầy đường, bệnh dịch tràn lan, làng Phùng Khoang được vua cho nấu cháo, cơm nắm để phát cho dân chúng. Lúc đó, một cậu bé nhận được một nắm cơm đã chia cho 4 cậu bé khác cùng ăn. 5 người kết nghĩa anh em, sau này lớn lên, 5 người lập nghiệp ở vùng đất này, tạo dựng thành 5 làng Mọc trù phú. Lễ hội 5 làng Mọc được tổ chức nhằm tưởng nhớ các vị tiền bối có công với làng, với đất nước. Theo tục lệ, cứ 5 năm hội lại được tổ chức một lần, mỗi lần sẽ do một làng đứng ra đăng cai. Năm nay, Quý Mão 2023, Quan Nhân là làng đăng cai.

ccc.jpg
Đình làng Quan Nhân - làng đăng cai lễ hội năm nay. (ảnh: petrotimes.vn)

Mỗi làng thờ một vị thành hoàng làng riêng. Làng Giáp Nhất thờ Phùng Luông - vị tướng dưới thời Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng; làng Cự Chính thờ Đức Thánh Lã Đại Liệu - nha tướng dưới thời Ngô Quyền; làng Quan Nhân thờ Trung Nghĩa Đại Vương Hùng Lãng Công - người có công đánh giặc Nam Chiếu và dưới phủ thờ phu nhân là Thánh bà Trương Mỵ Nương; làng Phùng Khoang thờ Đoàn Thượng tướng quân.

Vào ngày hội, các làng sẽ rước Thánh tại đình làng mình, sau đó đoàn rước Thánh di chuyển đến đình làng nào thì đoàn rước của làng đó sẽ ra đón mừng rồi nhập cuộc làm một để tới đình làng đăng cai dự lễ tế hội đồng.

Trong khi rước, các kiệu Thánh có lúc thăng hoa đến cực điểm khi được người rước kiệu xoay vòng, tung lên không trung liên tục. Theo các bô lão, kiệu bay là do các Thánh chào nhau và thể hiện niềm vui hội ngộ. Cùng với kiệu Thánh, trên đường đi, đội múa rồng, múa sư tử liên tục uốn lượn lên xuống trông rất đẹp mắt. Người dân xung quanh cũng nô nức rượt theo đoàn rước kiệu, vừa đi vừa hò hét tạo nên bầu không khí vô cùng sôi động, náo nhiệt.

Khi đoàn rước tới đình làng chủ hội sẽ đến nghi thức tế chính của lễ hội 5 làng Mọc. Sau ba hồi ba tiếng trống báo hiệu thì bắt đầu thực hiện các nghi thức tế lễ. Chúc văn được đọc lên, kể lại công đức các vị Thánh, cầu mong Thánh Thần ban phúc lành cho dân làng, cầu cho mưa gió thuận hòa, quốc thái dân an...

Cũng như các lễ hội truyền thống của cả nước, Lễ hội 5 làng Mọc là lễ hội dân gian được Nhân dân địa phương nắm giữ, thực hành, trao truyền qua các thế hệ. Lễ hội có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần, đời sống tâm linh, thể hiện sự biết ơn các vị tiền nhân, vừa thể hiện trách nhiệm và niềm tự hào của cộng đồng trong tổ chức lễ hội, thể hiện truyền thống đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong lao động sản xuất, trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của Nhân dân địa phương.

KT