Dấu tích các núi xưa
Thủ đô Hà Nội có nhiều dãy núi nổi tiếng ở cả nội và ngoại thành, hiện nay vẫn còn dấu tích như núi Nùng, núi Khán, núi Sưa,...
Núi Nùng (núi Long Đỗ)
Núi Nùng còn gọi là núi Long Đỗ, có nghĩa là rốn rồng, vì tương truyền ở giữa núi có một lỗ thông xuống dưới đất. Lý Thái Tổ (1009 - 1028) dựng chính điện ở trên núi. Đời Lê năm 1430, xây điện Kính Thiên trên nền cũ này. Núi đất hiện nay không còn, chỉ còn bốn thềm rồng đá là dấu vết điện Kính Thiên cũ. Thơ văn cổ về Hà Nội thường nhắc đến “Núi Nùng, sông Nhị” coi như tiêu biểu cho Thăng Long.
Núi Khán
Là ngọn núi thấp ở phía tây bắc thành Hà Nội cũ. Thời Lê thường là nơi vua ngự xem duyệt binh do vậy mà thành tên. Núi đã bị san bằng hồi cuối thế kỷ XIX. Vị trí ở vào khoảng trước cửa Phủ Chủ tịch bây giờ.
Núi Sưa (núi Xuân)
Núi Sưa còn có tên là núi Sư hay núi Xuân, vì ở đây có nhiều cây sưa. Núi đất này cao 10m, nằm trên đất giáp Sư Sơn thuộc làng Xuân Sơn, tổng Yên Thành, sau nhập với làng Hậu Khán Sơn thành làng Khán Xuân, sinh quán của Hồ Xuân Hương, nay còn ở trong khu vườn Bách Thảo, quận Ba Đình.
Núi Phục Tượng
Núi ở xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm. Cung điện Cổ Bi của chúa Trịnh Giang (1729 - 1740) cho xây dựng lấy núi này làm cột trấn. Nay chỉ còn như một gò đất ở khu vực gần thị trấn Trâu Quỳ.
Trong khu vực Quần Ngựa, cạnh Liễu Giai, Đội Cấn, Đại Yên, Vạn Phúc, bên trái đường Hoàng Hoa Thám còn có các núi đất nằm trong khu vực Hoàng thành cũ các thời Lý, Trần, Lê. Đó là:
Núi Cung, cao nhất 18m, tương truyền cung điện chính dựng ở đây.
Núi Cột Cờ cao 13,5m.
Núi Voi, còn gọi là núi Thái Hoà cao 14m, ở phía đông núi Cột Cờ, nơi Lý Thường Kiệt (1019 - 1105) đóng quân.
Núi Trúc cao 11m ở làng Vạn Phúc.
Núi Bò cạnh đầm Thủ Lệ, xưa có nhiều dinh thự xây ở trên.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01