Văn hóa - Xã hội

Tọa đàm và trưng bày chuyên đề "Xuân xưa trên báo Tết giai đoạn 1865 -2000"

Kim Thoa 02/03/2023 15:31

Hướng tới kỷ niệm 73 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/1950 - 21/4/2023), chào mừng Hội báo toàn quốc 2023, ngày 2/3, tại Hà Nội, Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức Tọa đàm và trưng bày chuyên đề: “Xuân xưa trên báo Tết 1865 – 2000”. Đây là hoạt động tổ chức để hướng tới kỷ niệm 73 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/1950 – 21/4/2023).

20.jpg
Nhà báo Lê Quốc Minh phát biểu tại Toạ đàm Xuân xưa trên báo Tết giai đoạn 1865 -2000

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam  Lê Quốc Minh nhấn mạnh: Qua những tờ báo Xuân, phong vị của Tết xưa hiển hiện rõ nét với nhiều điểm nhấn. Báo Xuân không chỉ “ôn cố” mà còn “tri tân”, không chỉ tổng kết những chuyện lắng đọng đã qua mà còn mang tới những niềm vui, những câu chuyện hấp dẫn, kiến tạo bầu không khí tưng bừng, với những phong tục tập quán độc đáo ngày Xuân ở ba miền đất nước, hay giới thiệu văn hóa muôn màu, thế giới muôn sắc.

a19eb8968825527b0b34.jpg
Các bìa báo đẹp, tiêu biểu được lựa chọn trưng bày

Theo nhà báo Lê Quốc Minh, báo Xuân có sự khác biệt rõ rệt với các tờ báo thường ngày, từ cách trưng bày hình thức bên ngoài đến nội dung bên trong. Xem những tờ báo Xuân từ xưa đến nay, bên cạnh nội dung đặc sắc được chuẩn bị công phu hàng tháng trước đó thì việc đầu tư tâm sức về mặt mỹ thuật cũng tạo nên sự cuốn hút mạnh mẽ đối với công chúng và làm nên sự nổi bật cho báo Xuân.

Nhà báo Trần Thị Kim Hoa, phụ trách Bảo tàng Báo chí Việt Nam nhấn mạnh: Tọa đàm và trưng bày: “Xuân xưa trên báo Tết 1865 – 2000” góp phần chắt lọc những kinh nghiệm nghề nghiệp quý báu của ông cha ta trong hành trình làm báo Tết ở Việt Nam và tôn vinh bộ sưu tập báo Tết đã được Bảo tàng Báo chí Việt Nam tuyển chọn công phu, góp phần khẳng định những giá trị di sản báo chí vô giá, phục vụ mục tiêu xây dựng nền Báo chí Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại và đậm đà bản sắc dân tộc.

Đây là lần đầu tiên, Bảo tàng Báo chí Việt Nam tuyển chọn và giới thiệu hàng trăm bìa báo xuân trên 10 vách trưng bày, là tập hợp gần 200 bìa báo đẹp, tiêu biểu tuyển chọn từ hàng nghìn tờ báo Xuân trong bộ sưu tập báo Xuân của Bảo tàng Báo chí Việt Nam, trải dài từ năm 1865 đến năm 2000. Trong sự kiện lần này, Bảo tàng còn sử dụng thêm màn hình đứng cảm ứng để trình chiếu các bìa báo Xuân để công chúng trải nghiệm.

dd.jpg
Gia Định báo số 2 ra Mồng 1 Tết Bính Dần (1866). Ảnh: Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

Tại đây còn có 8 tủ hiện vật trưng bày 99 tờ báo Xuân tiêu biểu các thời kỳ như Nam Phong, Trung Hòa Nhật Báo, Ngày nay, Dân Chúng, Sự thật, Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Tạp chí Cộng sản, Cờ Giải phóng, Lao Động, Việt Nam Độc lập…

Cũng trong buổi khai mạc chương trình trưng bày chuyên đề "Xuân xưa trên báo Tết 1865 - 2000", phần tọa đàm đã được tổ chức với sự tham gia của các diễn giả là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các cơ quan báo chí; các nhà báo lão thành, các họa sĩ, nhà nghiên cứu, nhà sưu tầm… để làm rõ thêm vai trò của báo Xuân trong đời sống xã hội.

Tọa đàm và trưng bày: “Xuân xưa trên báo Tết 1865 - 2000” góp phần chắt lọc những kinh nghiệm nghề nghiệp quý báu của ông cha ta trong hành trình làm báo Tết ở Việt Nam và tôn vinh bộ sưu tập báo Tết đã được Bảo tàng Báo chí Việt Nam tuyển chọn công phu, góp phần khẳng định những giá trị di sản báo chí vô giá, phục vụ mục tiêu xây dựng nền Báo chí Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại và đậm đà bản sắc dân tộc.

Kim Thoa