Tác giả - tác phẩm

Gợi ý các đầu sách dành cho ai quan tâm phụ nữ

Yến Ly 09:33 01/03/2023

Phụ nữ là một nửa của thế giới. Nếu không có họ cuộc sống sẽ rất nhàm chán, vô vị và thế giới này cũng trở nên vô nghĩa. Từ cổ chí kim đã có nhiều công trình nghiên cứu về họ. Nhân tháng Ba về, Người Hà Nội xin gợi ý một số đầu sách dành cho ai quan tâm phụ nữ.

1920x1080-4.png

“Dư luận nữ quyền tại Huế (1926 - 1929)” do Lại Nguyên Ân, Nguyễn Kim Hiền sưu tầm và biên soạn

Dư luận nữ quyền tại Huế (1926 - 1929) là một công trình biên khảo, tư liệu được hai nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân và Nguyễn Kim Hiền sưu tầm, khảo cứu và giới thiệu. Nội dung là các hoạt động diễn thuyết, các bài báo về nữ quyền tại Huế trong nửa cuối thập niên 20 của thế kỷ 20 gắn với tạp chí Nam Phong, tạp chí Hữu Thanh, báo Trung Bắc tân văn, Phụ nữ tân văn…

Cuốn sách dẫn lại các quan điểm, tuyển chọn các bài báo của những cây bút nổi bật của những năm đầu thế kỷ 20 như Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Đạm Phương nữ sử, Huỳnh Thị Bảo Hòa, Nguyễn Thị Ngọc Trác, Dã Lan nữ sĩ, Hoàng Thị Xuân, Tuyết Như… Nội dung các bài báo là những cập nhật cho chị em trong nước sự biến động về thời thế của phụ nữ và cả những việc chị em cần thay đổi bản thân, từ ngoại hình đến tư tưởng để giải phóng mình, để sống mà nhận thức tối đa nhất cái năng lực vẫn còn bị nam giới và xã hội hủ bại kìm hãm cũng như giới thiệu hai cuốn sách “Phụ nữ vận động” và phụ lục sách “Xã hội” – “Phụ nữ và xã hội” trong Quan hải tùng thư, lược lại những dấu mốc chính trong phong trào nữ quyền ở các các nước phương Đông và phương Tây, để thấy phụ nữ các nước đã đạp bỏ những rào cản trong tinh thần và thậm chí đi đến bạo lực cách mạng để đòi quyền ngang hàng nam giới.

storge-7-.png
Bìa các cuốn sách "Vấn đề phụ nữ ở nước ta" của các tác giả Đạm Phương nữ sử, Phan Bội Châu, Phan Khôi và Nguyễn Văn Vĩnh.

Vấn đề phụ nữ ở nước ta” của Đạm Phương nữ sử, do Đoàn Ánh Dương tuyển chọn

Đạm Phương nữ sử là cháu nội của vua Minh Mạng. Bà có tài sáng tác văn thơ bằng chữ Hán, tinh thông ngoại ngữ và là nữ nhân hoạt động sôi nổi nhất trên văn đàn lúc bấy giờ, tích cực trong buổi đầu của phong trào nữ quyền ở Việt Nam.

Cuốn sách gồm 4 phần: Các bài báo trình bày quan điểm về vấn đề phụ nữ, Các bài báo về Nữ công học hội do Đạm Phương sáng lập, Các khảo cứu về vấn đề phụ nữ được in thành sách, và Các sáng tác văn thơ với chủ đề phụ nữ. Những vấn đề Đạm Phương nữ sử đặt ra là những vấn đề giáo dục thiết thân đối với phụ nữ, từ bổn phận, trách nhiệm với cuộc đời, trách nhiệm với chính mình và cả cách để phụ nữ tận hưởng cuộc sống tinh thần.

“Vấn đề phụ nữ ở nước ta” của Phan Bội Châu, do Đoàn Ánh Dương giới thiệu và tuyển chọn

Ở cuốn sách này là những bài viết của Phan Bội Châu về vấn đề phụ nữ ở nước ta trong bối cảnh đương thời. Theo đó, Phan Bội Châu cho rằng, có thể hiểu nữ quyền là quyền của nữ giới, giống như nam quyền là quyền của nam giới nhưng xét tới cùng vấn đề thì nữ quyền hay nam quyền đều gộp chung vào hai chữ “nhân quyền”. Nhân quyền là quyền làm người mà mỗi người xứng đáng được. Và vì thế mà sự phân biệt nam quyền hay nữ quyền đều là dư thừa.

“Vấn đề phụ nữ ở nước ta” của Phan Khôi, Lại Nguyên Ân giới thiệu và tuyển chọn

Đây là cuốn sách tư liệu gồm 6 phần, tập hợp những bài viết và tác phẩm của Phan Khôi về vấn đề phụ nữ. Đó là những bài báo tiêu biểu của Phan Khôi trên Phụ nữ tân văn, Phụ nữ Thời đàm, Tràng An, Thần chung, Sông Hương… luận bàn về các khía cạnh căn bản của "vấn đề phụ nữ", không chỉ tư cách làm vợ làm mẹ mà còn là phụ nữ với giáo dục, với chính trị - quốc sự.

Ngòi bút của Phan Khôi trở thành một cá tính khi trong những bài viết của ông, ông không hề giấu giếm gia cảnh cũng như con người thực của mình và thậm chí ông còn đưa các sự việc trong gia đình mình ra làm chất liệu, ví dụ để phân tích các vấn đề mà ông đang đề cập.

Có thể thấy, những tác phẩm của Phan Khôi được nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân tuyển chọn trong cuốn sách này đã khơi gợi được nhiều vấn đề ý nghĩa để các nhà nghiên cứu cũng như bạn đọc quan tâm tới lịch sử, văn hóa cùng suy nghĩ và luận bàn. Phan Khôi cũng là một trong những tác gia Việt Nam đầu tiên tiếp cận tư tưởng nữ quyền một cách hệ thống và thuyết phục.

“Vấn đề phụ nữ ở nước ta” của Nguyễn Văn Vĩnh, do Đoàn Ánh Dương và Nguyễn Đào Nguyên sưu tầm biên soạn

Cuốn sách là tập hợp các bài báo của nhà trí thức văn hóa lớn cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20 Nguyễn Văn Vĩnh (ký tên Đào Thị Loan) đăng trong mục “Nhời đàn bà” của các tờ báo quốc ngữ lừng danh đầu thế kỷ 20 như Đăng cổ tùng báo, Đông Dương tạp chíTrung Bắc tân văn.

Nội dung của các bài viết này bàn về các việc các phẩm chất mà người phụ nữ nên học, nên làm, nên có để khẳng định được giá trị của mình, tìm được hạnh phúc chuẩn mực và tạo tiếng thơm cho đời sau. Trong đó thể hiện quan điểm không phân biệt nam nữ ở mọi nơi trừ những lĩnh vực liên quan tới giới tính. Theo đó, ông coi quyền bình đẳng nam nữ là một điều tự nhiên phải có, và để kiến thiết một đất nước giàu mạnh văn minh, cần cả đàn ông và đàn bà “được tiếp cận tri thức, luôn luôn nuôi dưỡng chí tiến thủ và ý thức xét lại mình”. Người nữ đã hiện diện trong tất cả những dự án cải cách thực nghiệp của ông, với những phẩm chất cần có mà đến mãi sau hàng trăm năm đọc lại, vẫn thấy khó có thể phủ nhận.

1920x1080-4.png

“Nam nữ bình quyền” của Đặng Văn Bảy

Nữ quyền là gì? Tại sao người ta sinh trai hoặc sinh gái? Thế nào là định kiến nam nữ? Nữ có thể làm phi công không? Có bao nhiêu băn khoăn về bình quyền nam nữ, có bao nhiêu thắc mắc về việc phụ nữ cần bình đẳng ở chỗ nào là nội dung mà cuốn sách đề cập và giải đáp.

1920x1080-1.png

“Lời người Man di hiện đại – Nhời đàn bà” của Nguyễn Văn Vĩnh, do Nguyễn Lân Bình biên soạn

"Việc giáo dục nước Nam phải bắt đầu từ con gái" là lời khẳng định chắc nịch của học giả Nguyễn Văn Vĩnh dưới bút danh Đào Thị Loan trên chuyên mục Nhời đàn bà của tờ Đăng cổ tùng báo năm 1907. Có thể nói, Nguyễn Văn Vĩnh là một trong những trí thức đầu tiên đã thấy được tầm quan trọng trong việc giáo dục và thay đổi nhận thức, vị trí, và vai trò của phụ nữ. Cuốn sách này là tập hợp những bài báo của ông trên các tờ Đăng cổ tùng báo, Đông Dương tạp chíNước Nam mới do ông làm chủ bút bắt đầu từ 1907 đến 1935.

Việc thay đổi nhận thức và giáo dục phụ nữ An Nam đối với Nguyễn Văn Vĩnh không phải đâu xa mà trong chính những gì thân thuộc và gắn với phụ nữ nhất. Những lời nói hằng ngày như mưa dầm thấm lâu, giúp phụ nữ dần dần giác ngộ ra những sai lầm, những điều hủ lậu trong cuộc sống để tiến tới cuộc sống văn minh hơn, khỏe mạnh hơn cả về thể chất lẫn tinh thần.

1920x1080-0-v.png

Bí ẩn nữ tính” của Betty Friedan

Đây được coi là cuốn sách quan trọng nhất và gây tranh cãi nhiều nhất trong thế kỷ 20. Cuốn sách đã phanh phui vị thế của phụ nữ trong xã hội Hoa Kỳ sau Đại chiến II để chỉ ra rằng, đằng sau cái đam mê kiêu hãnh được đóng vai trò “nội trợ” phục vụ chồng con của phụ nữ Mỹ đương thời là một thực trạng “Phụ nữ bị bán đi trí tuệ và tham vọng của mình bằng cái giá nhỏ mọn của một chiếc máy giặt mới”.

“Nữ tính” liệu có liên quan tới việc phụ nữ sẽ vui vẻ với công việc nội trợ, kết hôn, thụ động tình dục và xem việc làm mẹ là thiên chức cũng như là bổn phận? Phụ nữ nữ tính có thực sự là những người không nhiều mong muốn học cao hoặc tiến thân trong sự nghiệp, chính trị và chỉ thỏa mãn trong lĩnh vực nội trợ?

Những diễn ngôn về nữ tính đã mặc định phụ nữ vào một khuôn mẫu như thế nào?

Dựa trên những phân tích tâm lý và thống kê, những phê bình chi tiết về truyền thông và quảng cáo đương đại, và rất nhiều cuộc phỏng vấn với các bà nội trợ ngoại ô các vấn đề mà Frieden đưa ra đã khiến người Mỹ nhận thức rõ về vai trò, vị trí của người phụ nữ. “Bí ẩn nữ tính” là góc nhìn sâu sắc phản ánh hiện thực đồng thời là cuốn sách truyền cảm hứng cho phong trào nữ quyền và giải phóng phụ nữ.

1920x1080-2.png

“Lịch sử vú” của Marllyn Yalom

Lần lượt qua các chương “Vú linh thiêng”, “Vú gợi dục”, “Vú quốc dân”, “Vú chính trị”, “Vú tâm lý”, “Vú thương mại”, “Vú y học”, “Vú tự do”, “Vú trong khủng hoảng”, sách đem lại cái nhìn liên ngành giúp độc giả hình dung khá toàn diện về việc một bộ phận thân thể đã được diễn ngôn của các lĩnh vực khác nhau kiến tạo như thế nào, từ đó hình dung được diện mạo của vú trong văn hóa phương Tây.

Trong diễn ngôn khoa học, vú đi vào lĩnh vực tâm lý học và y học, trở thành ngọn nguồn của khao khát, dục năng hướng về sự sống cũng như đe dọa cái chết. Vú cũng là động lực quan trọng của hoạt động kinh doanh thương mại, từ coóc-xê đến tình dục qua mạng. Chỉ đến rất gần đây, vú mới mang những sắc diện mới của vú tự do trong chính trị, thi ca và tranh ảnh. Ở thế kỷ 20, vú dự phóng khả thể mới của sự giải thoát khỏi những quan niệm áp đặt lên mình từ bao vòng kiềm tỏa của xã hội và văn hóa, dù sự giải phóng thực sự vẫn còn nằm ở thì tương lai.

Lịch sử vú là cuốn sách làm thay đổi quan điểm của người đọc về bầu vú của chính mình.

1920x1080-2-v.png

“Phẩm cách phụ nữ” của Bando Mariko

Bando Mariko, tác giả của cuốn sách là một nhân vật có tiếng tăm ở Nhật Bản khi hoàn thành xuất sắc cả việc công và việc tư cũng như có tầm ảnh hưởng lớn trong xã hội. Bà đã giữ nhiều chức vụ quan trọng trong bộ máy nhà nước, rồi trở thành giáo sư rồi hiệu trưởng và Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Đại học nữ sinh Showa. Vì thế, cuốn sách thể hiện quan điểm của bà không chỉ có lý luận thuần túy. Ở đó ngồn ngộn chất liệu của thực tế và những câu chuyện có thật. Từ đó, độc giả sẽ thấy một cái nhìn kết nối giữa hình ảnh người phụ nữ truyền thống và hiện đại trong xã hội Nhật Bản. Cuốn sách đã tái định vị lại người phụ nữ trong xã hội hiện đại.

1920x1080-0-v.png

“Triết học cho con gái”, do Melissa Shew và Kimberly Garchar đồng biên tập

Bất kể thế nào, phụ nữ đều sẽ không phải là hình tượng phổ biến mà người ta hình dung về nhà triết học. Phụ nữ đã bị gạt bỏ khỏi lĩnh vực triết học trong suốt chiều dài lịch sử, đến nay cũng chỉ nằm ngoài lề trong sách giáo khoa và tuyển tập đương thời. Sự vắng mặt của phụ nữ trong các chương trình giảng dạy trung học và sau trung học khiến các cô gái trẻ khó lòng coi mình là những nhà triết học tương lai.

Triết học cho con gái giúp lấp đầy sự thiếu khuyết và mờ nhạt ấy của phụ nữ trong triết học.

Cuốn sách được viết với tinh thần hàn lâm, chặt chẽ nhưng bằng giọng văn sinh động, lôi cuốn, và điểm đặc biệt nằm ở chỗ, bằng việc tất cả các chương đều do phụ nữ soạn thảo, Triết học cho con gái trao cho phụ nữ nói chung và các cô gái trẻ nói riêng quyền trở thành những người học triết và hiểu triết bằng cách khuyến khích họ đánh giá, thách thức, đặt câu hỏi và khẳng định kinh nghiệm và suy nghĩ của họ thông qua những ý kiến chuyên môn và công cụ được cung cấp bởi các nữ học giả thuộc lĩnh vực triết học.

Triết học cho con gái là một dẫn nhập nghiêm túc nhưng dễ tiếp cận để chiêm nghiệm triết học, được biên soạn để truyền cảm hứng cho thế hệ triết gia mới, thiết lập sự bình đẳng trong triết học.

Yến Ly