Chuyển động Hà Nội

Hà Nội: Sơ kết 01 năm triển khai Đề án 06 của Chính phủ

PV 06:37 01/03/2023

Chiều 28/2, UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị Sơ kết 1 năm triển khai Đề án 06/Chính phủ; triển khai Chỉ thị số 05 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 18-NQ/TƯ về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Hội nghị được trực tuyến tới 30 quận huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn.

image_gallery.jpg
Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh phát biểu tại Hội nghị

Dự và chỉ đạo Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh; Thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Tổ phó thường trực Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ. Cùng tham dự có Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn; Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải; các sở, ngành liên quan của Thành phố.

Toàn Thành phố đã triển khai 25/25 dịch vụ công thiết yếu

Báo cáo kết quả triển khai Đề án 06 trong năm 2022, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết: Sau 1 năm triển khai Đề án 06 của Chính phủ, 100% UBND cấp huyện, cấp xã và thôn, tổ dân phố trên địa bàn Thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo 06 và Tổ công tác 06. Toàn Thành phố có 5.859 Ban Chỉ đạo, Tổ công tác thực hiện Đề án 06 để chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ cụ thể tại cấp cơ sở. Trong đó, lực lượng Công an với vai trò nòng cốt, thường trực tham mưu đã thành lập 100% Tổ công tác tại các cấp để trực tiếp tham mưu Ban Chỉ đạo 06 UBND các cấp triển khai các nhiệm vụ cụ thể của Đề án.

Đến nay, hoạt động của các Tổ công tác 06 tại các thôn, bản, tổ dân phố phát huy vai trò tích cực, thường xuyên và là lực lượng nòng cốt đặc biệt trong công tác truyền thông, vận động và hướng dẫn công dân về các lợi ích của Đề án cũng như là đội ngũ hỗ trợ tích cực trong việc triển khai các nội dung liên quan đến làm sạch dữ liệu như: Dữ liệu trẻ em, người có công (ngành Lao động - Thương binh và Xã hội); dữ liệu của các tổ chức chính trị, chính trị xã hội (Hội nông dân, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh...), lực lượng xung kích tình nguyện hỗ trợ về công nghệ thông tin, hướng dẫn dịch vụ công trực tuyến, tổ công nghệ cộng đồng (Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, các Tổ dân phố).

Về Danh mục 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06, đến ngày 30/12/2022, Thành phố đã hoàn thành triển khai 25/25 dịch vụ công (DVC) thiết yếu theo đúng lộ trình của Đề án 06 (đạt 100%). Trong đó, Cổng DVC Thành phố đã tích hợp 3 DVC (Đăng ký khai sinh, Đăng ký kết hôn, Đăng ký khai tử), 22 DVC còn lại được tích hợp trên Cổng DVC quốc gia, Cổng DVC các bộ, ngành và được triển khai phần mềm đến các sở, ngành của Thành phố để bộ phận một cửa Thành phố tiếp nhận, giải quyết.

Cư trú là dịch vụ công được tiếp cận nhiều nhất

Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, công dân trên địa bàn Thủ đô đã có thể sử dụng toàn bộ 25 dịch vụ công thiết yếu tích hợp trên các Cổng DVC Quốc gia, Cổng DVC Thành phố và Cổng DVC các bộ, ngành.

Cụ thể, DVC có số hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết trực tuyến cao nhất trong năm 2022 là nhóm cư trú (Thông báo lưu trú với 302.220 hồ sơ; Đăng ký thường trú với 118.880 hồ sơ); thấp nhất là DVC “Đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất do thay đổi thông tin về người được cấp Giấy chứng nhận” với 15 hồ sơ (do mới triển khai từ 26/10/2022).

Có 9/25 DVC trực tuyến (đạt 36%) được tiếp nhận và giải quyết hoàn toàn trực tuyến (không có hồ sơ tiếp nhận trực tiếp) gồm: Thông báo lưu trú; Khai báo tạm vắng; Đăng ký khai sinh; Đăng ký kết hôn; Đăng ký khai tử; Cấp điện mới từ lưới điện hạ áp (220/380V); Thay đổi chủ thể hợp đồng mua bán điện; Đăng kí dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia và xét tuyển Đại học, Cao đẳng; Đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất do thay đổi thông tin về người được cấp Giấy chứng nhận (đổi tên hoặc giấy tờ pháp nhân, giấy tờ nhân thân, địa chỉ).

Dịch vụ công trực tuyến có tỷ lệ tiếp nhận và giải quyết trực tuyến/Tổng số hồ sơ tiếp nhận và giải quyết thấp dưới 10% là 5 dịch vụ công: Cấp đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân (0,23% và 0,67%); Đăng ký, cấp biển số mô tô, xe gắn máy (3,3%); Tích hợp tính giảm trừ mức đóng trong gia hạn thẻ bảo hiểm y tế theo hộ gia đình (0,0068%); Cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe (0,094%); Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp (4,42%).

acd376a9260efc50a51f.jpg
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội báo cáo tại Hội nghị

Đối với nhóm tiện ích phục vụ phát triển công dân số, tính đến ngày 19/12/2022, toàn Thành phố đã thu nhận trên 6,5 triệu hồ sơ cấp Căn cước công dân (CCCD) gắn chip đối với các trường hợp công dân trong độ tuổi quy định, đã nhận và trả trên 6 triệu thẻ CCCD cho người dân. Thông qua thẻ Căn cước công dân gắn chip và các dữ liệu trong CSDLQG về dân cư, các lực lượng chức năng của Thành phố đã ứng dụng để mang lại nhiều giá trị thiết thực trong đời sống, xã hội.

Bên cạnh các kết quả tích cực, Công an thành phố Hà Nội cho biết, việc đưa vào vận hành chính thức Hệ thống thông tin giải quyết TTHC Thành phố dự kiến chậm tiến độ triển khai so với Kế hoạch (dự kiến hoàn thành và vận hành trước ngày 15/12/2022. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, đang thực hiện các thủ tục thuê dịch vụ công nghệ thông tin). Điều này ảnh hướng tới việc triển khai một số nhiệm vụ như số hóa/tích hợp dịch vụ công trực tuyến/đánh giá chất lượng giải quyết TTHC và một số nhiệm vụ khác.

Việc thực hiện số hóa tại Bộ phận Một cửa các sở ngành và Bộ phận Một cửa của UBND cấp huyện đang bị chậm so với lộ trình đề ra. Nguyên nhân là chưa có tính năng số hóa của Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của Thành phố và hướng dẫn chi tiết về quy định đối với lưu trữ hồ sơ điện tử của Bộ Nội vụ và các đơn vị liên quan.

Hiện, Thành phố đã triển khai 25/25 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu theo Đề án 06, tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện còn một số khó khăn, vướng mắc như: Việc đăng ký tài khoản trên Cổng DVC chưa thuận tiện, chưa tạo được tài khoản trên Cổng DVC đối với người nước ngoài; giao diện trên Cổng DVC còn phức tạp, khó hiểu, chưa thân thiện với người dùng...

Ban Chỉ đạo 06 của thành phố Hà Nội kiến nghị Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành cần sớm ban hành và hướng dẫn các đơn vị trong việc triển khai thực hiện việc chuẩn hóa danh mục tài liệu, quy trình và mã số của giấy tờ số hóa; sớm ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn về việc thực hiện lưu trữ tài liệu điện tử… làm cơ sở các địa phương thực hiện.

Quyết tâm của thành phố Hà Nội đối với Đề án 06 của Chính phủ là rất nghiêm túc

Phát biểu tại Hội nghị, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an bày tỏ sự ấn tượng khi hội nghị của Hà Nội được tổ chức trực tuyến xuống tận các xã, phường với trên 30 ngàn cán bộ tham dự. Điều này cho thấy sự quyết tâm của thành phố Hà Nội đối với Đề án 06 của Chính phủ là rất nghiêm túc.

Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, tháng 11/2022, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn đã đi công tác cùng Thủ tướng tới 3 nước Châu Âu đi đầu chuyển đổi số, kết nối dữ liệu. “Từ kinh nghiệm của nước bạn cho thấy, phải xây dựng được niềm tin của người dân mới thực hiện được Đề án”.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cũng cho biết, Thủ tướng biểu dương Hà Nội đã chủ động, nỗ lực, phối hợp các bộ ngành có bước đi căn cơ; quyết tâm chính trị đầu tư hạ tầng, kết nối dữ liệu, chủ động thực hiện các dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc đánh giá cao các tham luận ở cơ sở của Hà Nội. Qua đó có thể thấy các đồng chí ở cơ sở đã làm thật, hiểu từng thuật ngữ chuyên môn và có những đề xuất rất cụ thể, rõ ràng. Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, Tổ công tác sẽ tiếp thu và báo cáo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà để họp bàn với các bộ và sẽ có trả lời cụ thể với từng phần việc.

Thứ trưởng Bộ Công an đặc biệt quan tâm 3 nguy cơ mà Hà Nội đã nêu và những khó khăn vướng mắc. 23 kiến nghị cụ thể của Hà Nội với từng bộ với từng nhóm việc. Thứ trưởng Bộ Công an cũng đánh giá cao 4 mục tiêu, 20 chỉ tiêu, 4 nhiệm vụ chung, 10 nhiệm vụ cụ thể Hà Nội đặt ra trong năm 2023 đều có phân công đơn vị chịu trách nhiệm, cá nhân trách nhiệm rõ ràng, có thời hạn cụ thể.

c68056cd066adc34857b.jpg
Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu tại Hội nghị

Thứ trưởng Bộ Công an lưu ý Hà Nội, hạ tầng công nghệ phải sớm hoàn thành mới chuyển được từ thủ công sang công nghệ và bày tỏ vui mừng vì Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết đầu Tháng 3 sẽ có hệ thống.

Theo Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Hà Nội cũng cần tích cực số hóa hơn nữa. Dữ liệu các nhóm sạch rồi thì số hóa ngay, chưa sạch thì cần khẩn trương làm sạch. Phải quyết tâm, chỉ đạo quyết liệt để tất cả các bộ phận không yêu cầu dân phải xác nhận bằng giấy tờ; các ngành phải đôn đốc hướng dẫn, kiểm tra cụ thể.

Thứ trưởng Bộ Công an cũng lưu ý phải làm tốt công tác tuyên truyền và gợi mở: Cần trang bị công cụ và điều kiện tốt để người dân thực hiện dịch vụ công thuận lợi. Mỗi người đến độ tuổi phải có CCCD gắn chip, trang bị chữ ký số, tài khoản an sinh. Các công cụ khác thuộc giao dịch lớn khác nhưu cần mã số thuế thì thực hiện qua ứng dụng VNeID.

“Hà Nội có khoảng 500.000 cán bộ, đến tận thôn xóm. Mỗi người về nhà tuyên truyền cho người thân thì tôi tin số hộ dân ở Hà Nội biết được, hiểu được, từng bước thực hiện được các dịch vụ công sẽ tích cực hơn rất nhiều”- Thứ trưởng Bộ Công an nói.

Thứ trưởng Bộ Công an lưu ý lực lượng Công an các nhiệm vụ trọng tâm: định danh điện tử phải cấp nhanh nhất, phủ sớm nhất; rà soát số dân cư chưa rõ địa chỉ, làm sạch dữ liệu bổ sung ngay vào dữ liệu dân cư; làm tốt hơn nữa nhiệm vụ Tổ phó thường trực Ban Chỉ đạo 06 các cấp với nhiệm vụ: thường xuyên rà soát kỹ, đề xuất giải pháp để thực hiện các nhóm nhiệm vụ; phải là nóng cốt, tạo được công cụ, điều kiện cho người dân; phối hợp tích cực với đoàn thanh niên để hỗ trợ người dân.

Thành công của chuyển đổi số không dành cho sự ủy quyền

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh khẳng định, Đề án 06 là khâu đột phá của chuyển đổi số quốc gia. Cơ sở dữ liệu quốc gia là nền tảng của chuyển đổi số và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là cốt lõi của nền tảng.

“Cơ sở dữ liệu này đã được xây dựng trong thời gian ngắn. Nếu không phải lực lượng Công an là nòng cốt từ Bộ Công an đến Công an Thành phố, tận công an xã với quyết tâm chính trị cao thì không thể thực hiện được. Sau 1 năm nhìn lại mới thấy kết quả hôm nay rất đáng tôn trọng” - Chủ tịch UBND Thành phố nhấn mạnh. Đồng thời cho rằng, qua 1 năm căn bản đã có chuyển biến tích cực mọi mặt, ai cũng biết đến Đề án 06, người dân và cán bộ đều tham gia.

42c62152e4f63ea867e7.jpg
Quang cảnh Hội nghị

Chủ tịch UBND Thành phố cho biết, năm 2023, Hà Nội tiếp tục đặt kỷ cương lên hàng đầu, các nhiệm vụ trong thực hiện Đề án 06 đều được phân công, phân hạn cụ thể. Hà Nội cũng có phần mềm theo dõi đánh giá tiến độ công việc từng cán bộ công chức.

“Các Giám đốc Sở cần thực sự sát sao. Cơ sở dữ liệu cần phải số hóa nhanh hơn nữa để tạo nền tảng thông minh từ đó ra các app, phần mềm. Phải coi đây là việc của sở mình, ngành mình, chứ không của riêng Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội. Hệ thống thông minh hay không là trách nhiệm của các đồng chí. Rà soát lại quy trình, tập trung vào thủ tục hành chính với dân, doanh nghiệp, tiếp đó số hóa, hiện đại hóa quy trình nội bộ” - Chủ tịch UBND Thành phố lưu ý. Đồng thời nhấn mạnh: Thành công của chuyển đổi số không dành cho sự ủy quyền mà phải từ ý chí quyết tâm, sự kiên trì của người đứng đầu.

Theo Cổng giao tiếp Hà Nội

PV