Check in Hà Nội

Đình Hoàng Cầu

Phương Anh 11:00 25/02/2023

Đình Hoàng Cầu là tên gọi theo địa danh thôn Hoàng Cầu, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội. Đình ở phía nam Thành phố cách trung tâm khoảng 5km.

Đình Hoàng Cầu có khởi nguồn tạo dựng từ thời Lê. Các tư liệu thành văn còn lưu tại di tích cho biết: đình Hoàng Cầu thờ vị phúc thần Bố Cái đại vương Phùng Hưng - người đã có nhiều công giúp nước dẹp giặc ngoại xâm, được phong là Thượng đẳng phúc thần. Ngoài vị thần là Phùng Hưng đình Hoàng Cầu còn phụng thờ thần Cao Sơn đại vương (vị thần trấn nam kinh thành) và Phùng An và Bảo Hoa công chúa, con của Phùng Hưng. Phùng Hưng xuất thân từ dòng dõi cự tộc hào trưởng đất Đường Lâm - Ba Vì, ông được sử sách và nhân dân truyền tụng là người nổi tiếng có sức khoẻ phi thường và tài mưu lược hơn người. Căm phẫn trước cảnh đất nước bị bọn đô hộ nhà Đường dày xéo, ông đã cùng hai em là Phùng Hải Phùng Dĩnh dấy cờ khởi nghĩa, được sự ủng hộ của nhân dân nghĩa quân trưởng thành nhanh chóng và liên tiếp giành nhiều thắng lợi lớn. Sau gần 20 năm khởi nghĩa, Phùng Hưng đã cùng nghĩa quân chiếm được phủ thành Tống Bình, quét sạch quân giặc ra khỏi bờ cõi. Ông lên ngôi làm vua được 7 năm thì mất vào năm 791. Nhớ công đức đánh đuổi ngoại xâm giành độc lập dân tộc của Phùng Hưng, sau khi ông mất nhân dân suy tôn là Vua Bố mẹ “Bố Cái Đại Vương”.

Đình Hoàng Cầu được xây dựng trong một không gian rộng giữa khu cư trú của làng, quay hướng nam, phía trước đình là một hồ nước hình bán nguyệt có ý nghĩa tụ thuỷ, tụ phúc theo quan niệm dân gian. Đình có quy mô kiến trúc kiểu chữ “đinh” gồm: Đại bái và Hậu cung. Toà Đại bái 3 gian, xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta, các vì kèo đỡ mái làm kiểu “chồng rường”.

Hiện nay đình Hoàng Cầu còn bảo lưu bộ sưu tập di vật khá đa dạng về chủng loại gồm: 22 đạo sắc phong thần của các triều đại từ thời Lê đến thời Nguyễn, trong đó có 3 sắc niên hiệu Cảnh Hưng (Cảnh Hưng nguyên niên 1767), 2 sắc Cảnh Hưng thứ 44 (1783), 3 sắc niên hiệu Quang Trung, 2 sắc niên hiệu Cảnh Thịnh, 3 sắc niên hiệu Gia Long, 2 sắc niên hiệu Minh Mệnh, 4 sắc niên hiệu Thiệu Trị, 2 sắc niên hiệu Tự Đức, một sắc niên hiệu Đồng Khánh, một sắc niên hiệu Duy Tân, 1 sắc niên hiệu Khải Định; ba cổ ngai thờ, kiệu rước, hương án, sập thờ được chạm khắc công phu đề tài tử linh phong cách nghệ thuật thời Nguyễn, 3 tấm bia hậu thần trong đó có một bia ghi việc xây dựng đình Đông Các (đình Đông Các trước đây ở gần ngã tư Ỗ Chợ Dừa đã bị phá trong chiến tranh), hai tấm bia có niên hiệu Tự Đức thứ 31 (1879) và Thành Thái thứ 5 (1893) ghi công đức của những người có công cúng tiền của, ruộng cho đình để lo việc tu sửa, thờ cúng thần.

Lễ hội đình Hoàng Cầu hàng năm tổ chức vào ngày 12 tháng hai âm lịch với đủ các nghi thức tế thần trang nghiêm và có nhiều trò chơi dân gian truyền thống.

Đình Hoàng Cầu đã được Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật năm 2007.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Phương Anh