Sân khấu

Rối nước - sự độc đáo và sức hút từ loại hình nghệ thuật dân gian

Phương Anh 10:29 19/02/2023

Nhắc tới múa rối nước (hay còn được gọi là trò rối nước), người ta nghĩ tới ngay một bộ môn nghệ thuật văn hóa dân gian truyền thống mang đậm dấu ấn của nền văn minh nông nghiệp lúa nước, gắn liền với nền văn hóa Đại Việt.

shutterstock_1070309969-1200x800.jpg
Múa rối nước từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hoá của người Việt

Không chỉ đơn thuần là điều khiển con rối trên mặt nước, loại hình này là sự kết hợp của ca, múa, nhạc, tích, diễn, hề cùng những hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, khói, lời giáo trò, câu thoại qua lại, dàn nhạc,.... tất cả tạo thành tiết mục múa rối đặc sắc, sống động, chân thực và giàu cảm xúc. Nghệ thuật múa rối có ở nhiều quốc gia trên thế giới nhưng múa rối nước thì chỉ duy nhất có ở Việt Nam.

Nguồn gốc múa rối nước

Nghệ thuật múa rối truyền thống Việt Nam mà đặc trưng nhất là rối nước được ra đời, phát triển và trở thành một loại hình nghệ thuật phải kể đến sự tìm tòi, sáng tạo của cha ông ta trước cuộc sống bình dị, gắn liền với nghề nông nghiệp trồng lúa nước và sự du nhập mạnh mẽ của Phật giáo vào Việt Nam.

ro-i-nuo-c-loa-i-hi-nh-nghe-thuat-dan-gian-doc-dao-cua-vie-t-nam(1).jpg
Sân khấu múa rối ngày nay được đầu tư hơn, đặc biệt là ở khâu hiệu ứng

Theo những nguồn tư liệu khác nhau về nghệ thuật múa rối ở Việt Nam cho thấy: năm 1121 múa rối nước đã được đưa vào biểu diễn để mừng thọ vua, mà minh chứng đó là những dòng chữ Hán được khắc trên tấm bia đá cổ có từ triều đại nhà Lý mà hiện nay đang được đặt tại chùa Long Đọi, xã Đội Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.

Từ những con rối riêng lẻ của một số các cá thể phát triển thành những phường rối với nhiều tích trò hay, lạ, đẹp mắt rồi được đem ra biểu diễn, thi tài phục vụ nhân dân. Từ đây nghệ thuật múa rối đã trở thành thú chơi tao nhã của nhân dân đồng bằng sông Hồng. Đến nay, múa rối nước đã trở thành một loại hình nghệ thuật truyền thống trong dân gian được gìn giữ, bảo tồn và phát huy.

Trải qua bao thế hệ, nghệ thuật múa rối nước vẫn luôn là kết tinh của sự tài hoa, khéo léo, thông minh của người nghệ nhân. Những năm trở lại đây, sân khấu múa rối được đầu tư hơn, đặc biệt là ở khâu hiệu ứng.

Điểm đặc biệt của múa rối nước Việt Nam

Không phải ngẫu nhiên mà múa rối nước trở thành một nét văn hóa gian dân độc đáo của người Việt. Điều thú vị của bộ môn nghệ thuật này được thể hiện một cách rõ ràng ngay từ tên gọi “múa rối nước” - lấy nước làm sân khấu để biểu diễn.

2-3-.jpg
Những con rối được điều khiển vô cùng khéo léo dưới sự biểu diễn của người nghệ nhân

Mặt nước, mặt hồ, ao vừa là sân khấu, bối cảnh, vừa là nhân vật bổ trợ cho những con rối biểu diễn dưới sự điều khiển vô cùng khéo léo của những người nghệ nhân. Nếu phần trên là sân khấu thì phần dưới mặt nước chính là hệ thống máy, sào, dây được kết nối với buồng trò.

Sân khấu rối nước là khoảng trống trước mặt buồng trò thường được trang bị cờ, quạt, voi, lọng, cổng, hàng mã… Những con rối thường được làm bằng gỗ sung vì đặc tính nhẹ giúp con rối nổi trên mặt nước. Quá trình đục cốt, đẽo, gọt giũa, đánh bóng rồi trang trí đều được người nghệ nhân chú trọng bởi từng con rối - nhân vật đều có những sắc màu tính cách riêng biệt.

Cái hồn của sân khấu múa rối nước

Để biểu diễn một buổi rối nước hoàn chỉnh cần có sự kết hợp của nhiều nghệ nhân: nghệ nhân sáng tác tích trò, nghệ nhân làm quân rối, nghệ nhân điều khiển con rối, nghệ nhân hát xướng. Vị trí nào cũng đòi hỏi kỹ năng và sự nhiệt huyết, đam mê, đồng lòng của mỗi cá nhân trong tập thể.

wf.jpg
Các tiết mục rối nước thường xoay quanh tích dân gian và cuộc sống sinh hoạt đời thường của người nông dân

Nội dung các tiết mục rối nước thường xoay quanh tích dân gian, cuộc sống sinh hoạt đời thường của người nông dân như các trò đi bừa, đi cấy, chăn vịt, đấu vật, đua thuyền, bơi chải, chèo tuồng Thị Màu lên chùa… Ngày nay, các đề tài trong rối nước được khai thác phong phú hơn, mở rộng hơn như nói về sản xuất, chiến đấu,.... đồng thời được đầu tư công phu, hoành tráng khi có sự góp mặt của các kỹ xảo sân khấu hiện đại.

Bên cạnh đó, âm thanh trong múa rối nước cũng đóng vai trò quan trọng: lời ca, tiếng trống, pháo thăng thiên, mõ, tù và, pháo mở cờ,... góp phần làm tiết mục múa rối chân thực hơn, sống động hơn.

Để trải nghiệm văn hóa múa rối nước tại Hà Nội, du khách trong và ngoài nước có thể đến với 3 địa điểm: Nhà hát múa rối Thăng Long (57B Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ, Thành Phố Hà Nội), Nhà hát Múa rối Việt Nam (361 Trường Chinh, Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội), Nhà hát múa rối nước Bông Sen (Số 16 Lê Thái Tổ, Hàng Trống, Hoàn Kiếm Hà Nội).

"Từ điển" múa rối:

Thủy đình: dùng mặt nước làm sân khấu

Tâm y môn: phông che phía sau sân khấu

Khởi thủy: biểu diễn trên sân khấu ngoài trời, rối nước cần âm thanh mạnh để giữ tiết tấu và khuấy động không khí buổi diễn.

Tác giả trích dẫn

Phương Anh