Giáo dục

Giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu để phát triển đất nước

Sơn Dương 07:43 17/02/2023

Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng đoàn công tác gồm đại diện một số Bộ, ngành đã có buổi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) nhằm đánh giá tình hình giáo dục và đào tạo thời gian qua và định hướng những trọng tâm trong giai đoạn tới.

ptt-tran-hong-ha-lam-viec-tai-bgd-87321.jpg
Quang cảnh buổi làm việc

Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: Ngành GD&ĐT hiện đang trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện. Chiến lược cải cách giáo dục đã được Trung ương thể hiện đầy đủ, sâu sắc, toàn diện với Nghị quyết 29/NQ-TW. Tới nay, việc triển khai đổi mới giáo dục đã được gần 10 năm và nhiều việc còn đang tiếp tục triển khai.

ptt-tran-hong-ha-lam-viec-tai-bgd-88781.jpg
Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc

Mặt khác, ngành giáo dục được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm một cách nhất quán, coi đây là một trong ba đột phá chiến lược, là quốc sách hàng đầu để phát triển đất nước, với kỳ vọng lớn. Nhân dân cũng mong đợi những kết quả tích cực của ngành GD&ĐT. Tương lai của đất nước phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố con người, chính vì vậy, sự phát triển của ngành càng trở nên quan trọng.

Thay mặt Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đã báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ của Bộ GD&ĐT.  Thứ trưởng cho biết, Bộ GD&ĐT đang triển khai một số nhiệm vụ lớn. Trong đó có triển khai các chiến lược, đề án như: Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghệ cao… Đồng thời,  Bộ đã đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo; tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo...

Báo cáo do Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn trình bày cũng đưa ra các đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trong đó Bộ đề nghị Chính phủ xem xét có chính sách tiền lương, phụ cấp ưu đãi cho nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Trước mắt, năm 2023 Chính phủ cần ban hành Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập...

ptt-tran-hong-ha-lam-viec-tai-bgd-9163.jpg
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định: GD&ĐT là lĩnh vực hết sức quan trọng, là một trong những trụ cột, yếu tố đột phá chiến lược và là một trong những động lực của giai đoạn đổi mới sâu sắc và toàn diện của đất nước. Phó Thủ tướng cũng ghi nhận những kết quả, thành tựu toàn ngành đạt được trong thời gian qua. Đặc biệt, trong giai đoạn cả nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, ngành giáo dục vẫn bảo đảm tổ chức dạy học an toàn, chất lượng. Bên cạnh đó, toàn ngành đồng thời cũng phải đối mặt với không ít tồn tại, vướng mắc sau đại dịch Covid-19, cũng như trong quá trình thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng đã nêu ra một số vấn đề, lưu ý, trao đổi với Bộ GD&ĐT như: Thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học, cao đẳng; tự chủ đại học; học phí bậc học mầm non; đổi mới chương trình, sách giáo khoa; định hướng nghề nghiệp ở phổ thông; đa dạng hoá nguồn đầu tư cho giáo dục đại học; nghiên cứu khoa học trong trường đại học…

Với những kiến nghị, đề xuất của Bộ GD&ĐT, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết sẽ tiếp tục làm việc sâu hơn với ngành về từng vấn đề để sớm ban hành các chính sách, chiến lược phù hợp đối với GD&ĐT trong thời gian tới.

Sơn Dương