Đình Hạ Hội
Đình Hạ Hội toạ lạc trên địa phận thôn Hạ, xã Tân Lập, cách trung tâm Hà Nội chừng 27km. Từ trung tâm thành phố đến phố Trôi thì rẽ phải chừng 2km là tới di tích.
Đình Hạ Hội còn có tên gọi khác là đình Bói, có kết cấu kiến trúc chữ “đinh” gồm Đại bái và Hậu cung. Ngoài ra còn có một số công trình phụ trợ khác như Nghi môn trụ biểu, hệ thống tường bao quanh di tích...
Nghi môn là một công trình khá đồ sộ, đôi trụ biểu phía trên được cổ nhân đắp “tứ phượng chầu”, tiếp đến là ô lồng đèn rồi mặt sập hổ phù ngậm chữ “thợ”, thân trụ đắp các đôi câu đối ca ngợi cảnh quan và công lao hiển hách của Thành hoàng bản thổ. Qua khoảng sân rộng là tới Đại bái. Toà nhà này gồm 5 gian 2 chái, hai tầng bốn mái tạo nên sự bề thế và thông quang. Vào bên trong, các bộ vì được làm theo kiểu “giá chiêng chồng rường”, “tiền kẻ, hậu bẩy” trên 6 hàng cột, các cột này đều kê trên chân tảng vuông có phần trên tròn chất liệu đá xanh đường kính 50cm.
Hậu cung được nối từ gian giữa toà Đại bái, bên trong có khám lửng bưng kín ván gỗ, trong khám lửng bài trí ngai thờ Thành hoàng sơn son thếp vàng, phía trước là các đồ tế tự. Trong đó có 2 bát hương bằng đồng trang trí hổ phù, cá chép hoá rồng, dây leo rất sinh động mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII, bên cạnh đó là đôi hạc đồng Ngũ Xã.
Hệ thống di vật ở đình Hạ Hội phong phú, đa dạng về chất liệu và chủng loại. Ngoài hai bát hương, đôi hạc đồng còn có một nhang án có kích thước 200cm x 130cm x 90cm, trên nhang án này có đặt các đồ tế khí gồm lư hương đồng cao 30cm, đường kính 25cm. Đăng đối với lư hương là 2 cây đèn cao 55cm và 2 lọ hoa cao 46cm, đều bằng đồng. Trong đình còn 2 bức đại tự và một số câu đối bằng gỗ ca ngợi công đức Thành hoàng. Cũng tại cung cấm, hiện còn lưu giữ bản Ngọc phả bằng chữ Hán cho biết đức Thành hoàng bản thổ là Đinh Công Tuấn, thân phụ thân mẫu của ngài người xã Thượng Cát, phủ Quốc Oai. Hai ông bà vốn người hiền lành, đức độ, làm nghề bốc thuốc cứu người. Năm ngài 21 tuổi, không may cha mẹ mất, vua Trần Thái Tông (1225 - 1258) bạn chiếu kén chọn hiền tài, ngài bèn ứng mộ rồi được nhà vua trọng dụng và trao nhiều trọng trách. Bấy giờ, giặc Nguyên Mông ồ ạt sang xâm phạm bờ cõi, Đinh Công Tuấn dẫn quân thuỷ bộ đến đóng quân tại trang Đan Hội, Ngọc Hạnh. Tại đây, ngài tuyển dụng thêm binh lính, trai tráng trong vùng tham gia rất đông. Tháng 3 năm ấy, tướng giặc là Ngột Lương Hợp Thai đưa quân đến vùng Bạch Hạc, Đinh Công Tuấn đem 5 vạn quân ra ứng chiến. Sau một hồi giao chiến, quân ta bị giặc bao vây, ngài đã hy sinh giữa trận tiền. Nghe tin Đinh Công Tuấn hy sinh, vua Trần Thái Tông vô cùng thương tiếc, phong tặng là phúc thần, sai dân các nơi có quân đội của ngài lập đồn doanh ngày trước dựng đền thờ phụng. Từ đó, nhân dân thôn Hạ Hội, Ngọc Kiệu... lập miếu thờ ngài và hàng năm mở hội vào ngày mùng 6 tháng giêng và mùng 4 tháng tư âm lịch.
Đình Hạ Hội đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1991.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01