Y tế - Giáo dục

Hà Nội: Ngành Giáo dục và Đào tạo quyết tâm tiên phong trong chuyển đổi số

PV 15/02/2023 07:52

Nhằm thực hiện “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp, quyết tâm tiên phong về chuyển đổi số.

image_gallery-3-(1).jpg
Trung tâm Điều hành giáo dục thông minh đã đi vào hoạt động

Theo đó, năm 2023, việc tạo chuyển biến mạnh về chuyển đổi số được ngành Giáo dục và Đào tạo xác định là nhiệm vụ, mục tiêu trọng tâm nhằm chủ động ứng phó, sẵn sàng chuyển trạng thái dạy học trong điều kiện bất thường. Cùng với cả nước, hiện các trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội đang chủ động chuẩn bị các kế hoạch trong chuyển đổi số, qua đó, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

2 năm học vừa qua cho thấy, dịch Covid-19 đã gây ra nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có cho ngành Giáo dục và Đào tạo. Đây lại là giai đoạn toàn ngành bắt đầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với những khối lớp đầu tiên. Tuy nhiên, thách thức này lại thúc đẩy các nhà trường chủ động tìm giải pháp thích ứng để việc dạy và học không bị gián đoạn.

Tháng 6/2020, lần đầu tiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức đánh giá việc dạy và học trực tuyến và đây cũng là lần đầu tiên toàn ngành dạy, học trực tuyến một cách bài bản và rộng rãi. Tỷ lệ học sinh tham gia học trực tuyến chiếm từ 36% đến 88%, tùy địa bàn. Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ, cùng với chủ trương của Chính phủ, những tác động của dịch Covid-19 đã trở thành cú huých mạnh mẽ, buộc toàn ngành phải chuyển đổi số nhanh chóng để thích ứng với tình thế bất ngờ và đặc biệt chưa từng có.

Trong thời gian không dài, ngành Giáo dục và Đào tạo đã đạt được những kết quả ấn tượng trong chuyển đổi số. Đến năm 2022, toàn ngành đã có kho dữ liệu bài giảng điện tử với gần 7.000 bài giảng cho tất cả trình độ đào tạo, từng môn học của từng khối lớp... Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý thông tin của tất cả các trường học từ mầm non đến phổ thông; kết nối thành công cơ sở dữ liệu ngành với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cho gần 21 triệu hồ sơ học sinh (đạt 92%) và hơn 1,5 triệu hồ sơ giáo viên (đạt 95%). Bộ đang nỗ lực để hoàn thiện cơ sở dữ liệu của 100% giáo viên, học sinh trong năm 2023.

Để ứng dụng công nghệ thông tin trở thành nếp quen trong dạy và học, năm học 2022-2023, các trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội tích cực hướng dẫn giáo viên, học sinh và cả phụ huynh học sinh sử dụng kho học liệu số của ngành. Hiện tại, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đang nâng cấp phần mềm hỗ trợ tuyển sinh trực tuyến vào các lớp đầu cấp, phục vụ kỳ tuyển sinh năm học 2023-2024. Kỳ tuyển sinh năm học trước, hơn 85% hồ sơ đã đăng ký qua kênh này, góp phần tăng tính minh bạch và tạo thuận lợi cho phụ huynh, học sinh. Việc phát động, tạo điều kiện để giáo viên xây dựng bài giảng điện tử, đóng góp vào kho học liệu dùng chung cũng được Hà Nội tăng cường.

Cùng với đó, công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giáo dục và đào tạo có sự tiến bộ vượt bậc. Ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô đã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập phù hợp với tình hình thực tế. Chỉ số cải cách hành chính của Sở Giáo dục và Đào tạo tăng 8 bậc từ xếp vị trí thứ 17 lên xếp vị trí thứ 9/22 Sở, ngành, cơ quan thuộc Thành phố.

Đặc biệt, vào tháng 8/2022, Trung tâm Điều hành giáo dục thông minh (IOC) ngành Giáo dục và Đào tạo đã chính thức được ra mắt. Thành phố Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai trung tâm này. Theo đó, Trung tâm tích hợp hệ thống hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành; quản lý, tổ chức các cuộc họp trực tuyến; cập nhật thông tin mới nhất về ngành Giáo dục và Đào tạo trên Cổng thông tin điện tử... Đồng thời, Trung tâm cũng sẽ quản lý được 100% các cơ sở giáo dục, đẩy mạnh sử dụng sổ điểm điện tử, học bạ điện tử, tăng cường trao đổi thông tin giữa phụ huynh và nhà trường... phục vụ công tác quản trị, điều hành các hoạt động giáo dục trên toàn Thành phố.

Có thể nói, bằng những việc làm thiết thực nêu trên, ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô đang có những bước đi căn bản, vững chắc trong hành trình đổi mới và chuyển đổi số, vốn được xem là việc tất yếu trong hành trình này. Với những nỗ lực trong thời gian qua, ngành Giáo dục Thủ đô tự tin là một trong những đơn vị tiên phong về chuyển đổi số, góp phần phát triển Thủ đô theo hướng văn minh - hiện đại.

PV