Chính sách & Quản lý

Hà Nội tăng cường ngăn ngừa cháy nổ tại các di tích đền, chùa trong mùa lễ hội

Kim Thoa 14:04 14/02/2023

Tháng Giêng là thời điểm người dân thường tập trung rất đông tại các nơi thờ tự, đền, chùa… để tham quan, lễ bái. Đồng thời, nhu cầu thắp hương, đốt vàng mã rất lớn, gia tăng nguy cơ cháy, nổ. Để chủ động ngăn ngừa cháy, nổ tại các di tích văn hóa, lễ hội xuân năm 2023, các cơ quan chức năng thành phố đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp.

2a243cd5327d7da7ea9b1667bf4726f7.jpg
Công an huyện Hoài Đức kiểm tra công tác phòng cháy tại các điểm đình, chùa trên địa bàn.

Theo Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội), trên thực tế, các di tích, đình, đền, chùa, miếu phần lớn được xây dựng với kết cấu chủ yếu là gỗ, bên trong có nhiều đồ dễ cháy như: Tượng gỗ, đồ thờ cúng, hương, nến, vàng mã… Số lượng khách đông, kéo theo nhu cầu sử dụng điện, thắp hương, thắp nến, đốt vàng mã nhiều...

Trong khi đó, phương tiện giao thông dừng, đỗ tại các bến, bãi gia tăng cũng có thể dẫn đến nguy cơ phát sinh cháy, nổ. Mặt khác, các cơ sở này thường nằm xen kẽ với khu dân cư, nếu xảy ra sự cố rất dễ dẫn đến cháy lan, cháy lớn; đòi hỏi công tác bảo đảm phòng cháy, chữa cháy càng phải được quan tâm từ cơ sở, tạo chuyển biến tích cực từ nhận thức của người dân.

Theo đó, Đội Cảnh sát PCCC và CNCH (phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ cứu nạn), Công an huyện Thanh Oai đã phối hợp với UBND xã Tam Hưng và các đơn vị chức năng, tổ chức kiểm tra an toàn PCCC tại chùa Bối Khê – một trong số ít các chùa còn lưu lại những dấu vết kiến trúc gỗ nguyên bản thời Trần. Qua đó, kịp thời phát hiện các sơ hở, thiếu sót về PCCC, từ đó hướng dẫn các ban quản lý thực hiện các biện pháp PCCC, củng cố lực lượng, phương tiện, phương án chữa cháy và phương án CNCH tại chỗ… để chủ động phòng ngừa tai nạn cháy, nổ.

Để bảo đảm an toàn về PCCC, Công an huyện Hoài Đức đã yêu cầu các cơ sở nghiêm túc chấp hành và duy trì các điều kiện an toàn về PCCC như quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt, các thiết bị dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt tại khu vực bếp, chánh điện, nhà kho, bãi gửi xe…

Tương tự, Công an quận Tây Hồ đã tiến hành kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy tại 938 lượt cơ sở, mở 2 lớp tuyên truyền đối với cơ sở có gần 50 người tham dự, tổ chức phát 1.800 tài liệu, tờ rơi tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy tại các khu vực phủ Tây Hồ, chùa Trấn Quốc… 

Ghi nhận tại lễ hội chùa Hương năm 2023, Công an huyện Mỹ Đức đã chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn các điều kiện an toàn PCCC tại từng gian hàng. Tại các cơ sở, gian hàng đoàn đã tuyên truyền các kiến thức pháp luật về công tác PCCC nhằm nâng cao nhận thức đối với chủ cơ sở; hướng dẫn từng gian hàng thực hiện đầy đủ các điều kiện an toàn PCCC như: trang bị phương tiện PCCC tại chỗ, thao tác cách sử dụng các loại phương tiện; việc sắp xếp vật tư, hàng hóa đảm bảo khoảng cách; việc sử dụng nguồn lửa, thắp hương thờ cúng đảm bảo an toàn PCCC…

Để bảo đảm an toàn về PCCC, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Hà Nội yêu cầu các cơ sở nghiêm túc chấp hành và duy trì các điều kiện an toàn về PCCC như quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt, các thiết bị dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt tại khu vực bếp, chánh điện, nhà kho, bãi gửi xe…

Thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, thiết bị tiêu thụ điện, điện chiếu sáng, dây dẫn điện. Tăng cường công tác thường trực trong thời điểm khách đến thực hiện các nghi lễ tâm linh và sau khi kết thúc công việc trong ngày; không để vật tư, hàng hóa, trưng bày; không cho người dân buôn bán trên lối đi, lan can, hành lang, cửa ra vào, lối thoát nạn.

Dụng cụ đỡ nhang, đèn bố trí nơi chắc chắn, cố định, tránh ngã, đổ. Phải có kho bảo quản để bảo đảm an toàn PCCC đối với nhang, đèn cầy, vàng mã; cử người trông coi khi khách đến thắp nhang, đèn để xử lý ngay những trường hợp bất cẩn. Khi thắp hương thờ cúng phải có người trông coi và việc hóa vàng phải tiến hành tại các vị trí an toàn cách xa các vật dụng dễ cháy...

Kim Thoa