Chủ tịch nước thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trong nhiệm kỳ 2016-2021
Tin tức - Ngày đăng : 08:10, 22/03/2021
Chủ tịch nước đã thực hiện hiệu quả nhiệm vụ và quyền hạn, góp phần tích cực cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
Theo báo cáo tổng kết công tác vừa gửi tới Quốc hội, trong nhiệm kỳ 2016-2021, trên cương vị Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương và là đại biểu Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch nước đã thực hiện hiệu quả nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và các nhiệm vụ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư phân công, góp phần tích cực cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV.
Thực hiện nghiêm quy trình giới thiệu nhân sự
Báo cáo cho thấy Chủ tịch nước đã thực hiện nghiêm quy trình giới thiệu nhân sự đề nghị Quốc hội miễn nhiệm chức vụ và bầu giữ chức vụ Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; đề nghị Quốc hội miễn nhiệm và phê chuẩn Phó Chủ tịch và Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh.
Căn cứ các nghị quyết của Quốc hội, Chủ tịch nước đã ký quyết định bổ nhiệm 5 Phó Thủ tướng Chính phủ, 21 Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021; phối hợp chặt chẽ với Quốc hội, Chính phủ ký quyết định bổ nhiệm một số bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ khi có thay đổi về nhân sự như Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng Thanh tra Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Cùng với việc bổ nhiệm 21 bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021, trong nhiệm kỳ, Chủ tịch nước đã ký quyết định miễn nhiệm 24 thành viên Chính phủ, đình chỉ công tác đối với 1 thành viên Chính phủ (ông Trương Minh Tuấn).
Tạo cơ sở pháp lý đồng bộ
Chủ tịch nước đã ký Lệnh công bố 72 luật, 2 pháp lệnh đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV thông qua; chỉ đạo Văn phòng Chủ tịch nước phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước kịp thời, đúng quy định.
Nhiều văn bản pháp luật được Quốc hội khóa XIV thông qua đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng, đồng bộ, vững chắc, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh và hội nhập quốc tế của đất nước.
Trong công tác Điều ước quốc tế, Chủ tịch nước đã quyết định đàm phán, ký điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước với tinh thần trách nhiệm cao, xem xét kỹ lưỡng và thận trọng việc ký kết các điều ước quốc tế thuộc thẩm quyền.
Đối với các điều ước quốc tế về tín dụng với các Tổ chức tín dụng quốc tế (điều ước quốc tế về ODA), thực hiện nghiêm chủ trương chỉ vay cho đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên; chỉ vay vốn cho các dự án thực sự cấp bách, cấp thiết, có hiệu quả kinh tế-xã hội cao, hướng tới mục tiêu giảm nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia.
Lắng nghe cử tri, nhân dân
Với trách nhiệm là đại biểu Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước đã tham gia các kỳ họp của Quốc hội, các hoạt động của Đoàn đại biểu nơi ứng cử, tiếp xúc cử tri trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội.
Chủ tịch nước đã tham dự các buổi tiếp xúc cử tri, tiếp xúc chuyên đề với cử tri Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; kịp thời giải đáp nhiều ý kiến rất sâu sắc và xác đáng; lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri; có ý kiến chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết ý kiến phản ánh, kiến nghị của cử tri với Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan có liên quan.
Chủ tịch nước luôn giữ mối liên hệ chặt chẽ với Chính phủ. Trong nhiệm kỳ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã 4 lần dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tiếp và trực tuyến của Chính phủ với các địa phương.
Theo ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước thường xuyên tham dự các phiên họp thường kỳ của Chính phủ; trao đổi, tham gia ý kiến với Chính phủ trong việc triển khai các nhiệm vụ, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và những vấn đề nhân dân, cử tri quan tâm.
Chỉ đạo thực hiện tốt công tác thi đua-khen thưởng
Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước thường xuyên quan tâm, chỉ đạo các phong trào thi đua yêu nước và việc thực hiện chính sách khen thưởng trong cả nước.
Chủ tịch nước đã quyết định tặng thưởng 370.896 huân, huy chương; 27.249 danh hiệu vinh dự Nhà nước, trong đó phong tặng và truy tặng 20.472 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 314 danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 84 danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.
Số lượng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới giảm nhiều so với nhiệm kỳ trước (nhiệm kỳ 2011-2016, Chủ tịch nước đã phong tặng 1.086 danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và 101 danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới).
Chủ tịch nước đã gửi thư khen cho một số tập thể, cá nhân tiêu biểu; gửi Thiếp mừng thọ tới 45.763 người thọ từ 100 tuổi trở lên trong cả nước; quyết định cho 1.598 người được nhập, trở lại quốc tịch Việt Nam; 24.370 công dân Việt Nam được thôi quốc tịch Việt Nam.
Đẩy mạnh cải cách tư pháp, cải cách hành chính
Trên cương vị Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Chủ tịch nước đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổng kết phương thức lãnh đạo của Đảng về cải cách tư pháp, tham gia ý kiến về các văn bản, đề án có liên quan đến công tác cải cách tư pháp.
Chủ tịch nước chỉ đạo các cơ quan tư pháp đẩy mạnh cải cách tư pháp, cải cách hành chính; nâng cao chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, nhất là các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn; không để oan sai, bỏ lọt tội phạm và thu hồi triệt để tài sản của Nhà nước bị thất thoát, tham nhũng; nâng cao chất lượng xét xử, đổi mới công tác hòa giải, đối thoại trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự, hành chính.
Trong nhiệm kỳ, Chủ tịch nước đặc biệt quan tâm đến lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đồng thời kiên quyết, kiên trì, quyết tâm trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí tiếp tục được triển khai quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, bài bản, có hiệu quả, ngày càng đi vào chiều sâu, xử lý các hành vi sai phạm theo phương châm không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đã tạo ra sức răn đe, cảnh tỉnh lớn.
Tham nhũng, tiêu cực từng bước được kiềm chế. Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế phức tạp được phát hiện, điều tra, khởi tố, truy tố, xét xử nghiêm minh, được nhân dân hoan nghênh, đánh giá cao, dư luận đồng tình, ủng hộ.
Đây là nội dung trong báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước vừa gửi tới Quốc hội. Việc đặc xá, tha tù trước thời hạn được xem xét thận trọng, khách quan, dân chủ, đúng quy định.
Kết quả thực hiện các đợt đặc xá trong thời gian qua được nhân dân trong nước đồng tình, dư luận thế giới hoan nghênh và đánh giá cao về tính nhân đạo, chính sách khoan hồng, tính công khai và minh bạch trong chủ trương cũng như trong quá trình thực hiện.
Chủ tịch nước quyết định đặc xá tha tù trước thời hạn cho 4.384 phạm nhân, trong đó 4.180 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại các trại giam, trại tạm giam.
Công tác xét đơn xin ân giảm án tử hình là vấn đề liên quan đến sinh mệnh của con người và tính nghiêm minh của pháp luật, vì vậy việc xét đơn xin ân giảm án tử hình được thực hiện hết sức thận trọng.
Đối với những vụ án phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, ngoài việc xem xét, cân nhắc ý kiến của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ tịch nước còn yêu cầu Văn phòng Chủ tịch nước cử tổ công tác về địa phương nơi xảy ra vụ án hoặc nơi đăng ký thường trú của người phạm tội, phối hợp nắm thêm dư luận xã hội và ý kiến của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể tại địa phương để báo cáo Chủ tịch nước xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định.
Chú trọng nhiệm vụ quốc phòng-an ninh và đối ngoại
Thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn liên quan đến lĩnh vực quốc phòng-an ninh, Chủ tịch nước đã ký quyết định thăng quân hàm cấp tướng đối với 400 sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; thăng cấp bậc hàm cấp tướng đối với 174 sỹ quan Công an nhân dân; tước danh hiệu Công an nhân dân đối với 4 sỹ quan cấp tướng, giáng cấp bậc hàm đối với 2 sỹ quan cấp tướng; quyết định cử 45 sỹ quan Quân đội tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Phái bộ Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi; cử 2 lượt Bệnh viện Dã chiến cấp 2 (126 sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp) đi thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ Nam Sudan.
Chủ tịch nước đã phong hàm Đại sứ cho 55 cán bộ Bộ Ngoại giao, bổ nhiệm 112 Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền của Việt Nam tại các nước trên thế giới; nhận Quốc thư của 115 Đại sứ nước ngoài nhân dịp sang nhận nhiệm vụ tại Việt Nam, tiếp 61 Đại sứ nước ngoài và Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế đến chào xã giao và chào từ biệt.
Bên cạnh các hoạt động đối ngoại Nhà nước chính thức, Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước luôn quan tâm đến các hoạt động đối ngoại nhân dân; gặp gỡ, tiếp xúc với bà con kiều bào Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài trong các chuyến công tác nước ngoài hoặc qua các hoạt động đón Tết cổ truyền hằng năm tổ chức ở Việt Nam.
Nhiệm kỳ 2016-2021 có sự thay đổi về nhân sự Chủ tịch nước. Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh giữ Quyền Chủ tịch nước từ ngày 23/9/2018 đến ngày 23/10/2018.
Ngày 23/10/2018, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã tín nhiệm bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức Chủ tịch nước./.