Đình Hạ Thôn
Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 14:18, 13/02/2023
Đình Hạ Thôn nằm trên một vùng quê cổ nổi tiếng với tên nôm là làng Nành. Trước đây làng Nành được chia làm 3 thôn: Thượng, Trung, Hạ.
Trước đó 3 thôn này có một ngôi đình chung. Đình Hạ Thôn được xây dựng vào năm 1685 trên cơ sở nhường lại quyền sử dụng ngôi đình chung cho 2 thôn khác. Thời điểm tách đình được ghi lại trên tấm bia “Hậu thần bia ký” niên hiệu Chính Hoà lục niên (1685). Thời gian này Hạ Thôn có nhân vật Nguyễn tướng công Duệ Hậu, thuỵ là Lương Giản làm quan tới chức Đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân đề đốc thần vũ Tứ vệ quân sự vụ, gia tặng hữu Đô đốc, tước công quốc đã có nhiều công đức với dân làng trong việc dựng đình. Bia ghi rõ “Ông để lại công lao với nước, ân đức với dân, bỏ nhiều tiền của dựng hoa đình, khiêu dân lành ơn nhờ phúc lớn. Dân đã tôn ngài làm Thám đốc và hậu Thành hoàng, đồng thời còn lập chính phu nhân Đào Thị Quý là hậu Phật để cúng oản quả. Ông bà cũng thêm 200 quan tiền cổ, 7 mẫu ruộng, lại có công đánh giặc nơi xa, quét sạch sào huyệt giặc, lại tha cho binh lính ở lại làm ăn, đời đời đội ơn, chốn chốn nương nhờ, nay thôn ta nhường đình cho 2 thôn Thượng và Trung, bản tộc lại bàn để xây ngôi đình miếu hoàn hảo”. Về sau đình được trùng tu, sửa chữa nhiều lần. Điều đó lý giải sự tồn tại của hai phong cách kiến trúc nghệ thuật thời Lê và Nguyễn trên ngôi đình hiện nay. Đình Hạ Thôn còn thờ thần Lữ Gia - một nhân vật lịch sử thời Triệu, cách đây hơn 2000 năm. Về nhân vật lịch sử này, sử cũ có nhiều cách đánh giá khác nhau, nhưng tất cả đều ghi nhận tinh thần độc lập, tự chủ, không khuất phục giặc ngoại xâm của ông. Lữ Gia là người tổ chức cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống giặc phương Bắc. Tinh thần đó được nhân dân nhiều vùng quê phụng thờ, tôn vinh, các triều đình quân chủ ban sắc phong để biểu dương. Công tích và sự nghiệp của thần Lữ Gia được ghi lại trong cuốn Ngọc phả còn lưu giữ tại đình do Hàn Lâm viện đông các Đại học sĩ Lê Tung phụng soạn từ bản chính vào niên hiệu Hồng Đức nguyên niên (1470) và do Bộ Lại chép lại theo bản cũ từ niên hiệu Vĩnh Hựu năm thứ 6 (1740), và cuối cùng do bản thôn chép lại theo bản cũ vào triều Khải Định năm thứ 4 (1919).
Trải qua năm tháng, đình đã được tu sửa, nhưng cơ bản vẫn giữ được diện mạo kiến trúc xưa. Nếu nhìn ở ngoại diện - mặt của di tích ta nhận thấy nếp nhà này mang đậm phong cách kiến trúc thời Nguyễn đầu thế kỷ XIX. Đặc biệt nội thất của đình con giữ lại được khá nhiều tác phẩm điêu khắc, trang trí mang phong cách của ngày khởi dựng năm Chính Hoà thứ 6 (1685) dưới triều Lê. Đình còn bảo lưu nguyên vẹn dáng vẻ cổ kính của kiến trúc ban đầu. Trên 2 bộ vì hồi của thời Lê, kết cấu chồng rường và các mảng chạm rồng, mây, thú mang đậm chất dân gian cho thấy lối kiến trúc cuối thế kỷ XVII. Bộ di vật văn hoá lịch sử đình Hạ Thôn rất phong phú, đa dạng và mang giá trị nghệ thuật cao. Các hiện vật như bia đá, sắc phong là những cổ vật quý hiếm trong kho tàng di sản văn hoá Việt Nam. Hàng năm nhân dân vẫn thường tổ chức lễ hội vào ngày sinh, ngày hoá của thánh vào ngày 10 tháng 2 và ngày 10 tháng 11 âm lịch. Lệ chính dân làng bày lễ gồm cỗ chung, tế tam sinh, bánh chưng, bánh giày, ca xướng và các trò chơi thượng võ. Ngoài lễ hội riêng của làng còn có hội chung của đình trong xã gọi là Hội Tổng.
Đình Hạ Thôn đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1997.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01.