Ngăn chặn thanh, thiếu niên phạm tội
Tin tức - Ngày đăng : 20:41, 22/03/2021
Việc thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong nhà trường sẽ góp phần giúp các em học sinh có lối sống lành mạnh, không vi phạm pháp luật. Ảnh: Hương Mai
Hoạt động liều lĩnh, manh động
Khoảng 1h18 ngày 24-2-2021, tại ngã ba Đinh Công Tráng - Trần Hưng Đạo, do nhầm tưởng em H.T.M (sinh năm 2005) là đối thủ gây gổ trên mạng xã hội, 17 đối tượng đã dùng hung khí tấn công khiến H.T.M tử vong. Qua điều tra phá án, Công an quận Hoàn Kiếm đã làm rõ nhóm của Hoàng Thế Anh (sinh năm 2003) và Ngô Thành Luân (sinh năm 1997) cùng ở Hà Nội gây ra vụ án trên.
Một vụ án khác xảy ra tại cổng Trường Tiểu học Kim Liên (quận Hai Bà Trưng) cũng làm dấy lên nhiều mối lo. Đêm 5-2-2021, tại khu vực cổng Trường Tiểu học Kim Liên, em N.G.H (sinh năm 2005) bị một nhóm đối tượng tấn công gây thương tích nặng ở đầu và tay. Sau 10 ngày xảy ra sự việc, công an đã bắt giữ được 25 đối tượng liên quan, đa số 15-16 tuổi. Vụ việc là hồi chuông cảnh báo về tình trạng bạo lực trong giới trẻ.
Gần đây nhất, vụ việc sàm sỡ người nước ngoài ở khu vực Hồ Tây gây nhức nhối dư luận xã hội. Đại tá Nguyễn Bình, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, chiều 5-3, đơn vị phối hợp với Công an quận Tây Hồ đã làm rõ 3 đối tượng là thanh, thiếu niên gây ra vụ việc.
Những vụ việc gây mất trật tự liên quan đến các đối tượng trẻ tuổi trong thời gian gần đây cũng khiến nhiều người lo ngại. Chị Dương Thanh Huyền, phụ huynh học sinh Trường Trung học phổ thông Lý Thường Kiệt (quận Long Biên) kể, ngày 7-3, hàng chục học sinh đánh nhau ở khu vực Trường Trung học phổ thông Lý Thường Kiệt làm 3 học sinh phải nhập viện. Vụ việc khiến chị và nhiều phụ huynh khác đến giờ vẫn nơm nớp lo cho sự an toàn của các con khi đến trường…
Phân tích về tình trạng thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật, PGS.TS Nguyễn Thanh Hương, giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhận định, các thông tin tràn lan về bạo lực trên mạng xã hội là một trong những nguyên nhân khiến giới trẻ mất kiểm soát, coi những hành vi đó là để thể hiện bản thân. Điều này dẫn đến nhiều em có hành vi gây mất an ninh, an toàn cho xã hội. Bên cạnh đó, sự lơi lỏng quản lý con của các gia đình cũng làm gia tăng tình trạng tội phạm này.
Các ngành, gia đình cùng vào cuộc
Để ngăn ngừa tội phạm trong thanh, thiếu niên đòi hỏi phải có sự vào cuộc đồng bộ của toàn xã hội. Đại tá Nguyễn Bình cho biết, không có thống kê cụ thể, chính xác số vụ việc gây mất trật tự trong thời gian qua của các nhóm đối tượng trẻ tuổi nhưng những vụ việc gần đây liên quan đến nhóm đối tượng này thực sự đáng lưu tâm. Trong thời gian tới, cùng với tăng cường tuần tra kiểm soát, bảo đảm khép kín địa bàn, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an thành phố Hà Nội) sẽ tham mưu với Ban Giám đốc Công an thành phố chỉ đạo công an các quận, huyện, thị xã, các lực lượng chức năng triển khai nhiều biện pháp, kế hoạch đấu tranh, phòng ngừa hiệu quả loại tội phạm này.
Cụ thể hơn về giải pháp, Đại tá Võ Hồng Phương, Trưởng Công an quận Đống Đa cho biết, đơn vị sẽ tăng cường kết nối hệ thống camera của nhà dân với công an sở tại để thuận tiện cho việc điều tra, xử lý; đồng thời công bố rộng rãi các vụ việc để cảnh tỉnh, răn đe các đối tượng, nhất là với đối tượng trẻ tuổi, qua đó hạn chế những vụ việc gây mất an ninh trật tự của thanh thiếu niên.
Ở góc độ địa phương, Chủ tịch UBND xã Nam Triều (huyện Phú Xuyên) Phan Cao Lạc thông tin, chính quyền địa phương sẽ phối hợp tích cực với các đoàn thể chính trị - xã hội, doanh nghiệp hướng nghiệp cho thanh, thiếu niên để họ tránh xa lối sống ảo như “nọc độc” lan truyền trên mạng xã hội hiện nay.
Trong khi đó, theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình Lê Đức Thuận, các nhà trường sẽ phối hợp tích cực hơn nữa với gia đình trong việc giáo dục, định hướng nhân cách con em để các em chủ động tiếp xúc với những thông tin lành mạnh...
Còn Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Đức Tiến cho biết, các cấp bộ Đoàn đang triển khai nhiều mô hình phối hợp cùng gia đình, nhà trường, chính quyền địa phương tổ chức thực hiện như: “Khu dân cư không có tệ nạn xã hội” và câu lạc bộ, đội hình thanh niên giữ gìn an ninh trật tự khu dân cư… Thành đoàn Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp với các cấp, các ngành trong việc huy động thanh niên tham gia hoạt động vì cộng đồng, tránh các hoạt động gây mất trật tự xã hội.
Hy vọng, với sự vào cuộc đồng bộ, tình trạng gây mất an ninh trật tự, thậm chí có hành vi phạm tội trong giới trẻ nêu trên sẽ dần được ngăn chặn hiệu quả.