Thường trực Thành ủy làm việc với quận Long Biên
Sự kiện & Bình luận - Ngày đăng : 08:49, 10/02/2023
Cùng chủ trì buổi làm việc có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong.
Tham dự buổi làm việc có các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản; Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đỗ Anh Tuấn; lãnh đạo một số sở, ban, ngành Thành phố.
Quận đã cơ bản hoàn thiện hạ tầng khung, tạo động lực phát triển mạnh mẽ
Báo cáo tại cuộc làm việc, Bí thư Quận ủy Long Biên Đường Hoài Nam cho biết, quận Long Biên được thành lập theo Nghị định số 132/2003/NĐ-CP ngày 06/11/2003 của Chính phủ, chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/01/2004. Quận có diện tích 6.038ha, gồm 14 đơn vị hành chính. Hiện nay, dân số trên địa bàn Quận là 347.700 người (tăng 1,6 lần so với thời điểm thành lập); Đảng bộ quận có 49 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc với 16.483 đảng viên (tăng 2,15 lần so với thời điểm thành lập).
"Sau 19 năm xây dựng và phát triển, với tinh thần chủ động, đổi mới, phát huy dân chủ Đảng bộ Quận đã thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước; các chỉ thị, nghị quyết của Thành phố; phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực của địa phương; đoàn kết vượt qua khó khăn, thách thức, xây dựng quận Long Biên từng bước hướng tới đô thị, văn minh, hiện đại", Bí thư Quận ủy Long Biên Đường Hoài Nam nhấn mạnh.
Cụ thể, quận luôn duy trì tốc tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm ở mức cao (từ 15-21%/năm). Cơ cấu ngành kinh tế có sự chuyển dịch đúng định hướng, đến hết năm 2022, tỷ trọng ngành thương mại, dịch vụ chiếm 73,4%, trong đó ưu tiên phát triển những ngành, lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh như: Trung tâm thương mại lớn, dịch vụ Logistic, dịch vụ giáo dục, y tế chất lượng cao, tài chính ngân hàng, vui chơi giải trí, du lịch, ẩm thực và lưu trú, kinh doanh ô tô... Lĩnh vực Công nghiệp - Xây dựng chiếm tỷ trọng 26,5%. Sản xuất nông nghiệp giảm còn 0,1%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 là 86,9 triệu/người/năm, dự kiến năm 2025 sẽ là 107 triệu/người/năm.
Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn quận hàng năm đều đạt và vượt so với kế hoạch giao, tạo nguồn lực quan trọng đầu tư phát triển trên địa bàn. Các thành phần kinh tế phát triển mạnh, số doanh nghiệp trên địa bàn tăng nhanh, với 10.152 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng gấp 15,7 lần so năm 2004 (647 doanh nghiệp) và trên 11.000 hộ kinh doanh cá thể.
Đáng chú ý, sau 19 năm thành lập, đến nay, Long Biên đã cơ bản hoàn thiện hệ thống hạ tầng khung, với 100% đường giao thông trên địa bàn được đầu tư, cải tạo, nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường đô thị. Quận đã triển khai 64 dự án từ quỹ đầu tư phát triển Thành phố với tổng kinh phí 6.850 tỷ đồng; 928 dự án từ nguồn ngân sách quận với tổng kinh phí 8.820 tỷ đồng... thông qua đó đã khớp nối hạ tầng khu vực với các quận, huyện bạn, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.
Lĩnh vực giáo dục, văn hóa - xã hội được quận quan tâm triển khai sâu rộng, hiệu quả, gắn với nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Năm 2004, toàn quận có 49 trường công lập, đến năm 2022, có 86 trường công lập, 40 trường ngoài công lập, 106 nhóm lớp mẫu giáo tư thục, 4 trường chất lượng cao công lập; tỷ lệ trường đạt chuẩn Quốc gia đạt 86%. Anh sinh xã hội được cả hệ thống chính trị quận chăm lo, đảm bảo. Đến nay, quận không còn hộ nghèo (tỷ lệ hộ nghèo năm 2004 là 3,75%).
Công tác cải cách hành chính, ứng dụng CNTT, chuyển đổi số của Long Biên là điểm sáng của Thành phố. Từ năm 2016, quận đã chủ động xây dựng, triển khai các đề án ứng dụng CNTT trong quản lý, chỉ đạo, điều hành. Theo đó, 100% văn bản phục vụ công tác điều hành (trừ văn bản mật) đều được số hóa, xử lý trên phần mềm; triển khai nhiều mô hình cải cách hành chính, ứng dụng CNTT tại quận và các đơn vị, như cơ quan điện tử, trường học điện tử, mô hình hoạt động bộ phận một cửa thân thiện gần dân, mô hình đổi mới nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư... Nhờ đó, quận luôn duy trì chỉ số cải cách hành chính, chỉ số đánh giá sự hài lòng của người dân trong nhóm các đơn vị dẫn đầu Thành phố.
Cùng với đó, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được quận quan tâm chỉ đạo sát sao, gắn với thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị. Việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, chuyên đề theo kế hoạch, chương trình công tác được đảm bảo, nhất là trong công tác quy hoạch cán bộ. Quận cũng chủ động nghiên cứu, xây dựng nhiều mô hình mới, cách làm sáng tạo, đem lại hiệu quả thực tế như: Lấy ý kiến góp ý việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức gắn với trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu các phường trên địa bàn quận; khảo sát, đánh giá vai trò của Đảng ủy phường trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch... Công tác Kiểm tra, giám sát tập trung vào những vẫn đề khó, những vấn đề được nhân dân và dư luận quan tâm. Năm 2022, Quận ủy đã tiến hành 18 cuộc kiểm tra đối với 18 tổ chức Đảng (đạt 129%) và 5 đảng viên.
Cụ thể hoá Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng và Quy hoạch phân khu đô thị sông Đuống
Tại buổi làm việc, lãnh đạo quận Long Biên đã nêu nhiều kiến nghị với Thành phố trong lĩnh vực xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và phát triển kinh tế - xã hội. Đáng chú ý, quận kiến nghị Trung ương, Thành phố chỉ đạo di dời 14 cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm và không phù hợp quy hoạch. Đồng thời, tháo gỡ khó khăn trong việc triển khai các dự án phục vụ phát triển thương mại, dịch vụ trên địa bàn quận như: Dự án Công viên công nghệ Thông tin Hà Nội; Trung tâm Logistics Hateco - Cảng cạn ICD Long Biên; Công viên Chuyên đề tại ô Quy hoạch C.6/CXTP; Điều chỉnh bất cập Quy hoạch phân khu đô thị N10; Cụ thể hoá Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5000 và Quy hoạch phân khu đô thị sông Đuống (R6), tỷ lệ 1/5000…
Quận cũng kiến nghị Thành phố giao cho quận lập Đề án quản lý 883 ha đất nông nghiệp khu vực ngoài đê (gồm 751,22ha đất nông nghiệp giao cho các hộ dân; 32,6ha đất công ích; 74,2ha đất nông nghiệp khác; 25,07 ha đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản) và 341,2 ha đất chưa sử dụng (bãi bồi ven sông Hồng, sông Đuống).
Ngoài ra, quận cũng kiến nghị Thành phố đẩy nhanh tiến độ đầu tư một số dự án được triển khai trên địa bàn quận, gồm: Dự án Cầu Trần Hưng Đạo; Dự án Cầu Giang Biên; Đầu tư Nhà máy xử lý nước thải tập trung An Lạc (công suất 29.600 m3/ngđ) và Nhà máy xử lý nước thải tập trung Phúc Đồng (công suất 31.500 m3/ngđ) nhằm giải quyết ô nhiễm môi trường sông Cầu Bây đang gây ảnh hưởng nặng nề đến nguồn nước tưới tiêu của hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải; Dự án đầu tư nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống; Nút giao thông đường Cổ Linh - Cầu Vĩnh Tuy...