Ban Chỉ đạo Chương trình 06 triển khai nhiệm vụ công tác năm 2023
Chuyển động Hà Nội - Ngày đăng : 09:01, 09/02/2023
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 06 chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 06 Nguyễn Doãn Toản cùng các thành viên Ban Chỉ đạo.
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, trong năm 2022, việc triển khai Chương trình 06 đã được tập trung chỉ đạo thực hiện đảm bảo linh hoạt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm; lĩnh vực văn hóa, giáo dục, du lịch đang trên đà khởi sắc. Thành phố Hà Nội với vai trò là nơi đăng cai phần lớn các môn thi đấu và đăng cai lễ khai mạc và bế mạc Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games 31). Đây là sự kiện lớn nhất, quy mô nhất của cả khu vực Đông Nam Á trong suốt 3 năm đại dịch Covid-19, đánh dấu sự khởi đầu mở cửa của khu vực. Ban Chỉ đạo Chương trình 06 đã tham mưu Thành ủy ban hành Nghị quyết 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045”.
Các hoạt động của đoàn thể có nhiều hoạt động tích cực, nhất là việc cụ thể hóa Chương trình 06 bằng các dự án (từ 21 dự án đã cụ thể hóa thành 28 dự án thành phần). Ban chỉ đạo Chương trình đã tham mưu ban hành xác định nhu cầu, đề xuất danh mục đầu tư công giai đoạn 2022-2025, nhất là lĩnh vực giáo dục, văn hóa và y tế, tập trung vào kế hoạch đầu tư xây dựng, tu bổ trường công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và nâng cấp, tu bổ di tích trên địa bàn giai đoạn 2022-2025.
Nhờ đó, trong năm 2022, đã có 9 chỉ tiêu hoàn thành vượt kế hoạch năm, gồm: Tỷ lệ Tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu Tổ dân phố văn hóa đạt 72%, vượt 0,1% so với kế hoạch năm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 72,23%, vượt 0,03% chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 52,5%, vượt 0,3 so với kế hoạch năm và 2,3% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 18,7 triệu lượt khách, tăng gấp 4,7 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 1,5 triệu lượt khách; khách du lịch nội địa ước đạt 17,2 triệu lượt khách, tăng 4,3 lần so với năm 2021. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt trên 60 nghìn tỷ đồng, tăng 5,3 lần so với năm 2021....
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị đã trao đổi, thảo luận làm rõ những kết quả đạt được, những khó khăn thách thức khi thực hiện Chương trình 06 của Thành ủy năm 2022 vừa qua.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đánh giá cao sự vào cuộc của các đơn vị, sở, ngành liên quan của Thành phố trong năm qua để đạt được những kết quả nổi bật trong Chương trình 06. Những kết quả toàn diện này góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo sự đồng thuận xã hội và sự lạc quan trong người dân, đặc biệt trong bối cảnh sau nhiều năm chịu tác động của đại dịch Covid-19. Trong đó, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, du lịch, thể thao… được khôi phục đã thu hút sự quan tâm của dư luận trong nước cũng như khu vực. Nhiều địa phương đã có cách làm hay, hướng đi mới trong phát triển văn hóa, du lịch… để thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Chỉ ra những tồn tại hạn chế, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong bày tỏ sự nhất trí với 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm mà trong báo cáo đã nêu. Đồng chí Nguyễn Văn Phong đề nghị các đơn vị liên quan chú trọng phối hợp triển khai công tác lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong năm 2023, sẽ sơ kết giữa nhiệm kỳ 10 Chương trình công tác lớn của Thành ủy, đồng chí Nguyễn Văn Phong yêu cầu các thành viên trong Ban Chỉ đạo chú trọng đến các giải pháp, kiến nghị cụ thể để việc triển khai thực hiện Chương trình 06 đạt kết quả tốt nhất. Trong đó, đồng chí Nguyễn Văn Phong yêu cầu chú trọng việc tham mưu Thành ủy xây dựng các thiết chế văn hóa với tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của Chương trình 06 nhằm tạo sự chuyển biến tích cực, có chiều sâu trong nhận thức của người dân đối với vấn đề văn hóa. Đối với các sở, ngành liên quan cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Chương trình 06 của các địa phương; khuyến khích các mô hình làm hay trong lĩnh vực văn hóa - du lịch để tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương cần chủ động hơn nữa trong việc xây dựng và bố trí nguồn lực cho phát triển văn hóa theo hướng tự chủ; có các cơ chế, chính sách hỗ trợ các nghệ sĩ, nghệ nhân, các đơn vị sự nghiệp trong việc duy trì và quảng bá văn hóa. Đồng thời, các địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trong Chương trình 06; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng số hóa trong phát triển du lịch. Đối với Sở Giáo dục và Đào tạo cần sớm có đề án, kế hoạch cụ thể nhằm nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông của Thủ đô; chú trọng công tác quản trị trường học, vấn đề đào tạo, bồi dưỡng giáo viên.
Đồng chí Nguyễn Văn Phong cũng yêu cầu các đơn vị liên quan của Thành phố chú trọng đến tính kế hoạch trong các sự kiện văn hóa, du lịch, thể thao… có tính thường niên lâu dài. Trong đó, các sở, ngành tăng cường giao cho các đơn vị sự nghiệp của Thành phố có năng lực tổ chức; đẩy mạnh việc xã hội hóa trong tổ chức các sự kiện này. Đối với các tuyến phố đi bộ, cần chú trọng đến tính đặc trưng của từng địa phương, trong đó, có sự điều tiết của Thành phố để tháo gỡ khó khăn hiện nay, để phát triển hiệu quả.