Đình Hà Hương
Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 21:00, 08/02/2023
Đình thờ hai vị thành hoàng có công thời vua Hùng Vương thứ 6 là Thiên Uy đại vương và Minh Uy đại vương. Thần tích kể rằng hai ông đã Minh nghị triều chính, lại có tài cầm binh đánh giặc Xích Tị (giặc mũi đỏ) được vua ban Tiết chế đại tướng quân và Tham tán mưu sự đại tướng quân. Đặc biệt, hai ông đã lập được công lớn trong cuộc trị nước, được vua phong làm Tổng binh quốc sư đại tướng quân. Hai ông cùng có công lao trong việc cùng Thánh Gióng đánh đuổi giặc Ân. Dẹp xong giặc, cũng như Thánh Gióng, hai ông không về triều nhận thưởng mà cùng nhau lên núi về trời, để thương nhớ cho nhân dân Hà Hương. Vua Hùng rất cảm động, nhớ tiếc hai người tôi hiền có công với nước, với dân, bèn cho tiền sửa sang lại cung hội đồng (đình) ở thôn Hà Hương do hai ông đã xây dựng từ trước, để thờ phụng. Nhà vua còn cấp ruộng làm hương hoả và phong cho hai ông là Thượng đẳng phúc thần, ghi công ơn mãi mãi và truy phong cho: anh là Thiên Uy đại vương; em là Minh Uy đại vương. Về sau, nhà Lê cho làm cầu (giá ngự), ban cờ “lệ triều quốc tể” và Bộ Lễ thay mặt nhà vua hành lễ hàng năm.
Theo thần tích, đình dựng từ thời vua Hùng thứ 6. Căn cứ vào bố cục kết cấu kiến trúc và nghệ thuật trang trí, có thể nói đình được dựng từ rất sớm, trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa. Ngôi đình hiện nay còn giữ được phong cách thời Hậu Lê, thế kỷ XVIII. Vào những năm đầu triều Nguyễn thế kỷ XIX đã tu sửa lại toà Đại bái, dựng thêm toà Tiền tế ở phía trước đình. Đình được bố cục trên mặt bằng kiểu chữ “công”, hướng đình quay về phía tây nam, gồm có toà Đại đình và Hậu cung; Tiền tế đã bị phá thời kháng chiến chống Pháp.
Toà Đại đình 5 gian, 2 chái, kết cấu 6 hàng chân cột. Mái đình có 4 góc đao cân đối, hệ thống cửa bức bàn chắc khoẻ.
Hậu cung có 3 gian với 4 bộ vì làm song song với toà Đại đình, nối với Đại đình bằng nhà Ống muống, các vì cấu trúc kiểu “Chồng rường”. Xung quanh gian giữa có ván che 3 mặt thành khám thờ. Trần có màn giếng (ván trần) trang trí hoa văn đẹp. Ván hậu hình tứ linh, hai bên cạnh vẽ hình quan văn, quan võ đứng chầu. Đình còn giữ được nhiều hiện vật quý bằng gỗ, giấy, vải, gốm, sứ, kim loại, đặc biệt là các đạo sắc phong từ năm 1629 đến 1925; các hương án, hoành phi câu đối, long ngai, bài vị.
Đình đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1989.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01