Hà Nội: Mở cống đưa nước sông Đà vào sông Tích
Chuyển động Hà Nội - Ngày đăng : 13:47, 04/02/2023
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã động viên cán bộ, công nhân làm việc tại công trường; đồng thời đã nhấn nút mở cống đầu mối Lương Phú, chính thức thông dòng, đưa nước sông Đà vào sông Tích.
Báo cáo về tiến độ thực hiện dự án trên, Giám đốc Ban Quản lý và Duy tu các công trình nông nghiệp, nông thôn Đinh Công Sơn (đơn vị được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội giao làm đại diện chủ đầu tư dự án) cho biết, cụm công trình đầu mối đã hoàn thành các hạng mục: Cống đầu mối, kênh dẫn thượng lưu và hạ lưu; kè bảo vệ. Trong đợt 1 lấy nước gieo cấy vụ xuân, đơn vị đã mở cống đầu mối Lương Phú đưa nước từ sông Đà vào sông Tích.
Về hạng mục lòng dẫn, nhà thầu đã cơ bản hoàn thành 18km lòng dẫn đầu tuyến, 6,1/9,6km đoạn còn lại thuộc địa bàn các xã: Vật Lại, Tiên Phong, Cam Thượng, thị trấn Tây Đằng (huyện Ba Vì) và xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây). Đối với các công trình trên sông, nhà thầu đã hoàn thành 6/17 cầu giao thông, 28/64 cống tiêu, 4/8 trạm bơm, phai phòng lũ, cống điều tiết Đầm Long; đắp được 18/27,6km bờ phải, 13,5/27,6km bờ trái... Hiện nhà thầu đang tập trung thi công 4 cầu giao thông, 5 cống thủy lợi... Chủ đầu tư phấn đấu đến tháng 6 tới đây sẽ hoàn thành toàn bộ phần thủy lợi và các hạng mục công trình chính; đến ngày 31/12 sẽ hoàn thành toàn bộ giai đoạn 1 dự án để bàn giao đưa vào sử dụng...
Về công tác lấy nước gieo cấy vụ xuân 2023, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Quyến cho biết, tính đến 7h ngày 3/2, các tổ chức thủy lợi thành phố đã lấy đủ nước cho khoảng 60% diện tích gieo cấy lúa xuân 2023. Dự kiến kết thúc đợt 2 lấy nước, các tổ chức thủy lợi thành phố sẽ cấp đủ nước gieo cấy cho 85% diện tích. Trong 15% diện tích còn lại (tương ứng 12.000ha) chưa được cấp nước, các doanh nghiệp thủy lợi thành phố sẽ cấp đủ cho 10.500ha (thuộc địa bàn các huyện: Mê Linh, Sóc Sơn, Gia Lâm, Thanh Trì) mà không phụ thuộc nguồn điều tiết của hồ thủy điện; 1.500ha còn lại thuộc địa bàn các huyện: Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai sẽ gặp khó khăn về nguồn nước gieo cấy và tưới dưỡng. Nguyên nhân là do mực nước sông Đà ở mức thấp, không đủ điều kiện vận hành Trạm bơm Trung Hà (huyện Ba Vì) trong đợt 1 lấy nước và từ đầu đợt 2 đến nay. Trạm bơm dã chiến Phù Sa chỉ vận hành được trong các đợt điều tiết nước hồ thủy điện…
Để cấp đủ nước gieo cấy và tưới dưỡng lúa xuân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đề nghị UBND TP cho lắp đặt khẩn cấp Trạm bơm dã chiến Trung Hà. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, chỉ đạo kéo dài thời gian lấy nước của đợt 2 thêm 3 ngày...
Kết luận buổi kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền biểu dương nỗ lực của các đơn vị, địa phương trong thực hiện dự án Tiếp nước, cải tạo, khôi phục sông Tích. Để hoàn thành dự án đúng tiến độ Thành phố chỉ đạo, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị huyện Ba Vì trong ngày 5/2 phải hoàn thành công tác bàn giao 1,24ha còn lại; thị xã Sơn Tây trong tháng 2 phải bàn giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư. Tiếp nhận mặt bằng, chủ đầu tư phải tập trung đôn đốc nhà thầu huy động tối đa nhân lực, phương tiện, vật tư thi công công trình…
Về công tác lấy nước, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu ngành Nông nghiệp phải tập trung triển khai các giải pháp bảo đảm 100% diện tích được cấp đủ nước gieo cấy trong khung thời vụ và tưới dưỡng. Trước mắt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải tập trung chỉ đạo khai thác tối đa nguồn nước điều tiết hồ thủy điện trong những ngày còn lại của đợt 2 lấy nước; rà soát chính xác về diện tích gieo cấy có thể thiếu nước, ở địa phương nào, sớm tham mưu UBND TP đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét điều chỉnh.
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền chỉ đạo: “Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phải chủ động và có tầm nhìn dài hơn trong đề xuất giải pháp thích ứng thiếu hụt nguồn nước, nhất là cải tạo, nâng cấp, xây dựng công trình lấy nước…”.