Đình Giẽ Hạ
Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 16:15, 03/02/2023
Đình thờ Thượng đẳng thần Quảng Bác Uyên Dung đại vương. Theo sự tích, thần là con của Vua Hùng thứ 8 là Huy Vương và Tiên Dung Châu là cung phi chính nhất. Tiên phi sinh được năm người con trai. Sinh thời, năm người đều lập được nhiều chiến công dẹp giặc đem lại bình yên cho đất Văn Lang, được triều đình biểu dương và phong là Lạc hầu, Lạc tướng. Khi các ngài hoá, các triều đại ghi nhớ công lao, cấp sắc mỹ tự, tôn phong Thượng đẳng thần. Nhân dân ở nhiều nơi của tổng Thịnh Đức: thôn Thượng, thôn Hạ, thôn Thần, thôn Cầu, thôn Bùng đều lập đình, miếu thờ phụng ngài.
Đình Giẽ Hạ là công trình kiến trúc nghệ thuật có quy mô tương đối lớn. Tương truyền, khi hưng công xây dựng đình, vào thời Lê Chính Hoà thứ 7 (1686), cụ Đặng Đình Tướng là người Thượng Đức Hạ làm quan vùng Thanh Nghệ đã sai người em là Vân trung hầu Đặng Đình Bác đi kén mua gỗ để cúng tiến xây dựng cho làng. Sau đó, nhân dân đã đứng ra xây dựng ngôi đình 5 gian mà hiện tồn đến nay. Nhìn chính diện, ngôi đình có dáng lùn, phần mái nổi bật với 4 đao cong vút - đặc trưng đình làng thời Lê. Bên trong các bộ kết cấu theo kiểu: “Thượng chồng rường, hạ chồng rường cốn, bảy hiên”. Các mảng chạm chủ yếu trên thân các con rường vì nách, đề tài long hý thuỷ, lưỡng long chầu nguyệt, mẫu tử long,... chồng khít lên nhau thành bức cốn sinh động. Đặc biệt ở một số vị trí trên các cấu kiện kiến trúc còn có các khối tượng tròn hình người như dũng sĩ cưỡi voi, tiên cưỡi rồng... Đây là các tác phẩm nghệ thuật có giá trị tiêu biểu của nghệ thuật chạm khắc thời Lê.
Đình Giẽ Hạ đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1994.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01