Tổng kết 15 năm xây dựng, phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới
Góc nhìn - Ngày đăng : 15:53, 26/01/2023
Theo đó, kế hoạch nêu rõ, các cơ quan, địa phương, đơn vị tổ chức đánh giá kết quả 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TƯ; kết quả triển khai thực hiện Chương trình hành động số 04-CTr/TU ngày 31/10/2008 của Thành ủy Hà Nội về “Thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TƯ của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” gắn với việc triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản chỉ đạo của Đảng về lĩnh vực văn học, nghệ thuật.
Một số nội dung được tập trung: Quá trình quán triệt, tuyên truyền và tổ chức thực hiện nghị quyết; thành tựu đạt được (đánh giá toàn diện những kết quả đạt được trên tất cả lĩnh vực; kết quả khắc phục những hạn chế, bất cập đã được chỉ ra trong Báo cáo số 288-BC/TU ngày 27/4/2018 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TƯ; những hạn chế, yếu kém (đánh giá đúng thực chất, chỉ rõ những hạn chế, yếu kém trong quá trình triển khai thực hiện nghị quyết); nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp; kiến nghị, đề xuất nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, xử lý những vấn đề bức xúc, nhạy cảm trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật.
Về cách thức tổng kết, các quận, huyện, thị ủy, Đảng đoàn Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội tổ chức hội nghị tổng kết nghị quyết bảo đảm hiệu quả, thiết thực.
Bên cạnh đó, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội chủ trì phối hợp với Ban Cán sự đảng UBND thành phố, Sở Văn hóa và Thể thao, Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội và các đơn vị liên quan xây dựng dự thảo báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TƯ trình Ban Thường vụ Thành ủy.
Trong tháng 2, Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo thành phố sẽ tổ chức kiểm tra, khảo sát 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TƯ; trong tháng 4, sẽ tổ chức hội nghị tổng kết Nghị quyết số 23-NQ/TƯ cấp thành phố.
Thông qua việc tổng kết nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức và nhân dân Thủ đô về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn học, nghệ thuật; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về hành động của cán bộ, đảng viên, đội ngũ văn nghệ sĩ và các tầng lớp nhân dân trong việc xây dựng, phát triển nền văn học, nghệ thuật của Thủ đô để qua đó xây dựng con người Thủ đô phát triển toàn diện trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.