“Hoa nhài” - bộ phim điện ảnh cuối cùng của Nghệ sĩ nhân dân Đặng Nhật Minh

Thế giới điện ảnh - Ngày đăng : 17:06, 21/01/2023

“Hoa nhài” là bộ phim điện ảnh cuối cùng của Nghệ sĩ nhân dân Đặng Nhật Minh, thông tin khiến cho không ít người yêu điện ảnh hụt hẫng, dẫu khi hoàn thiện phim này ông đã ở tuổi 84.
dang-nhat-minh.jpg
Nghệ sĩ nhân dân Đặng Nhật Minh (hàng trên, thứ hai bên phải) tại buổi công chiếu phim Hoa nhài.

Vị đạo diễn mãn nguyện khi những lát cắt dung dị về Hà Nội mà ông trải nghiệm hơn 60 năm gắn bó, được đến với khán giả trong sự ấm áp, yêu mến tại Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VI. Và ông xứng đáng nhận giải thưởng của UBND thành phố Hà Nội với bộ phim có nội dung đóng góp cho sự xây dựng và phát triển thành phố.

Phòng chiếu phim lớn nhất của Trung tâm Chiếu phim quốc gia đã không còn một chỗ trống, thậm chí nhiều người đã chấp nhận ngồi ở lối đi để thưởng thức bộ phim cuối cùng của “cây đại thụ” điện ảnh cách mạng Việt Nam Đặng Nhật Minh, tại buổi công chiếu mở màn Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ VI vào tháng 11/2022.

Bên cạnh đó, Ban tổ chức còn mở thêm một phòng chiếu phim song song với hơn 200 chỗ để đáp ứng nhu cầu của người yêu điện ảnh. “Hoa nhài” là tác phẩm duy nhất của Việt Nam dự thi ở hạng mục phim dài tại sự kiện điện ảnh quốc tế mang tên Hà Nội lần này và cũng là phim được chọn chiếu mở màn.

Nghệ sĩ nhân dân Đặng Nhật Minh viết truyện “Hoa nhài”, rồi chuyển thành kịch bản và làm phim. Được biết, cảm hứng từ nếp sống thanh lịch của người Hà Nội “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Bối cảnh bộ phim là Hà Nội những năm 2000, khá xa đời sống rộn rạo hôm nay, nên màu phim được làm trầm nét hoài cổ. Phim là lát cắt sinh động về những mảnh đời gần gũi, quen thuộc trong lòng Thủ đô. Đó là một cậu bé đánh giày sớm phải vào đời kiếm tiền trợ giúp gia đình; là đôi vợ chồng già người làm nghề cắt tóc, người bán trà đá; là ông giáo già dạy hát cho dàn đồng ca học sinh khiếm thị; hay chị nông dân lên Hà Nội làm nghề chăm sóc người bệnh…

Trong phim, những mảnh đời được đưa vào như không hề dàn dựng, đan cài vào nhau tạo nên bức tranh đa sắc về cuộc sống của người Hà Nội thuộc tầng lớp bình dân trước biến động của Thủ đô đang trong quá trình vươn lên. Có những xung đột, mâu thuẫn, rạn nứt song vẫn đầy ắp lòng nhân ái, tình yêu thương, cảm thông, chia sẻ. Bên cạnh đó, những đặc trưng của Hà Nội cũng được khéo léo đưa vào phim để người xem phải thương nhớ. Đó là một góc Hồ Gươm lao xao gió, một quán cà phê trong lòng phố cổ, một tiệm cắt tóc ở cuối phố, quán trà chén vỉa hè nơi mọi người đọc báo bàn chuyện thời sự, là ngõ nhỏ, trên con phố nhỏ loang loáng nắng…

Qua bộ phim, người xem có thể cảm nhận được niềm tin sâu đậm của đạo diễn Đặng Nhật Minh vào cốt cách, tinh thần Hà Nội. Đó là sự tử tế, nhân văn giữa người với người, như hương hoa nhài tinh tế, bền bỉ, không bao giờ phai nhạt. Chính vì thế, phim về những năm tháng cũ, nhưng thông điệp về sự hàn gắn vẫn mới nguyên, nhất là với những người Hà Nội vừa bước qua biến cố của đại dịch Covid-19…

Lựa chọn “Hoa nhài” cho vị trí đặc biệt tại kỳ liên hoan phải 4 năm mới trở lại vì ảnh hưởng đại dịch, Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Trưởng ban Tổ chức Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ VI Vi Kiến Thành nhận định: “Được đạo diễn bởi bậc thầy điện ảnh - Nghệ sĩ nhân dân Đặng Nhật Minh, bộ phim là những lát cắt về cuộc sống, con người Hà Nội. Với ngôn ngữ điện ảnh dung dị, tinh tế, nhuần nhị, phim đã ngân lên tiếng ca sâu thẳm của tâm hồn người Hà Nội…”.

Phương Anh