Thăng Long - Hà Nội, mạch nguồn cảm xúc

Hà Nội xưa - nay - Ngày đăng : 08:09, 28/01/2023

Nhà Lý coi đạo Phật là Quốc giáo nên không ít những nhà sư giỏi giang được mời về làm tham mưu, giúp rập cung đình như Nguyễn Minh Không, Từ Đạo Hạnh, Đào Cam Mộc…
untitled-9.jpg

Cũng giống như sự hình thành và phát triển Thủ đô của nhiều quốc gia khác trên thế giới: thành phố phát triển đến đâu thì thu hút nhân tài vật lực tụ về cho phù hợp với tầm mức ấy, ngay từ thuở vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long cho đến những triều vua sau này, ngoài những tài năng trong hoàng tộc như Lý Thường Kiệt, Lý Đạo Thành... khá nhiều hiền tài khắp nước tụ về, được vua trao những vị trí rường cột của triều đình, như Lê Phụng Hiểu, Tô Hiến Thành, Nguyên phi Ỷ Lan... Nhà Lý coi đạo Phật là Quốc giáo nên không ít những nhà sư giỏi giang được mời về làm tham mưu, giúp rập cung đình như Nguyễn Minh Không, Từ Đạo Hạnh, Đào Cam Mộc… Những thế kỷ sau, nền kỹ nghệ hình thành, có sức hấp dẫn mời gọi nhiều tài năng khắp nơi tụ về trong đó có các nghề truyền thống như nghề gốm, kim hoàn, chạm khắc gỗ, đúc đồng, nghề thêu, nghề rèn, nghề tiện…

Hội tụ về Thủ đô thường phải là những người thợ, nhóm thợ giỏi giang, có như thế họ mới cạnh tranh được với những người thợ, nhóm thợ khác chốn kinh kỳ, sản phẩm của họ mới lọt được vào cặp mắt tinh đời của người kinh kỳ. Những sản phẩm họ làm ra có chất lượng tốt hơn, đẹp hơn hẳn những sản phẩm nơi bản quán mà trước đây họ từng sản xuất. Sau này Hà Nội bắt đầu phát triển khoa học kỹ thuật, thu hút rất nhiều nhân tài tụ về kinh đô lập nghiệp như Tôn Thất Tùng, Lương Đình Của, Phan Đình Diệu…

Những nhân tài thuộc lĩnh vực khoa học xã hội - nhân văn cũng hội tụ về Thủ đô theo cách ấy. Thời xưa, những nhân tài trên lĩnh vực này bắt đầu bằng lối học hành cử nghiệp, khoa bảng. Hà Nội có nhiều những ngôi làng khoa bảng như làng Đông Ngạc - Từ Liêm, nơi sinh ra một dòng họ Phan có nhiều người đỗ đạt mà tiêu biểu như nhà sử học Phan Phu Tiên; họ Hoàng mà tiêu biểu như ông Hoàng Minh Giám… Làng Thịnh Liệt - Thanh Trì có họ Bùi nổi tiếng với những tên tuổi tiêu biểu như Bùi Xương Trạch, Bùi Huy Bích… Làng Tó - Tả Thanh Oai có dòng họ Ngô Thì, tiêu biểu như Ngô Thì Sỹ, Ngô Thì Nhậm, Ngô Thì Chí… Họ tạo ra hẳn một “Ngô gia văn phái” viết nên tác phẩm “Hoàng Lê nhất thống chí” vừa có giá trị lịch sử vừa có giá trị văn học. Làng Phú Thị - Gia Lâm có họ Cao mà tiêu biểu là nhà thơ lớn Cao Bá Quát. Làng này còn có họ Nguyễn với những nhân vật lịch sử Nguyễn Huy Cận, Nguyễn Huy Lượng… Làng Mọc - Nhân Mục có Đặng Trần Côn, tác giả “Chinh phụ ngâm”. Xã Mai Lâm - Đông Anh là quê hương của viên quan văn nổi tiếng Nguyễn Tư Giản, của hai nhà văn Ngô Tất Tố và Nguyễn Triệu Luật. Hà Nội còn là nơi sinh của các nhà văn, nhà văn hóa: Chu Văn An, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Văn Siêu, Bà Huyện Thanh Quan, Hoàng Đạo Thúy, Trúc Khê, Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Lạp, Tô Hoài…

Cũng không ít người không sinh ra ở Hà Nội, nhưng họ lập nghiệp ở Hà Nội, được cái linh khí “ngàn năm văn hiến” dung dưỡng mà trở thành những nhân tài sáng tạo ra những tác phẩm văn chương đậm đà phong vị Thăng Long - Hà Nội như Đoàn Thị Điểm với bản dịch “Chinh phụ ngâm”, Hải Thượng Lãn Ông với “Thượng Kinh ký sự”, Phạm Đình Hổ với “Vũ Trung tùy bút”, Thạch Lam với “Hà Nội ba mươi sáu phố phường”, Chu Thiên với “Bóng nước hồ Gươm”… Hà Nội cũng là nơi chắp cánh cho những tài năng của các họa sĩ Nguyễn Phan Chánh, Trần Văn Cẩn, Lương Xuân Nhị, Nguyễn Tiến Chung, Trần Đình Thọ, Bùi Xuân Phái bên cạnh những họa sĩ gốc Hà Nội như Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đỗ Cung, rồi cả các nghệ sĩ nhiếp ảnh tài hoa như Nguyễn Bá Khoản, Nguyễn An Ninh…

Nhạc sĩ Văn Cao quê gốc Nam Định, sinh ra và lớn lên ở Hải Phòng, chỉ khi về Hà Nội ông mới sáng tác hàng loạt ca khúc và trường ca nổi tiếng, đăc biệt là tác phẩm “Tiến quân ca” được chọn làm Quốc ca. Nguyễn Đình Thi không sinh ở Hà Nội, nhưng khi về Hà Nội ông đã cho ra đời ca khúc “Người Hà Nội” đặc sắc phong vị Hà Nội. Hồi tôi học năm cuối Khoa Viết văn (Trường Viết văn Nguyễn Du) Đại học Văn hóa Hà Nội, nhà trường mời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đến giảng một số tiết ngoại khóa về âm nhạc cho lớp tôi. Lần đầu Trịnh Công Sơn ra Bắc, Hội Nhạc sĩ phải cử nhạc sĩ Tân Huyền và Trần Long Ẩn đi cùng ông. Ấy thế mà trong vài ngày đi thăm Văn Miếu, phố cổ, hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm, nhạc sĩ họ Trịnh đã sáng tác bài “Nhớ mùa thu Hà Nội”, một trong những bài hát hay nhất viết về Hà Nội: “Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ, nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu…”. Lời ca cất lên, người nghe như được hòa mình trong phong vị rất riêng của Hà Nội.

Tôi có một anh bạn cùng quê Nam Định, thời trẻ anh vào bộ đội đi chiến trường chống Mỹ, sau trở thành nhà thơ, chọn Thành phố Hồ Chí Minh làm nơi định cư. Anh chỉ ghé qua Hà Nội trong những lần ra họp hành hoặc về thăm quê. Nhưng lần nào ra Hà Nội dường như anh cũng sáng tác được thơ về thành phố này, rặt những câu mà nếu anh không yêu Hà Nội đến đắm đuối thì không thể viết được: “Xưa cởi hết trăng vàng đêm Trúc Bạch/ Yếm Cổ Ngư còn khoác áo mưa phùn”… “Sao Hồ Gươm biết tôi chia xa?/ Mà run cho mọi bóng cây nhòa/ mà im im hết nghìn tăm cá/ Mà thở chiều lên khắp cỏ hoa?”… “Tôi muốn mang hồ đi trú đông/ Mà không khiêng vác được sông Hồng/ Mà không gói nổi heo may rét/ Đành để hồ cho gió bấc trông”… “Đêm tôi học sử trong nhà/ Nghe sóng sông Hồng như tay lật sách”…

Còn rất nhiều văn nghệ sĩ nữa, tuy họ không sống ở Hà Nội, nhưng trong rất nhiều áng văn, giai điệu nhạc, nét họa của họ vẫn ẩn hiện, lấp lánh tâm hồn người Hà Nội.

Nhà văn Lê Hoài Nam