Từ Hà Nội để dốc lòng cho Hà Nội
Sân khấu - Ngày đăng : 08:04, 26/01/2023
Hà Nội mở lối ước mơ
Là người con quê lúa Thái Bình (thôn Cao Sơn, xã Thái Hòa, huyện Thái Thụy), cũng như bạn bè cùng trang lứa, cậu bé Quốc Chiêm được lớn lên trong những câu hát ru, những làn điệu chèo ngọt ngào của mẹ, của làng quê yêu thương. Và, mạch nguồn ấy cứ âm thầm ngấm vào tâm hồn rồi dưỡng nuôi ước mơ bay bổng của Quốc Chiêm - cậu bé không những là trò giỏi, con ngoan mà còn là một cây văn nghệ của trường, của đội chèo thôn Cao Sơn.
Năm học lớp 6, nghe tin Đoàn chèo Thái Bình về xã tuyển văn công, cậu bé nơi thôn quê dù mới bước sang tuổi 12 ấy đã mạnh dạn ứng tuyển. Được các nghệ sĩ đã thành danh như Văn Mởn, Mạnh Tường khen có giọng hát hay, điển trai, Quốc Chiêm thích lắm nhưng rồi phần nào bị chưng hửng khi nghe lời dặn phải học hết lớp 7 mới có thể được nhận.
Sau một năm chờ “lớn thêm”, hôm ấy đọc được thông báo trường Nghệ thuật sân khấu Việt Nam tuyển diễn viên trên báo Nhân dân, Quốc Chiêm liền rủ mấy người bạn cùng lên Hà Nội “thử sức” một chuyến. Dù nhỏ tuổi nhất - mới tuổi 13 nhưng Quốc Chiêm đã trở thành “đầu tàu” “điều hành” cả chuyến phiêu lưu tìm kiếm cơ hội đến với thế giới nghệ thuật mà cậu ao ước bấy lâu.
Và, chuyến phiêu lưu đó chẳng hề dễ dàng với cậu khi trường Nghệ thuật sân khấu Việt Nam vừa mới hoàn thành đợt tuyển sinh. Nhưng, đây là lần đầu tiên bước ra khỏi lũy tre làng và đã có thể vượt qua chặng đường xa xôi thì “không thể về không” nên Quốc Chiêm liền dẫn các bạn đi tìm… thầy hiệu trưởng. May thay, cậu và chúng bạn đã gặp thầy Hoàng Kiều và được thầy đánh piano để thẩm âm, nghe hát. Nghe cậu bé Quốc Chiêm cất giọng, thầy không khỏi ngạc nhiên thốt lên: “Ô, thằng bé đen đen hát được đấy, không ngọng và thẩm âm cũng khá”. Cùng lúc ấy, NSƯT, nhạc sĩ Ngọc Chung (đang biên chế ở Đoàn chèo Hà Nội) đi qua, thầy Hoàng Kiều liền gọi vào và giới thiệu “cậu bé đen đen” cho Đoàn chèo Hà Nội. Thế là, Quốc Chiêm được theo chân NSƯT Ngọc Chung về phố Huế và cứ thế tự nhiên cất tiếng hát các làn điệu lới lơ, dương xuân và cả ngâm thơ… mà ngày nhỏ cậu tự học (có hôm bỏ cả cơm) từ chương trình 30 phút dân ca và nhạc cổ truyền trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Thấy cậu bé thôn quê mạnh dạn say sưa hát, nghệ sĩ Quý Bôn liền hỏi: “Cháu không sợ à?” - “Dạ không. Cháu chỉ sợ hát sai thôi ạ”, câu trả lời chững chạc cùng năng khiếu ca hát của cậu thiếu niên đến từ xứ chèo nức tiếng đã thuyết phục lãnh đạo Đoàn chèo Hà Nội tiếp nhận và cho đi dự tuyển khóa đào tạo hệ trung cấp tại trường Nghệ thuật sân khấu Việt Nam. Tại đây, Quốc Chiêm lần lượt vượt qua các đợt sơ tuyển, chung tuyển khắt khe của các thầy bà như: Tống Văn Ngũ, Dịu Hương, Lệ Hiền, Bùi Trọng Đang… và là một trong 5 người được Đoàn chèo Hà Nội cử đi học.
Trong chuyến phiêu lưu tìm kiếm cơ hội đến với nghệ thuật đầy liều lĩnh và chẳng hề dễ dàng ở giữa phố phường Hà Nội không có người thân thích như thế, cậu bé 13 tuổi ấy chưa khi nào có ý nghĩ bỏ cuộc. Đói bụng thì cậu mua bánh mì để ăn, màn đêm buông xuống thì nằm đánh thẳng giấc ở chốt bảo vệ gần trường âm nhạc, mặc muỗi đốt tứ tung. Rồi trong thời gian chờ đợi kết quả dài dằng dặc, cậu lại trở về giúp cha mẹ làm ruộng, nặn tò he mang bán ở chợ Cầu.
“Ngày nhận tin trúng tuyển, tôi mừng rỡ khoe với thầy. Ông nghiêm giọng hỏi: “Thế con không ở nhà lấy vợ, đi cày à?”. Tôi quả quyết: “Không, con phải đi học chứ”. “Thế có chí đấy. Nhưng nghe thầy dạy này, đã đi ra ngoài xã hội phải học thật để thiên hạ không bắt nạt con ạ”, thầy tôi dặn. Và tôi đã luôn làm theo câu dặn ấy của thầy để học tập và cống hiến trong suốt cuộc đời làm nghệ thuật của mình”, NSND Quốc Chiêm xúc động nhớ lại.
Hoàng tử chèo của người Hà thành
Mười bảy tuổi, Quốc Chiêm tạm biệt mẹ cha, khăn gói lên Hà Nội theo đuổi giấc mơ nghệ thuật, một giấc mơ được vun đắp qua bao tháng năm tuổi thơ đắm mình trong câu hát chèo; vun đắp từ lòng biết ơn cùng lời thầm hứa sẽ xứng đáng với sự hy sinh nơi chiến trường của anh trai cho sự bình yên của Tổ quốc. Bởi vậy, trong suốt 5 năm theo học, cậu sinh viên này luôn là học sinh xuất sắc, được thầy yêu, bạn mến.
Ngay sau khi tốt nghiệp - năm 1979, Quốc Chiêm về công tác tại Đoàn chèo Hà Nội. Vì là “lính mới” nên ban đầu anh tham gia vai quần chúng, đóng tốt, đóng lính rồi dần dần được giao vai phụ như anh Nô hoặc Thiện Sĩ (vở chèo “Quan Âm Thị Kính”), anh Khóa Hồng (vở chèo “Cô Son”), chàng Tú Uyên - kíp 2 (vở chèo “Tú Uyên dáng kiều”)… Vai chính đầu tiên của Quốc Chiêm là Lê Lâm trong vở chèo “Người con gái trở về” của Lưu Quang Vũ, tiếp đó là Vạn Lịch trong vở chèo “Đồng tiền Vạn Lịch”, Tuần Ty trong vở chèo “Tuần Ty - Đào Huế”…
Suốt 3 năm bền bỉ trau dồi kinh nghiệm làm nghề từ các thế hệ đi trước; chịu khó sống kham khổ bằng tiền lương ít ỏi (có lúc phải về nhờ vả bố mẹ), cuối cùng cơ hội cũng mở ra cho chàng kép trẻ không quản biết bao nhọc nhằn, gian khó nhưng chưa bao giờ tắt niềm đam mê với sân khấu chèo. Ấy là, đúng dịp các bậc đàn anh như Quý Bôn, Minh Toan, Xuân Quân, Đức Thuận… nhường vai cho lớp trẻ tiếp nối lửa đam mê. Quốc Chiêm được giao vai hoàng tử Poliem (kíp 2) trong vở chèo “Nàng Sita” của tác giả Lưu Quang Thuận - Lưu Quang Vũ. Đây là một sự may mắn lớn đối với người mới vào nghề như Quốc Chiêm để từ đây, anh được thỏa sức sáng tạo, khẳng định bản thân và không làm phụ lòng tin tưởng của các bậc đàn anh.
Vở chèo “Nàng Sita” được ra mắt và đã thành công hơn cả sự mong đợi, tạo thành một hiện tượng trong giới sân khấu lúc bấy giờ (suốt thập kỷ 80, 90 của thế kỷ trước). Góp phần vào thành công đó có một phần không nhỏ của cặp đôi nghệ sĩ trẻ Quốc Chiêm (hoàng tử Poliem) -Lâm Bằng (nàng Sita). Những suất diễn được tổ chức liên tục (có khi một ngày diễn liền 3 suất). Khán giả phải xếp hàng mua vé, riêng vé tập thể phải đăng ký từ tháng này đến tháng sau. Và mọi người luôn bày tỏ lòng ái mộ chàng hoàng tử Poliem điển trai, có giọng hát thổ đồng truyền cảm, ấm áp, diễn xuất tự nhiên. Sau mỗi suất diễn, dù màn nhung đã khép nhưng khán giả vẫn xếp hàng chờ bên lối đi, thậm chí tìm đến khu tập thể ở Nguyễn Công Trứ của Đoàn chèo Hà Nội để một lần được trò chuyện, được chạm vào hoàng tử Poliem thật sự đang hiển hiện. Nhiều người vì quá yêu mến còn nhận anh làm con nuôi. Và, còn gì hạnh phúc hơn đối với người nghệ sĩ khi mỗi lần gặp chàng kép này ở ngoài đời, khán giả liền sung sướng thốt lên “hoàng tử Poliem” mà quên mất tên thật. Quốc Chiêm đã trở thành “hoàng tử” chèo của khán giả Hà thành bắt đầu từ vai diễn xuất sắc như thế.
Sau thành công với vai diễn hoàng tử Poliem, kép chính Quốc Chiêm tiếp tục tỏa sáng với các vai… hoàng tử, vua chúa như vua Lý Thánh Tông trong vở chèo “Lý Thường Kiệt”, vua Lý Công Uẩn trong vở chèo cùng tên… Nhất là, anh trở thành “hoàng tử của 3 nước Đông Dương” trong lòng người mến mộ - từ hoàng tử Poliem trong vở chèo “Nàng Sita” (một chuyện tình đẫm nước mắt ở đất nước Campuchia) đến hoàng tử trong vở chèo “Tấm Cám” (được viết từ câu chuyện cổ tích quen thuộc của người Việt) rồi hoàng tử Ponavong trong vở chèo “Mối tình Đuông Na-Ly” (câu chuyện tình sáng trong của đất nước Chămpa).
Đau đáu với văn nghệ Thủ đô
Sau những cống hiến hết mình trên sàn diễn trong suốt mấy mươi năm có lẻ, NSND Quốc Chiêm được phân công làm công tác quản lý - là Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội rồi Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội (nay là Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội). Trong thời gian vừa làm diễn viên vừa làm quản lý, NSND Quốc Chiêm đã tranh thủ đi học đạo diễn sân khấu, học cao học về quản lý văn hóa để từ đó thêm vững vàng, tự tin chèo lái con thuyền nghệ thuật của Nhà hát Chèo Hà Nội vừa giữ được bản sắc cổ truyền vừa cách tân phù hợp với nhu cầu khán giả hôm nay. Bên cạnh việc phục dựng các vở chèo cổ, những vở chèo làm nên thương hiệu của Nhà hát Chèo Hà Nội như “Quan Âm Thị Kính”, “Tuần Ty - Đào Huế”, “Kim Nham”, “Cô Son”, “Tấm Cám”… ông còn mạnh dạn đưa ra ý tưởng mở rộng không gian diễn xướng cho sân khấu chèo. Khi đó, những vở diễn mới của Nhà hát Chèo Hà Nội có một không gian biểu diễn không bị bó hẹp trong chiếu chèo vốn được mặc định từ xưa mà được tỏa ra cả sân khấu hộp cùng những thiết kế mỹ thuật, đạo cụ, cảnh trí phù hợp. Từ sự mạnh dạn này, Nhà hát Chèo Hà Nội đã góp phần “mở lối” cho sân khấu chèo trở nên hấp dẫn, hiện đại và gần gũi hơn nhu cầu thưởng thức của khán giả hôm nay.
Đến tuổi nghỉ hưu, NSND Quốc Chiêm tiếp tục gắn bó với văn nghệ Thủ đô khi được văn nghệ sĩ tin tưởng giao trọng trách là: Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội trong 2 nhiệm kỳ liên tiếp (2016 - 2021 và 2021 - 2026). Ở vị trí “vác tù và hàng tổng” và “làm dâu trăm họ” này, NSND Quốc Chiêm bảo ông luôn gạt đi những khó khăn, trở ngại để dành tâm sức, thời gian nghĩ cách làm thế nào đổi mới phương thức quản lý, hoạt động của Hội Liên hiệp; tập hợp, cổ vũ, phát huy sức sáng tạo, tâm huyết cống hiến cho văn nghệ Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung của hơn 4000 văn nghệ sĩ Thủ đô. Ở thời điểm dịch Covid-19 bùng phát trong suốt 2 năm, NSND Quốc Chiêm cùng với Thường trực Hội Liên hiệp đã linh hoạt chỉ đạo, hướng dẫn các hội chuyên ngành động viên, tiếp sức cho văn nghệ sĩ “chuyển trạng thái” thích ứng phù hợp với điều kiện sáng tạo mới. Ngay khi dịch Covid-19 được kiểm soát, mái nhà chung 19 Hàng Buồm của Hội Liên hiệp lại nhộn nhịp với các buổi sinh hoạt, hoạt động chuyên môn của các hội chuyên ngành. Chứng kiến không khí sinh hoạt nhộn nhịp ấy, Chủ tịch Hội Liên hiệp Trần Quốc Chiêm thấy thật ấm lòng. Và, trong những thành tích của Hội Liên hiệp từ năm 2016 đến nay như: được UBND TP. Hà Nội tặng Cờ đơn vị xuất sắc phong trào thi đua các năm 2018, 2020, 2021; tặng Bằng khen về các hoạt động kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội; Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tặng Cờ đơn vị hoàn thành xuất sắc phong trào thi đua từ năm 2018 đến năm 2021 cùng nhiều danh hiệu, giải thưởng văn học nghệ thuật của văn nghệ sĩ… thì có sự góp sức không nhỏ của vị thuyền trưởng tâm huyết này.
Nói về sứ mệnh đặc biệt này, NSND Trần Quốc Chiêm cho biết, những năm qua, Thường vụ Hội Liên hiệp luôn cố gắng tạo mọi điều kiện về vật chất và tinh thần để anh em văn nghệ sĩ thực sự coi trụ sở 19 Hàng Buồm là nơi để chia sẻ niềm đam mê, trao đổi học thuật, là “điểm hẹn” của các buổi hội thảo, tọa đàm, giao lưu, từ đó hội viên cùng bắt nhịp với những động thái đổi mới và hội nhập mạnh mẽ của Thủ đô và đất nước. “Việc lãnh đạo một cơ quan như Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội thật không đơn giản, bởi đây là nơi đây tập trung tinh hoa của giới văn nghệ sĩ. Bởi vậy, bản thân tôi luôn lắng nghe với tinh thần cầu thị các kinh nghiệm sáng tác và công tác quản lý văn học nghệ thuật để học hỏi và vận dụng phù hợp với nhu cầu văn nghệ sĩ cũng như thực tiễn hoạt động của Hội Liên hiệp trong từng thời điểm. Và, cách quản lý cơ quan Hội ngoài những nguyên tắc chung và theo Điều lệ của Hội ra thì bản thân còn phải gần gũi, quan tâm đến tài năng, sức cống hiến của hội viên. Trong đối nhân xử thế với văn nghệ sĩ thường là: “Một trăm cái lý không bằng một tí cái tình”, không dễ dàng chút nào”, NSND Quốc Chiêm tâm huyết chia sẻ.
Năm 2012, khán giả Thủ đô được dịp gặp lại hoàng tử Poliem Quốc Chiêm và nàng Sita Lâm Bằng mừng Nhà hát Chèo Hà Nội sinh nhật tuổi 60. Lối diễn xuất tinh tế cùng giọng hát chèo thổ đồng của người con quê lúa Thái Bình được ươm mầm và tỏa sáng trên sân khấu chèo Hà Nội - NSND Quốc Chiêm vẫn không thôi làm lòng người say đắm. Và, trước khi năm 2022 khép lại, người nghệ sĩ tài năng, tâm huyết ấy tiếp tục hội ngộ với khán giả khi là thành viên Hội đồng giám khảo của Liên hoan Sân khấu Thủ đô, Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2022. Bước vào xuân 2023, NSND Quốc Chiêm lại tiếp tục dành thời gian truyền nghề cho thế hệ trẻ cũng như đau đáu vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, dốc sức, dốc lòng vì sự phát triển của văn học nghệ thuật Thủ đô.
NSND Quốc Chiêm đã từ Hà Nội để dốc lòng cho Hà Nội một cách tâm huyết như thế!