“Gia đình và bốn mùa” - Bộ tranh dân gian quý hiếm và đặc sắc
Mỹ thuật - Ngày đăng : 08:02, 26/01/2023
Tết xưa, các phiên chợ Tết có bán tới hàng vạn bức tranh Tết, đủ các thể loại: tranh thờ cúng, tranh chơi, tranh thế sự, tranh chuyện… Có thứ tranh đơn, có thứ tranh bộ. Tranh đơn thường vẽ gọn một câu chuyện, một đề tài, còn tranh bộ thì gồm có tranh nhị bình (2 bức), tranh tứ bình (4 bức) thể hiện trọn vẹn một chủ đề. Thông thường, tranh treo trên tường được vẽ trên những bức tranh dài (tức chiều cao từ 0,80m đến 1m và chiều rộng từ 0,35m đến 0,40m), khi treo đủ bộ 4 bức hoặc 2 bức thì trên tường đã được trang hoàng khá đẹp mắt. Nhưng cũng có những bộ tranh tứ bình được vẽ trên khuôn khổ vuông vức, mỗi chiều 0,35m x 0,35m và tranh vẽ được thể hiện trong một bố cục hình tròn tạo nên một hiệu quả thẩm mỹ khác lạ.
Bố cục tranh vẽ trong một hình tròn thực sự là khó vẽ, nếu muốn thể hiện được đầy đủ tình tiết câu chuyện, nhân vật và cảnh vật có sự giao lưu tình cảm; đường nét, hình khối cấu trúc cảnh vật và các nhân vật phải thuận mắt ưa nhìn. Những bộ tranh như vậy ít có và tác giả thực sự là một bậc tài năng. Bộ tranh “Gia đình và bốn mùa” là một ví dụ. Đây là bộ tranh khá quý hiếm trong hàng vạn bức tranh dân gian được thực hiện khoảng những năm 1940 - 1950 của thế kỷ trước.
Trong nền văn học - nghệ thuật cổ điển của chúng ta xưa thường các tác giả và người thưởng thức luôn có một quan điểm chung là: “Thi trung hữu họa, họa trung hữu thi”, trong thơ có họa (có hình tượng, hình ảnh), trong họa có thơ (chất tâm hồn, hồn thơ).
Bộ tranh “Gia đình và bốn mùa” này thể hiện theo nội dung của một bài thơ tứ tuyệt bằng chữ Hán rất phổ biến thời xưa.
Xuân du phương thảo địa
Hạ thưởng lục hà trì
Thu ẩm hoàng hoa tửu
Đông ngâm bạch tuyết thi.
Dịch nghĩa:
Mùa xuân dạo chơi trên cỏ “thơm” (1)
Mùa hạ nếm ngó sen xanh trong đầm
Mùa thu nhắm rượu ngâm hoa cúc
Mùa đông ngâm thơ cảnh tuyết bay.
Ý nghĩa bài thơ rất hàm súc; vừa ca ngợi cảnh vật của 4 mùa xuân, hạ, thu đông mỗi mùa có một sắc thái riêng, sản vật riêng, cảnh vật riêng, mang lại sự thưởng thức sâu đậm cho tâm hồn con người; vừa có một ẩn ý sâu kín. Đây là một bài thơ vịnh 4 mùa xuân, hạ, thu, đông tượng trưng như thời gian trải qua của đời người, kiếp người: Thuở ấu thơ (xuân sinh ra), trưởng thành (mùa hạ), chín chắn (mùa thu) và già lão (mùa đông). Đó là chu kỳ tuần hoàn của một năm, cũng là chu kỳ một vòng đời của một kiếp người. Bởi vậy, bài thơ như một lời chúc phúc, mừng thọ cho các bậc phụ lão, mong các bậc ông bà, cha mẹ được hưởng hạnh phúc trọn vẹn 100 năm (Thọ), đông con nhiều cháu hiền thảo (Phúc) và cuộc sống được an nhàn, đề huề (Lộc). Trong cái trọn vẹn hạnh phúc đó bao gồm cả ông bà, cha mẹ và cháu con. Nên bố cục bộ tranh trong hình tròn cũng là bao hàm cả nội dung và hình thức của thơ và họa.
“Xuân du phương thảo địa” (Mùa xuân dạo chơi trên cỏ thơm), tứ thơ mênh mang, đẹp đẽ. Ta không thể không gợi nhớ về thi hào Nguyễn Du, khi ông viết những câu thơ lục bát rất súc tích mà ngắn gọn tả cảnh xuân về:
“Cỏ non xanh tận chân trời.
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”.
Trên bức tranh thứ hai của bộ tứ bình này, có đề câu thơ chữ Hán “Hạ thưởng lục hà trì” và lời thơ được dịch là: “Mùa hạ nếm ngó sen xanh trong đầm” (2).
Theo tôi có lẽ không hợp với tiêu chí họa trong thi và tình trong tài vì: Chỉ có “nếm ngó sen xanh trong đầm” thì tứ thơ nông cạn và hình tượng không đẹp, tình không sâu. Tôi còn nhớ có câu thơ “Hạ thưởng nguyệt hà trì” (Mùa hạ ngắm trăng trong đầm sen), như vậy chữ “thưởng nguyệt” thông dụng trong văn thơ cũ mới đắc địa ở ngữ cảnh này, vì ngắm trăng sáng; trời, nước trong veo, trăng vờn sóng nước, trăng luồn bóng hoa; Nước xanh, lá sen màu lục, trăng sáng tỏa trắng, những màu sắc đó làm hình ảnh một đêm trăng vừa lộng lẫy làm đẹp mỹ cảm, mỹ quan, vừa làm dịu mát tinh thần, tâm hồn trong một mùa hè nóng nực.
Bộ tranh bốn bức này thành công bởi tác giả đã vượt qua được các hình tượng nghệ thuật biểu trưng của văn học về một chủ đề ca ngợi thiên nhiên một cách cụ thể, để phối hợp tả cảnh gia đình mẹ con đầm ấm phù hợp với những chi tiết cảnh vật có đặc tính riêng đã được gợi mở rất trữ tình trong bài thơ tứ tuyệt.
Bức tranh thứ nhất tả người mẹ và bốn đứa con dạo chơi trên cỏ, bên gốc một cây hoa nở trên cành, đầy cành còn nụ hàm tiếu. Mỗi đứa trẻ đều rất hồn nhiên, hoạt bát, tình cảm mẹ con rất đầm ấm, hạnh phúc.
Bức tranh thứ hai vẽ cảnh gia đình bên đầm sen. Một bé ngồi thuyền đang vịn cành lá sen để hái hoa sen, hai bé khác đang dâng mẹ bông sen búp sen đã hái. Người mẹ vừa nếm hạt sen vừa âu yếm nhìn các con.
Bức tranh thứ ba vẽ cảnh dưới mái hiên nhà, bên cạnh những chậu hoa cúc vàng, một biểu hiện đặc trưng của mùa thu hoa cúc nở. Các con đang cung kính dâng lên cho mẹ hiền một chén rượu hoa cúc.
Bức thứ tư tuy không tả được cảnh tuyết trắng bay như lời thơ gợi ý, thì tranh cũng diễn tả được cảnh vật đặc trưng của ngày đông: Cành tùng vẫn đượm lá, trong vườn còn sót lại vài bông hoa, lũ trẻ vẫn hái được vài bông hoa để cắm bình hoa đẹp trên bàn thơ văn của mẹ.
Bộ tranh “Gia đình và bốn mùa” là một bộ tranh đẹp góp phần xứng đáng vào kho tàng di sản văn hóa - nghệ thuật của dân tộc ta trong thể loại tranh dân gian thoát khỏi tính thiêng mà trở về loại tranh chơi tươi mát, vẻ vui đời.
Bức tranh được bố cục chặt chẽ trên từng bức, các chi tiết động thái đều được chọn lọc để thể hiện tình cảm của các nhân vật tùy theo chủ đề của từng tranh. Chính vì vậy mà cả bộ tranh có hình thức diễn đạt phong phú.
Tranh vẽ có bút pháp hiện thực, đường nét mềm mại, hình họa chính xác. Mỗi một hình vẽ là một hình ảnh sinh động, đáng yêu. Toàn bộ hình vẽ trong tranh được khắc trên ván gỗ rồi được in bằng mực đen trên nền giấy có nhuộm màu da cam hoặc các màu sắc rực rỡ như đỏ, điều, vàng. Trên cơ sở bản khắc toàn bộ hình vẽ bằng nét đen, người thợ sẽ khắc nhiều chi tiết (cần có in vẽ màu sắc) bằng những bản khắc gỗ khác, để in đệm màu trắng lên các chi tiết đó. Và trên nền màu trắng in đệm, làm mẫu mực của hình khắc gỗ, người thợ vẽ - họa sĩ có thể tô màu phẩm khác nhau phù hợp với tính chất đặc trưng của từng sự vật như: màu da, màu áo, màu váy, màu hoa, màu lá, màu thuyền bè, cây cỏ… để hoàn thiện bộ tranh. Với đặc điểm này, người ta còn gọi tranh này là tranh đồ (vẽ lại trên nét đã in trước).
Cách làm tranh này đã tạo nên một diện mạo khác với các dòng tranh mà lâu nay ta đã biết như Đông Hồ, Hàng Trống hay Kim Hoàng.
.........................................................................
(1) Ý nói: Cỏ xanh non, mơn mởn, tỏa mùi hương đồng nội.
(2) Xem tranh dân gian Việt Nam - Maurice de Durand sưu tầm và nghiên cứu do Ecole Francaise d’Extreme - Orient (Trường Viễn Đông Bác Cổ) xuất bản năm 1960, tái bản năm 2017. Bản dịch và giới thiệu của Nguyễn Thị Hiệp và Olivier Tessier.