Bước đệm cho sự đổi mới, sáng tạo của văn nghệ sĩ Thủ đô

Hoạt động hội - Ngày đăng : 15:26, 20/01/2023

Năm 2022 đánh dấu bước chuyển mình của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Với các hoạt động trải dài trên nhiều mặt, từ sáng tác, triển lãm, nghiên cứu, hội thảo, tọa đàm và đi thực tế… các hội chuyên ngành đã hết sức chủ động, nỗ lực tăng cường chất lượng và hiệu quả hoạt động Hội, góp phần đưa văn học nghệ thuật Thủ đô ngày càng phát triển.
trien-lam-my-thuat-thu-do.jpg
Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô 2022 đã hội tụ được nhiều thế hệ họa sĩ tham gia.

Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động chuyên môn

Thành công của Đại hội Đại biểu Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2021-2026 và Đại hội nhiệm kỳ 2020 - 2025 của các hội chuyên ngành là những điểm nhấn trong hoạt động Hội năm 2022. Trong năm qua, Hội đã chủ động phối hợp với các cấp, các ngành trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực công tác về văn học, nghệ thuật theo chức năng, nhiệm vụ được giao; tăng cường công tác quản lý, điều hành triển khai xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch đã đề ra, nhiệm vụ do cấp trên chỉ đạo.

Để cổ vũ phong trào sáng tác cho văn nghệ sĩ, các Hội chuyên ngành tích cực tổ chức các chuyến đi thực tế, điền dã cho hội viên không chỉ ở địa bàn Hà Nội mà còn ở một số tỉnh thành như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Ninh Bình, Quảng Ninh, Sơn La… Qua mỗi chuyến đi, các tác giả có cơ hội tìm hiểu thực tế, từ đó khơi nguồn cảm hứng để sáng tác những tác phẩm mang tính sáng tạo, nghệ thuật cao. Riêng Hội Âm nhạc Hà Nội và Hội Nhà văn Hà Nội còn tham gia trại sáng tác do Bộ Văn hóa & Thể thao và Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức, thu được nhiều tác phẩm có chất lượng.
Bên cạnh đó, để tăng cường các hoạt động chuyên môn, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội còn tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ dưới nhiều hình thức và nội dung phong phú như tổ chức hội nghị quán triệt Nghị quyết của Đảng về văn hóa; trao đổi, thảo luận qua các cuộc tọa đàm, hội thảo chuyên đề. Nhiều cuộc hội thảo do Hội Liên hiệp tổ chức đã thu hút đông đảo văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu tham gia như hội thảo: Văn học nghệ thuật với phát triển văn hóa du lịch Thủ đô; Phát huy nguồn lực xã hội hóa, đẩy mạnh sáng tạo văn học nghệ thuật trong sự nghiệp phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô; Đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động các hội chuyên ngành trong tình hình mới; Văn học, nghệ thuật tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái; Vai trò của văn học, nghệ thuật trong việc nâng cao trình độ, năng lực thẩm mỹ của công chúng đặc biệt là giới trẻ…
Đáng chú ý, nhiều cuộc hội thảo khoa học, tọa đàm học thuật do các hội chuyên ngành tổ chức với sự đa dạng của các chuyên đề và sự phong phú của các nguồn tư liệu, cách tiếp cận… đã góp phần trang bị thêm nhiều kiến thức, năng lực sáng tạo và nâng cao trình độ chuyên môn cho các hội viên đồng thời “xới xáo” nhiều vấn đề nóng của văn học nghệ thuật hiện nay.

chuong-trinh-tinh-yeu-ha-noi.jpg
Một tiết mục biểu diễn trong chương trình “Tình yêu Hà Nội” lần thứ 15 do Hội Âm nhạc Hà Nội tổ chức.

Ngoài ra, một loạt các hoạt động khác cũng đã góp phần tạo nên sự khởi sắc cho hoạt động của các Hội chuyên ngành như: Hội Nhà văn tổ chức mở lớp bồi dưỡng, trao đổi kỹ năng sáng tác cho 30 học viên; Hội Điện ảnh tổ chức chiếu giới thiệu phim mới và trao đổi kinh nghiệm sáng tác với tác giả các bộ phim truyện nhựa “Bình minh đỏ”, “Truyền thuyết về Quán Tiên”; Hội Nghệ sĩ Múa mở lớp bồi dưỡng nghệ thuật múa dân gian dân tộc và kỹ năng biên đạo múa cho các cô giáo mầm non của các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội; Hội Âm nhạc phối hợp với Hội Nam y Việt Nam sưu tầm, biên soạn và in 2 cuốn Tuyển tập 400 ca khúc viết về Quảng Trị và ngành y…

hoi-thao-hoi-kien-truc-su-ha-noi.jpg
Một cuộc hội thảo do Hội Kiến trúc sư Hà Nội tổ chức.

Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết 09 -NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng 2030, tầm nhìn 2045” và Nghị quyết Đại hội XIII Hội Liên hiệp, các hội chuyên ngành đã xây dựng các đề án nhằm đẩy mạnh các hoạt động văn hóa văn nghệ trong tình hình mới. Có thể kể tới: Đề án “Dấu ấn Kiến trúc Hà Nội sau đổi mới” của Hội Kiến trúc sư Hà Nội; Đề án “Bảo tồn, phát huy nghệ thuật truyền thống sân khấu Thủ đô” của Hội Sân khấu Hà Nội; Đề án “Làng nghề Hà Nội xưa và nay” của Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội; Đề án “Bảo tồn múa cổ truyền Thăng Long - Hà Nội” của Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội; Đề án “Liên hoan phim ngắn Hà Nội (Giải Sao Khuê) của Hội Điện ảnh Hà Nội; Dự án “Phim tài liệu Sinh năm 1972” của Hội Điện ảnh Hà Nội; Dự án “Biên dịch những cuốn sách hay viết về Thăng Long - Hà Nội” của Hội Nhà văn Hà Nội.

Với đặc thù hoạt động riêng, trong năm qua Hội Kiến trúc sư Hà Nội đã tham gia rà soát và tư vấn phản biện về chủ trương và đồ án cụ thể về quy hoạch, kiến trúc cho nhiều đồ án, dự án lớn nhỏ. Công tác phản biện xã hội cũng được các hội viên, các ủy viên BCH, Ban Thường vụ tham gia nhiệt tình với hơn 30 bài báo lớn nhỏ về các vấn đề quy hoạch, kiến trúc được xã hội quan tâm…

Đưa văn học nghệ thuật đến gần hơn với công chúng

Trong năm qua, Hội Âm nhạc Hà Nội tiếp tục duy trì sinh hoạt vào ngày 15 hằng tháng, giới thiệu 93 tác phẩm của 93 nhạc sĩ. Đặc biệt, Hội đã tổ chức thành công chương trình nghệ thuật “Tình yêu Hà Nội” lần thứ 15 với chủ đề “Khúc hát từ trái tim hồng” tôn vinh 3 nhạc sĩ được giải thưởng Nhà nước về VHNT là nhạc sĩ Lê Việt Hòa, nhạc sĩ Thanh Phúc và nhạc sĩ Trọng Đài.

Cũng giữ nếp sinh hoạt thường kỳ vào ngày 10 hằng tháng, hội viên Hội Nhà văn Hà Nội lại tề tựu tại ngôi nhà 19 Hàng Buồm để tham dự các hoạt động sinh hoạt chuyên đề, giới thiệu tác giả, tác phẩm… Mỗi dịp này, các nhà văn, nhà thơ được trò chuyện, trao đổi xoay quanh một số chủ đề như: Nhà thơ Trúc Thông, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm với Hà Nội thơ; Nhà văn Sương Nguyệt Minh và nhà văn Trần Chiến - hai hiện tượng của văn xuôi đương đại; Thơ tình mùa thu Hà Nội… hay được nghe giới thiệu tác phẩm mới của các tác giả: Nguyễn Thị Kim, Nguyễn Thanh Tùng, Vũ Thị Minh Thu, Nguyễn Thị Thiện, Bùi Minh Trí, Thu Lâm…

Bên cạnh việc đẩy mạnh các hoạt động chuyên môn, trong năm 2022, Hội Sân khấu Hà Nội tiếp tục là “bà đỡ” mát tay cho một số vở diễn xã hội hóa và giành giải cao tại các liên hoan như vở cải lương “Vương quyền”, vở kịch thử nghiệm “Giác”. Ngoài ra, Hội có 2 kịch bản sân khấu “Bác Hồ ra trận” và “Dư âm còn mãi” tham gia cuộc phát động của Ban Thường vụ Thành ủy “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; các tác phẩm kịch bản sân khấu: “Bệ phóng”, “Phố Khâm Thiên ngày ấy”, “Hà Nội - Mùa thu không quên”, “Hãy đặt tên con là Điện Biên”, “Bức tranh 12 ngày và đêm Hà Nội” hưởng ứng cuộc vận động sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật với chủ đề ca ngợi chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”…

Để đưa tác phẩm nhiếp ảnh và mỹ thuật đến với công chúng, Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội và Hội Mỹ thuật Hà Nội tiếp tục duy tổ chức và duy trì các triển lãm thường niên. Trong năm qua, Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội đã tổ chức thành công Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực Hà Nội lần thứ IX, tiếp đó là Cuộc thi và Triển lãm ảnh nhân kỷ niệm 1012 năm Thăng Long - Hà Nội với chủ đề “Hà Nội niềm tin và khát vọng” và “Vẻ đẹp mọi miền”. Cuộc thi năm nay đánh dấu số lượng tác giả và tác phẩm tham gia nhiều nhất kể từ trước với hơn 216 tác giả cùng 1786 tác phẩm.
Hội Mỹ thuật Hà Nội đã tổ chức thành công triển lãm “Mỹ thuật Thủ đô 2022”. Triển lãm đã thu hút được đông đảo hội viên nhiệt tình hưởng ứng và đã hội tụ được nhiều thế hệ họa sĩ tham gia từ các họa sĩ cao niên đến các họa sĩ trẻ mới bước vào nghề.

Mặc dù có nhiều khó khăn, nhưng trong năm 2022 Hãng phim Sao Khuê của Hội Điện ảnh Hà Nội đã sản xuất được ba bộ phim tài liệu “Sinh năm 1972”, “Ngàn năm sênh phách” và “Về lại Trường Sa”. Đặc biệt, bộ phim “Sinh năm 1972” được làm theo chủ trương phát động sáng tác của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội nhằm thực hiện Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 50 năm chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không của Thành ủy và UBND Thành phố Hà Nội.

Điểm qua một số hoạt động của Hội Liên hiệp có thể thấy những nỗ lực và bước chuyển mình đáng kể của giới văn nghệ sĩ Thủ đô. Những thành quả trong suốt một năm qua cũng chính là hành trang, là bước đệm mới để mỗi Hội, mỗi văn nghệ sĩ bước tiếp vào chặng đường mới 2023 với sự bứt phá, sáng tạo mới.

Hồng Đặng