Tết Cả
Văn hóa – Di sản - Ngày đăng : 07:25, 22/01/2023
Tết Cả đến vào khoảnh khắc 2 năm cũ - mới gặp nhau và ly biệt, giao thừa chính là điểm hội tụ và phân ly ấy. Đó là thời điểm thiêng liêng nhất của một năm, đúng lúc chuyển đổi từ mùa đông giá lạnh, khô cằn - biểu tượng của hủy diệt, chết chóc, sang mùa xuân ấm áp, nảy mầm - biểu tượng của tiến triển, sinh sôi. Xưa, vào thời khắc này, mọi người thường chúc nhau và có nhiều tục lệ đặc thù với mong ước biến lời chúc thành hiện thực. Ví như, trẻ con hát “xúc xắc xúc xẻ” chúc mừng mọi gia đình; tục “gọi gạo” mong mưa thuận gió hòa, mọi người khỏe mạnh; lệ “giữ lửa qua đêm giao thừa” mong giữ sự sống từ năm cũ sang năm mới; lễ trảm tự (chém chữ) để truyền nghề võ cho trai đinh của các dòng họ trong làng…
Theo tiến trình, Tết Cả bắt đầu từ mồng 1, tới mồng 3 là lễ hóa vàng, hoặc tới mồng 7 là lễ khai hạ, hết Tết. Tết Cả là lễ hội truyền thống lớn nhất, tập trung nhất, tiêu biểu nhất của người Việt. Và cũng chính Tết Cả đã mở màn cho hệ thống lễ hội (Hội làng) mùa xuân rộn ràng tới mùa thu trên mọi miền đất nước… Lễ hay hội trong Tết Cả bao hàm nhiều mỹ tục. Nội dung của mỹ tục thường chỉ giản dị là bộc lộ lòng nhân ái, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” được khơi bày cùng tinh thần cộng đồng sâu sắc.
Tết là đổi mới, nên trong những ngày này người ta thường chọn giờ, chọn ngày để tạo một động tác - một hành động biểu trưng - mở đầu cho mọi việc của năm mới với mong ước năm sau sẽ tăng tiến, khá giả, tốt đẹp hơn năm vừa đi qua.
Nhà nông thường làm lễ động thổ hay khai canh vào ngày mồng 3 - 4 hoặc 6 tháng Giêng. Nho sĩ (văn nghệ sĩ, trí thức) thường làm Lễ khai bút (mồng 1 - 3 Tết) viết câu văn, làm bài thơ đầu tiên. Thợ rừng hay người kiểm lâm làm Lễ khai sơn (lễ mở cửa rừng). Dân chài miền biển có Lễ câu ngư (mồng 1 tới mồng 5) với lệ kiếm mẻ cá đầu tiên lấy may và mở đầu cho một năm chài lưới thịnh vượng. Quan lại hoặc xã trường bắt đầu mở ấn (con dấu) xác nhận giấy tờ công văn đầu năm, gọi là Lễ khai ấn. Nghề thủ công có Lễ khai nghiệp bắt đầu sản xuất; hoặc nghề đúc có Lễ khai lò (nhóm lửa đúc đồng, gang…). Ở Huế, dân chèo thuyền dọc sông Hương, còn ngược dòng nước lên thượng nguồn Hương Điền làm Lễ khai nguồn với ý cầu mong thủy thần không gây tai nạn giao thông đường thủy. Mồng 7 có Lễ khai hạ là nghi lễ kết thúc Tết, mọi người trở lại công việc bình thường của bản thân. Người ta gọi tất cả là Lễ khai xuân, lễ mở đầu mùa xuân hoạt động của từng ngành nghề, cầu may mắn cho cả năm.
Sống bằng nghề nông, người Việt cổ gắn bó với mùa màng, hòa nhập với môi trường (Trời - Đất) thành một khối thống nhất, hòa hợp nhau (Trời - Đất - Người). Vì vậy chỉ đến Tết Cả mới thấy toàn thể cộng đồng cầu chúc nhau toàn diện. Với nông dân: cầu phong đăng, hòa cốc; với thợ thủ công: mở mang trăm nghề; với nho sinh: đỗ đạt, hiển vinh; với thương nhân: làm ăn phát đạt “một vốn bốn lời”; với người già: bách niên giai lão; với trẻ nhỏ: hay ăn chóng lớn; với tuổi xuân: hạnh phúc lứa đôi; với vợ chồng: gia đình đầm ấm; với người nghèo: đủ ăn, đủ mặc; với người yếu: khỏe mạnh; với mọi người, lời chung nhất: sức khỏe và bình yên... Lời chúc biểu hiện niềm hi vọng sâu xa, rằng mọi điều tốt lành sẽ đến với tất cả, không loại trừ ai.
Cũng vào dịp này, đạo lý làm người được nhắc lại để in sâu trong mối quan hệ xã hội nhiều chiều, trọn vẹn: cháu con và ông bà, cha mẹ; trò và thầy; bệnh nhân và thầy thuốc; vợ chồng; anh em; họ hàng thân quyến, đồng nghiệp, bạn bè, trẻ già… Thật là một lối sống tràn đầy nhân ái, chu đáo, một lối ứng xử văn minh