Những chuyện nhặt được trên “phố nhà binh“

Hà Nội xưa - nay - Ngày đăng : 07:17, 20/01/2023

Phố Lý Nam Đế (Hà Nội), thời tạm chiếm gọi là phố Tướng Giốp (rue macréchal Joffre), còn có tên khác là “phố nhà binh”. Là phố lính cho nên một thời, nhất là thời còn chiến tranh, phố mang vẻ thật nghiêm trang.

Năm tháng trôi qua, chiến tranh lùi xa, phố nhà binh thành phố thương mại sầm uất, chật chội, ồn ào. Nhưng dù đã khoác trên mình bộ thường phục, trên phố ngày đêm đã “ngựa xe như nước”, tinh ý ta vẫn có thể nhận ra dấu ấn không thể mờ phai của một thời… Và một chiều thong thả hiếm hoi, độc bộ trên hè phố, vô tình tôi đã nhặt được một “bồ” những câu chuyện nay đã nằm sâu dưới lớp lá me, lá sấu, vương quấn trên các cành cây hay một đoạn tường rêu. Nhân Tết đến, xuân về xin kể lại vài ba chuyện…

pho-ly-nam-de-2.jpg
Biệt thự nhà số 4 phố Lý Nam Đế

Cao hổ cốt, Vũ ba lê

Hằng năm, cứ vào dịp áp Tết là những anh em văn hóa văn nghệ công tác ở các cơ quan dọc đường Lý Nam Đế (Hà Nội) lại kéo nhau đi dạo chợ hoa Hàng Lược. Sắm sanh thì ít mà ngắm nghía thì nhiều. Một năm, nhà thơ Trần Nhương cùng với mấy cây bút trẻ áo lính vừa vào cổng chợ đã thoáng thấy nhà văn Vũ Sắc co ro trong bộ đại cán bạc màu đang ngắm nghía một cành đào cùng với anh Cao Hùng (cũng là biên tập viên của NXB Quân đội nhân dân). Tức cảnh sinh tình, Trần Nhương vừa chỉ tay cho mấy người bạn cùng đi vừa ngâm nga:
Cao Kính, Cao Hùng, Cao... hổ cốt
Vũ Lai, Vũ Sắc, Vũ…Vũ…
Đang bí vần thì một anh bạn đi cùng đế luôn: Vũ ba lê. Trần Nhương lấy làm tâm đắc lắm.

Uống mật ong… ra thơ

Có lần một số nhà thơ Hà Nội vào thực tế nông trường Đồng Giao. Dẫn đầu đoàn lần đi ấy là nhà thơ Trinh Đường. Vốn là một người rất nổi tiếng về tính kỷ luật, giờ giấc, Trinh Đường ra mệnh lệnh: “Mỗi chú phải làm ít nhất hai bài thơ, trước hết là để đọc cho công nhân nghe”. Tất cả đều phải răm rắp tuân lệnh. Riêng nhà thơ Quang Huy vì đau dạ dày, không viết được. Trinh Đường lấy làm áy náy lắm. Ông đến gặp Giám đốc nông trường yêu cầu cấp cho một chai mật ong để... làm thơ. Cầm chai mật ong trong tay phần vì cảm động, phần vì đau, Quang Huy lóng ngóng thế nào để vỡ mất. Tưởng thế là “thoát” phải làm thơ, không ngờ chỉ sau đó ít phút Trinh Đường lại đem đến một chai mật ong khác. Không thể từ chối được, Quang Huy đành nhắm mắt nhắm mũi uống... và đêm đó anh thức quá nửa đêm để “hoàn thành kế hoạch” nộp cho thi sĩ trưởng đoàn. Thật đúng là: Uống mật ong... ra thơ!

Và nhảy dù luôn mấy bát liền

Vào những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, ở “thủ đô văn nghệ” Thanh Hóa có một quán phở rất nổi tiếng gọi là quán Phở Tàu Bay. Chủ quán là một gia đình văn nghệ sĩ. Là người thành phố tản cư vào vùng kháng chiến, có tay nghề lại biết cách quảng cáo, tiếp thị nên quán rất đông khách. Không chỉ bộ đội, dân công, cán bộ mà cả dân địa phương cũng tìm đến để thưởng thức hương vị của phở Hà Nội.
Nhà thơ Trần Lê Văn cũng hay đến quán này. Ông bảo, cứ nghĩ đến Hà Nội lại phải ra quán phở Tàu Bay và nhớ lại: Có một lần ông đã “tán” được cả cụ đồ Vũ Đình Liên tới quán. Chả là tác giả “Ông đồ” rất ngại chuyện quán xá, hiếm ai mời được cụ đi ăn nhà hàng. Nhưng có một lần, Trần Lê Văn đã đưa được Vũ Đình Liên tới thưởng thức “món ngon Hà Nội” giữa núi rừng xứ Thanh. Để ghi nhớ sự kiện này, ông đã làm một bài thơ. Bài thơ đó như sau:
Cứ thẳng nông giang tới Hậu Hiền
May mà gặp được Vũ Đình Liên
Ta rủ vào ngay trong quán phở
Và… nhảy dù luôn mấy bát liền!

Bánh chưng xếp lộn với văn chương

Nhà thơ Thanh Tịnh xa quê đúng 30 năm và đón Tết một mình cũng đủ 30 lần. Nhưng với ông, Tết nhất luôn luôn phải vui vẻ. “Buồn đến chết, Tết cũng vui”, ông hay nhắc đi nhắc lại câu ấy mỗi năm hoa đào nở. Và như đã thành tục lệ, mỗi Tết trong phòng ông đều có bánh chưng, hoa đào và dĩ nhiên là cả báo Tết cùng một vài câu đối do ông sáng tác để mừng xuân, mừng Tết, mừng tuổi bạn bè, người thân... Có một năm ba mươi Tết rồi mà ông vẫn chưa nghĩ được một vế tiếp theo của đôi câu đối mừng một người bạn rất thân. Nhìn chiếc bánh chưng, cành đào nhỏ và chồng báo Tết của ông, có người bạn tức cảnh làm mấy câu thơ:
Tết nhất năm nay bác rất xôm
Bánh chưng xếp lộn với văn chương
Cành đào hé đúng mười ba nụ
Câu đối mừng ai viết nửa chừng
Nghe vậy nhà thơ xứ Huế cười xí xóa: “Mới chiều 30 mà. Thời gian từ đây đến giao thừa còn dài, thế nào rồi cũng xong. Với tui “tuổi tuy hưu trí, chí chưa hưu” mà!

Không chỉ túi “mậu sìn”

Tết Mậu Tuất (1958) là tết hòa bình xây dựng, miền Bắc vui nhưng mà nghèo. Lúc bấy giờ tất cả đều bao cấp, hàng họ Tết tất tần tật từ cân muối đến hộp diêm bánh pháo…, đều phải mua ở các cửa hàng hợp tác xã hoặc mậu dịch quốc doanh. Nhà thơ Tú Mỡ tức cảnh viết trên một tờ báo Tết câu đối rất hay, rất chỉnh, rất hợp thời, hợp Tết, hợp xuân như sau:
Tết Mậu Tuất, túi mậu sìn, ngất ngưởng đi qua
hàng mậu dịch.
Ý của vế đối là Tết nhất, túi rỗng tiền không mà vẫn ngất ngưởng đi qua cửa hàng một cách ngông ngênh, tự tin (mậu sìn: tiếng Hoa nghĩa là không có tiền). Cái hay của câu đối là có tới 3 chữ mậu: Ba chữ mậu phản ánh một cái Tết nghèo.
Xem xong câu đối, nghe kể lại, nhà văn Nguyên Hồng đã gặp ngay nhà thơ Tú Mỡ mà rằng: “Lạy cụ, lạy cụ! Cụ không hiểu tình hình gì hết!”
Cảnh ấy, thời ấy, các gia đình người Hà Nội nhà ai chẳng đã từng qua…

Xin được cúng trước

Một Tết cơ quan nọ tổ chức mổ heo đón xuân rất vui, không hiểu sao lúc chia phần lại bỏ sót đồng chí chỉ huy cũ đã nghỉ hưu. Đồng chí đó là nhà thơ Thanh Tịnh. Tuy biết, nhưng nhà thơ không có ý kiến gì. Sáng 29 Tết, nhà văn Xuân Thiều đến thăm nhà thơ đàn anh. Chuyện kể đã hòm hòm, Thanh Tịnh hỏi: “Này Xuân Thiều ơi, mai kia mình chết ông có cúng mình không nhỉ?”. Xuân Thiều bảo: “Anh cứ nói dại, mà anh trăm tuổi thì tôi có cúng chữ!”. “Cúng gì?” - Thanh Tịnh hỏi. “Ít nhất là bát cơm, quả trứng” - Xuân Thiều trả lời.

Nghe xong, Thanh Tịnh điềm nhiên: “Thế thì xin ông cho cúng trước vào Tết này đi. Thay vì bát cơm, quả trứng là hai ki-lô thịt heo nhé”. Vỡ lẽ rằng có sự sơ suất, Xuân Thiều về ngay cơ quan bảo hành chính “bổ sung” tiêu chuẩn ăn Tết cho nhà thơ về hưu!

…Và với tôi, tôi nhớ nhất cái Tết năm 1984. Năm ấy đúng là năm “gạo châu, củi quế”, thiếu thốn trăm bề, nhưng cơ quan hậu cần Tổng cục Chính trị vẫn gắng lo cho mỗi sĩ quan trong cơ quan một bánh chưng, một chai 65 rượu “lưu hành nội bộ” (rượu thuốc do Phòng Quân y sản xuất) và 2 lạng thịt bò. Nhận xong tiêu chuẩn, tôi đã định dong xe đạp về nhà thì bất ngờ, nhà văn Hải Hồ gõ cửa rủ đi ăn trưa. Đến quán phở Hằng, phố Hòe Nhai, ông đĩnh dạc kêu chủ quán: “Cho hai tô... “không người lái” (phở không thịt)”. Tôi còn đang bị bất ngờ, đang bị khó hiểu, thì ông anh rút từ trong chiếc áo “4 túi” ra chiếc vỏ bao thuốc lá Điện Biên bao bạc... và lại đĩnh đạc nói với chủ quán: “Chia đều làm hai, nhúng kỹ!”... Về sau này, tôi có nghe đến phở “bò Kôbê” giá những 400, 500 nghìn một tô, tôi chưa được nếm thử, nhưng tôi nghĩ, với tôi có lẽ nó chẳng thể nào ấn tượng hơn tô phở mà trưa 30 Tết năm nào anh em tôi đã thưởng thức!

Nhà văn Ngô Vĩnh Bình