Đào bích ngược ngàn

Truyện - Ngày đăng : 07:16, 21/01/2023

Đã là ba mươi tháng Chạp. Cây đào phai già bên con dốc từ trạm y tế xã Mường Va lên Trạm biên phòng 19 đã khoe những bông đầu tiên. Không ai biết cây đào đã bao nhiêu tuổi. Chỉ biết rằng trên cái gốc vâm váp sần sùi của cây là vết tích của những cành to bằng cánh tay người đã bị gãy do thời gian, là mấy cành nhỏ còn vết dao chặt do cái thú chơi cành cắm lọ của mấy người miền xuôi năm trước và cả cái cành lả thế hoành duy nhất và đẹp nhất vào cuối năm ngoái.
img_9556.jpg
Minh họa của họa sỹ Nguyễn Văn Đức

Ở nơi rừng sâu núi thẳm sương giăng mây phủ này, cây đào già tựa hồ như điều thách thức giữa sự sống với cái chết, giữa nỗi lo cỗi cằn với niềm hi vọng hồi sinh...

Sáng nay dậy muộn, bước ra ngoài khi mặt trời đã lên cao, sương mù đã tan, Bích chợt nhận ra những bông đào nở sớm. Bích đứng lặng ngắm hoa và vẩn vơ nghĩ gần, nghĩ xa.

...Vậy là đã trao gần như cả tuổi thanh xuân cho miền đất hoang vắng này rồi. Vậy là đã có 11 năm gắn bó với ngành y, 6 năm sinh viên đằng đẵng, thêm 5 năm tăng cường cho cơ sở ngay sau khi ra trường. Chỉ vài giờ nữa là bước sang tuổi ba mươi mà vẫn “đơn chiếc”! Ế thì chắc chắn là không rồi. Bích đã từng được các bạn gắn cho danh hiệu: Hoa khôi của trường. Và đến tận bây giờ, với dáng vóc thanh tú, gương mặt “đức mẹ”, đôi mắt long lanh như biết nói, nụ cười thân thiện, đặc biệt là giọng nói ấm áp, Bích vẫn thuộc diện để thương để nhớ cho biết bao chàng trai. Mới tháng trước tình cờ Bích biết chuyện một chàng trai kém 3 tuổi đang âm thầm giữ tấm ảnh chân dung của cô trong ví. Bích chưa hiểu vì sao chàng trai lại có tấm ảnh ấy và anh ấy giữ để làm gì. Chỉ biết rằng đó là một chàng trai thông minh, can trường và biết lo cho người khác...

Thực ra, Bích đã từng có một tình yêu đẹp. Tư - một trong những chàng sinh viên điển trai, học giỏi cùng khóa đại học, chỉ vì say đắm Bích mà đã trở thành tình nguyện viên gần như cuối cùng tăng cường cho hệ thống y tế miền núi 5 năm trước. Bố mẹ Tư đều là bác sĩ, quen biết nhiều chức sắc, có thể xin cho Tư làm ở những bệnh viện lớn tại Hà Nội. Nhưng do Tư quyết liệt với ý nguyện được ở gần Bích nên họ cũng phải chiều. Họ muốn Tư được rèn luyện, được thử thách và có những trang lý lịch đẹp cho mai sau. Ngoài ra, họ cũng muốn có được cô con dâu đẹp người đẹp nết mà Bích là sự lựa chọn số một. Có lẽ vì thế mà họ đã có tác động để Tư được về tăng cường có thời hạn tại trạm y tế của một xã nội địa giáp ranh với xã biên giới Mường Va, nơi Bích được phân công về trước đó mấy tháng. Nhưng hai trạm y tế của hai xã kề bên nhau ấy lại nằm ở lưng chừng hai cánh núi, đi bộ cũng mất nửa ngày. Thành thử các cuộc đến thăm Bích của Tư không thể mỗi tuần đôi lần như lúc còn ở Hà Nội mà là đôi ba tháng. Mà mỗi lần gặp như vậy, những nụ hôn nồng cháy thời sinh viên cũng phải chắt chiu đến tận cuối ngày khi trạm y tế đã vắng người. Còn tối đến, trạm chật chội, chỉ có hai phòng nhỏ thông nhau dành cho trưởng trạm và hai cô y tá đã có tuổi, lại hơi khó tính, Bích đành phải gửi Tư đến ngủ cùng mấy anh bộ đội biên phòng trên trạm gác cách chừng hơn trăm mét. Mỗi lần Bích gửi người yêu, Trung úy Việt, Trạm trưởng trạm gác thường nhường chiếc giường cá nhân của mình cho khách. Việt coi bác sĩ Bích là thần tượng, là ân nhân của anh, của trạm gác nên cũng rất tôn trọng và quý mến bác sĩ Tư. Mỗi lần Tư đến thăm Bích và ở lại, thế nào Việt và anh em trong trạm cũng tổ chức ăn tươi, khi là con gà nuôi được, khi là con thỏ mới mắc bẫy...

Gần Tết năm ngoái, Tư từ xã bên lên đón Bích cùng về xuôi, qua cây đào già chi chít nụ hồng bên những cánh lá nõn nà, Tư đứng ngẩn ra ngắm nghía mãi cái cành thế hoành nhiều nụ và nhiều lộc nhất. Tối hôm ấy, ngồi uống rượu cùng anh em trạm gác, nói chuyện hoa xuân, Tư xuýt xoa khen cây đào gần trạm y tế đẹp đến nao lòng rồi ước: Giá như có được một cành mang về xuôi cắm lọ độc bình chơi Tết. Sáng hôm sau, khi Tư và Bích đang lo xếp nốt đồ đạc thì Việt mang cành đào thế hoành mà Tư thích đến tặng. Nhìn cành đào đẹp vừa bị chặt lìa cây, Bích buồn ra mặt và trách cả hai người. Tư vừa cười vừa văn vẻ rằng: Cành đào tự nhiên đẹp đến thế này, mang về xuôi cho những người biết ngắm mới thực sự có ý nghĩa. Còn ở cái nơi “khỉ ho cò gáy” mọi thứ dẫu có đẹp mấy cũng chẳng có ai biết thưởng thức, phí! Việt không nói gì nhưng biết Bích đang rất buồn vì cành đào bị chặt và cách suy nghĩ ấy của Tư. Nhìn vẻ mặt của Việt lúc ấy, Bích hiểu anh chàng sĩ quan phong trần này tỏ ra hối hận lắm. Có lẽ vì thế mà ra Giêng, khi Bích trở lại Mường Va, dưới gốc cây đào già đã xuất hiện một tấm biển gỗ viết những dòng chữ: Cây đào “di sản” do trạm gác biên phòng chăm sóc, xin đừng chặt cành!

Cũng có lẽ từ quan niệm “ở cái nơi khỉ ho cò gáy, mọi thứ dẫu có đẹp mấy cũng chẳng có ai biết thưởng thức” và cả những cuộc hẹn hò đi về vất vả và đầy phiền toái suốt mấy năm khiến Tư, một chàng trai thuộc dạng “công tử bột” không thể chịu đựng được mãi. Mấy lần Tư gợi ý muốn giúp Bích cùng về xuôi trước thời hạn nhưng Bích đều gạt đi. Bích bảo khi đi đã hứa trước nhà trường, trước bạn bè phải hoàn thành nhiệm vụ mới về nên không thể “đào ngũ”. Bích còn tâm sự với Tư: Mỗi lần xuống bản nhìn những cô gái Xinh Mun trẻ trung và xinh xắn phải đeo những cái bướu lủng lẳng trên cổ lại thấy nghẹn lòng. Bích như cam kết với Tư rằng: Những năm tháng còn ở đây Bích phải tranh thủ khảo sát bằng hết các bệnh nhân bướu cổ, sinh thiết một số mẫu bệnh phẩm đặc trưng và lập phác đồ điều trị cho họ... Tư không nói gì nhưng Bích hiểu anh không đồng tình với cách suy nghĩ ấy của cô. Cho đến mùa xuân năm nay, sau cái vụ cành đào phai trước cửa trạm bị chặt, giữa Tư và Bích bắt đầu nổ ra những cuộc tranh luận về cái đẹp, về quan niệm sống, tiếp đó là cãi vã và cuối cùng là dỗi hờn... Những cuộc hẹn hò đến thăm nhau chấm dứt. Những cuộc điện thoại lúc được, lúc chăng, chập chờn như mây bay, gió thoảng cũng thưa dần. Và đến cuối hè, Tư gọi điện cho Bích thông báo rằng anh đã về Hà Nội chuẩn bị đi nước ngoài làm nghiên cứu sinh. Trước khi lên máy bay xa Tổ quốc, Tư cũng dành cho “người yêu” một cuộc điện thoại nhưng không còn bất kỳ một lời yêu thương nào mà chỉ là vài câu hỏi thăm sức khỏe và cuối cùng là vài lời khuyên như thể một người sành sỏi chỉ giáo cho người chưa hiểu sự đời. Cũng từ sau vài lời khuyên kẻ cả ấy, Tư như biến mất khỏi miền đất hoang vắng và biến mất luôn khỏi cuộc đời Bích...

Bẵng đi vài tháng, vào một ngày cuối thu, em trai Bích điện lên báo tin:
- Có một anh cùng lớp đại học với chị đến nhà thăm bố mẹ và hỏi số điện của chị.

Anh cùng lớp ấy là Kha, một trong số những bạn cùng khóa khá thành đạt trong sự nghiệp. Kha đã trở thành bác sĩ chuyên khoa 2 tại một bệnh viện lớn của Trung ương. Kha cũng được bạn bè cùng lớp coi là “đại gia tỷ phú” từ khi anh ta mở cơ sở làm đẹp thẩm mỹ. Thời sinh viên, Kha cũng là một trong những chàng trai theo đuổi Bích lâu bền nhất. Nhưng khi biết Bích đã có người yêu là Tư “công tử”, Kha đành phải lặng lẽ rút lui...

Xin được số của Bích, Kha gọi điện luôn cho Bích báo tin: Tư “công tử” vừa từ nước ngoài về nước cưới vợ. Vợ Tư là con độc nhất của một doanh nhân chuyên buôn bán vật tư y tế rất thành đạt. Kha bảo sở dĩ có cái đám cưới gấp gáp ấy là vì gia đình vợ Tư vừa chạy được suất du học tự túc cho con gái sau mấy năm thi trường nào cũng trượt. Kha kể chuyện về đám cưới xa hoa của Tư khá lâu rồi chốt lại bằng câu hỏi móc máy, khó chịu:
- Tại sao một người con gái quan trọng nhất đối với Tư là Bích lại không biết đến cái đám cưới rình rang này? Tại sao...

Chưa nghe hết câu hỏi “tại sao” tiếp theo của Kha, tai Bích đã ù đi, đôi chân cô khuỵu xuống. Chiếc điện thoại tuột khỏi tay cô rơi xuống đất mặc cho Kha còn tiếp tục léo nhéo thêm vài phút nữa. Cuộc điện ấy của Kha đã khiến Bích mất ngủ triền miên, người gầy đi như đẽo. Việt và mấy anh lính trẻ thấy bác sĩ Bích tự nhiên gầy rộc và xuống sắc thì lo lắng lắm. Bích nhận thấy rất rõ điều này qua những lần họ đến trò chuyện hỏi hai chị nhân viên của trạm về bệnh tình của cô. Rồi chiều chiều những món ăn ngon từ sản vật trong rừng mà họ kiếm được đều có người mang đến cho Bích bồi dưỡng. Còn một chuyện khiến Bích cảm động nhất là những ngày cô ốm, đều đặn mỗi sáng, mấy anh lính trẻ lại vác súng chạy qua trạm y tế đồng thanh hô vang: Một, hai, ba, bốn! Chúc bác sĩ Bích xinh đẹp chóng khỏe! Những lời chúc đậm chất lính ấy khiến Bích vui và thấy công việc của mình đang làm có ý nghĩa. Đến tận giữa tháng Chạp, đúng ngày Việt rời đơn vị về xuôi, Bích mới biết “khoa mục chạy vũ trang” bất thường ấy là sáng kiến của Việt nghĩ ra và bàn với anh em đơn vị cùng thực hiện. Cũng đến tận hôm ấy, hạ sĩ Vi Xiểng, anh lính trẻ nhất trạm mới tiết lộ bí mật: “Trong cái ví của anh Việt có tấm ảnh chân dung của chị. Hình như anh Việt xin của anh Tư trong tiệc rượu đêm trước vụ chặt cành đào...”. Bích định bụng hôm nay Việt từ dưới xuôi lên cô có lời cảm ơn anh về lời chúc và sẽ hỏi luôn chuyện về tấm ảnh của cô mà Việt đang giữ...

Việt về Hà Nội dự Đại hội điển hình tiên tiến toàn quân kết hợp nghỉ phép năm đã nửa tháng. Trước khi về xuôi, Việt đến chào Bích và có nhã ý muốn ghé Hà Nội thăm nhà cô. Anh bảo Bích viết lá thư để anh đến nhà nói chuyện tiện hơn. Bích làm theo. Cô viết một lá thư rõ dài kể về trạm y tế của mình, kể về trạm biên phòng “hàng xóm” và những người lính rất can trường, rất tốt bụng đang cùng sống ở vùng núi rừng heo hút này. Tối qua Vi Xiểng mang đĩa thịt thỏ rừng vừa bẫy được lên biếu chị em trạm y tế, khoe rằng: Trạm trưởng đã về đến đồn từ chiều hôm qua, sáng nay sẽ lên trạm và sẽ dành cho cả hai trạm một sự bất ngờ lớn.

Bích bồn chồn đoán già đoán non điều bất ngờ suốt từ tối qua đến bây giờ mà vẫn chưa biết là điều gì. Chắc là bố mẹ lại gửi Việt mang quà Tết lên cho hai trạm thôi.

Bích còn đang nghĩ vẩn vơ như vậy thì dưới chân dốc có tiếng người xôn xao. Lát sau, Bích không dám tin vào mắt mình nữa. Bố, mẹ, em trai theo chân Việt đang bước lên. Rồi tiếng em trai vang cả vách núi:
- Chị Bích ơi, cả nhà lên ăn Tết với chị này.
Bích lao xuống dốc ôm mẹ, ôm bố rồi hỏi:
- Sao bố mẹ không báo trước để con chuẩn bị?
Tiếng Việt ấm áp:
- Tất cả là do tôi. Tôi mời hai bác lên ăn Tết với trạm mà.
Người bố đứng ngắm con gái khá lâu rồi nói:
- Anh Việt mời từ cái hôm đến thăm nhà và chuyển thư của con. Nhưng đến tận chiều hôm kia bố mẹ mới dám nhận lời...

***
Thì ra việc đến tận chiều hôm kia cả nhà mới nhận lời của Việt lại có nguồn cơn từ chuyện bố mua mấy tờ báo Tết về đọc. Từ ngày Bích lên biên giới, Tết đến bố thường chỉ quanh quẩn ngắm cây đào bích trước sân và nhẩn nha đọc các tờ báo xuân. Năm nay bố mua tới 5 tờ và tình cờ đọc được bài trả lời phỏng vấn của Trung úy Việt, Trạm trưởng trạm Biên phòng Mường Va bên thềm một cuộc Hội nghị điển hình tiên tiến. Quá nửa nội dung mà Việt nói đến lại là công việc thầm lặng của những người thân yêu hai trạm biên phòng và y tế nơi đây. Việt cũng kể về bác sĩ Bích trưởng trạm với nhiều câu chuyện rất cảm động. Từ chuyện Bích đã cứu Việt thoát chết khỏi căn bệnh sốt rét ác tính khi anh mới từ trường Đại học Biên phòng lên đây công tác đến chuyện cô đã lầm lụi đến những bản heo hút chữa bệnh cho dân bản...

Trong khi Bích đang đọc bài phỏng vấn Việt, người mẹ vừa chải tóc vừa hỏi con gái:
- Hôm trước anh Kha lại đến nhà thăm bố mẹ. Kha khoe anh ấy vừa mở thêm một cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ nữa, khi nào con chuyển vùng về dưới sẽ mời làm Phó Giám đốc. Xem ra anh ấy còn quyến luyến con lắm...
Bích đặt tờ báo xuống và nói:
- Anh ấy còn nói gì nữa không mẹ...
Người mẹ trầm ngâm:
- Nói nhiều lắm. Nhưng chỉ xoay quanh chuyện giải phẫu thẩm mỹ. Kha còn kể chuyện buồn về cô vợ trẻ của anh Tư mới từ ngoại quốc về nước, đến cơ sở của anh ấy mổ lại cái mũi đã thẩm mỹ trước khi cưới bị hoại tử. Cứ như anh Kha nói thì cái mũi con bé dẫu có chữa được cũng mang cái vết sẹo to trên cái mũi tẹt vốn có suốt đời...

Bích thoáng buồn:
- Khổ thân anh Tư, một người rất tôn sùng cái đẹp!
- Thế con có định chuyển vùng về làm cho anh Kha không?
- Thưa mẹ, con đã cắt liên lạc với anh Kha mấy tháng nay rồi. Và câu trả lời của con là không bao giờ. Nếu có điều kiện thì con chỉ giúp những cô gái trên này thoát khỏi căn bệnh bướu cổ, trả lại vẻ đẹp vốn có của họ...
Người mẹ thở dài. Lát sau bà ướm hỏi:
- Cái anh Việt chắc hơn con đến bốn năm tuổi đấy nhỉ?

Bích cười thật tươi:
- Mẹ nhìn nhầm rồi. Anh ấy kém con những 3 tuổi cơ. Người ta bảo ở cái đất quanh năm sương giăng mây phủ này chỉ hợp với phụ nữ với hoa đào thôi...

Người mẹ tiếp lời:
- Con nói đến hoa đào, mẹ mới nhớ ra. Bố con và anh Việt đã chuyển được hai cây đào bích từ Hà Nội lên, còn đang để dưới đồn. Chú đồn trưởng bảo, nội nhật mồng một Tết sẽ cho ngựa thồ lên đây đồng thời tiến hành nghi thức Tết trồng cây luôn thể.

Bích tủm tỉm cười:
- Lại là sáng kiến của Việt đây. Mẹ nghe con đọc đoạn cuối của bài phỏng vấn về chuyện “chở củi về rừng” của Việt nhá.
Rồi Bích giả giọng của Việt nhẩn nha đọc cho mẹ nghe:
“... Những điều ước của tôi trong dịp đầu xuân mới là gì ư? Nhiều đấy. Nhưng trước mắt tôi ước sẽ mang được một cây đào bích của Thủ đô lên trồng gần cây đào phai cổ thụ trước trạm y tế. Đó là con dốc nối hai ngôi trạm mà chúng tôi thường chạy vũ trang mỗi sáng... Bác sĩ trạm trưởng là người rất yêu hoa đào, xuân này “đào bích ngược ngàn” chắc sẽ làm cho chị vui...”
Đúng lúc ấy, Vi Xiểng cất giọng oang oang ngoài cửa:
- Trạm trưởng em mời bác gái và bác sĩ lên trạm ăn tất niên cùng đơn vị ạ...
Bích gấp tờ báo, đặt ngay ngắn trên chiếc gối và hỏi:
- Bố và em chị đi thăm bản đã về chưa?
Vi Xiểng đáp:
- Về rồi chứ ạ. Chính anh Việt dẫn hai người đi mà. Anh Việt còn mời được ông trưởng bản đến dự nữa..

Truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Xuân Hải