Đạo diễn Mai Thanh Tùng: Gửi gắm ước vọng vào “Tết quê hương”
Thế giới điện ảnh - Ngày đăng : 15:14, 17/01/2023
Những sản phẩm đặc biệt và ý nghĩa
Đạo diễn Mai Thanh Tùng thuộc thế hệ 8X năng động, trẻ trung và giàu nhiệt huyết. Anh đã có rất nhiều sản phẩm nghệ thuật ý nghĩa, những chương trình được đầu tư công phu về cả mặt ý tưởng và khâu dàn dựng. Có thể kể đến chuỗi chương trình “Ơn nghĩa sinh thành” tổ chức vào dịp Vu lan báo hiếu hằng năm; Chương trình “Tinh hoa Việt Nam” vinh danh cặp bánh cốm - phu thê kỷ lục “Bảo vật tinh hoa làng nghề” trong đám cưới tập thể theo nếp sống mới tại Hà Nội; MV “Tự hào Việt Nam”; MV “Đường đến ngày vinh quang” thực hiện và phát sóng ngay trước giờ bóng lăn trong trận đấu lịch sử ở “Thường Châu tuyết trắng” của đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam. Hay MV “Việt Nam rạng rỡ hoan ca” chào mừng thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII được ghi hình và phát sóng dành tặng khán giả truyền hình cả nước vào dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Từng làm đạo diễn nhiều chương trình nhưng Mai Thanh Tùng lại gắn bó và có duyên đặc biệt hơn cả là chương trình về Tết. “Tết quê hương” là chương trình được Mai Thanh Tùng xây dựng ý tưởng và trực tiếp làm đạo diễn, đăng kí bản quyền từ năm 2016. Cho đến nay, trải qua nhiều mùa, chương trình đã mang đến không khí xuân tưng bừng, náo nức nhưng cũng hết sức lắng đọng cho mỗi người con xa quê trong giây phút thiêng liêng đoàn tụ, sum vầy.
Đạo diễn Mai Thanh Tùng chia sẻ: “Đối với người Việt, Tết rất quan trọng, thiêng liêng; là dịp cả gia đình được quây quần, tụ họp bên nhau, dịp mà những người con xa quê chỉ mong ngóng để được trở về. Thấu hiểu được tâm tư, tình cảm và ước vọng ấy, tôi rất muốn lan tỏa ước vọng về mùa đoàn viên qua chương trình “Tết quê hương”...”
Với Mai Thanh Tùng, niềm vui đón xuân không chỉ của riêng mình. Xuân, đó là khi đất trời mở ra một năm mới đầy hi vọng. Xuân, đó là lúc mọi người đều hân hoan, lâng lâng chào đón vận khí mới, ước vọng mới. Xuân cũng là lúc nhà nhà quây quần bên nhau, người người hướng về gia đình, về quê hương với niềm cảm xúc đầy yêu thương, trân trọng.
Thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới mang đến nhiều hi vọng và đổi thay, ai nấy đều mong muốn được sum họp bên gia đình, đặc biệt là hướng về nơi chôn rau cắt rốn, nơi có những người thân yêu của mình đang ở đó. Người may mắn thì được trở về nhà, hòa mình vào không khí Tết cổ truyền. Người không thu xếp được thì luôn canh cánh nỗi nhớ da diết về quê hương bản quán.
Từ bao năm nay, Mai Thanh Tùng đón giao thừa trên mọi nẻo đường của Tổ quốc, hòa mình và truyền đi sức xuân mới tràn trề, nhân lên niềm vui xuân náo nức đến với những “Tết quê hương”. Để những người được vui vầy đầm ấm bên gia đình thì trân trọng hơn phút giây đoàn viên, còn người xa quê hương, thậm chí xa Tổ quốc thì được hòa vào không khí đón Tết của người thân, được vơi đi nỗi nhớ nhung quê hương bản quán và được cùng xóa nhòa khoảng cách về địa lý, về không gian, thời gian. Giây phút ấy, chỉ có hơi xuân tỏa đi nồng ấm, kết nối những trái tim kề sát bên nhau, cùng hướng về những điều tốt đẹp của năm mới.
Gói trọn tâm huyết của mình, kịch bản chương trình “Tết quê hương” đã được đạo diễn Mai Thanh Tùng xây dựng rất chặt chẽ, sâu sắc với nhiều ca khúc mang âm hưởng mùa xuân và đậm đà hơi thở quê hương.
Bên cạnh những ca khúc nổi tiếng, đi sâu vào tiềm thức của các thế hệ người Việt còn có những ca khúc mới được sáng tác và những ca khúc về địa danh nơi chương trình được diễn ra. Mỗi tiết mục đều mang đến cho người dân địa phương niềm tự hào, phấn khởi về quê hương mỗi dịp Tết đến xuân về.
Sau hai năm vắng bóng vì đại dịch Covid-19, năm nay “Tết quê hương” sẽ có sự trở lại đầy ấn tượng. Đạo diễn Mai Thanh Tùng sẽ mang đến cho chương trình rất nhiều điều mới mẻ; các tiết mục, các ca khúc, phóng sự của “Tết quê hương” hứa hẹn nhiều bất ngờ, lí thú. Chương trình năm nay sẽ trào dâng cảm xúc, ý nghĩa hơn, thắm thiết hơn bởi chúng ta còn được ngồi bên nhau, cùng nắm chặt tay, tưởng nhớ những nạn nhân Covid-19 và hướng về tương lai. Tất cả những điều ấy để thấy rằng, xuân về xua đi bóng đen ngày cũ, mở ra một tương lai tươi sáng hơn cho tất cả chúng ta.
“Người đàn ông nghệ thuật” nhường chỗ cho “người đàn ông nội trợ”
Hoàn thành nghĩa vụ của người nghệ sĩ với khán giả, Mai Thanh Tùng sẽ bận bịu, rộn ràng không kém cho cái Tết riêng của mình. Buông bộ đàm, tai nghe, buông những tiếng chỉ huy âm thanh, ánh sáng… tại các điểm cầu truyền hình, anh trở về làm một “tổng chỉ huy” cho căn bếp đón xuân của mình.
Anh tự tay chuẩn bị gần chục mâm cỗ để mời họ hàng, làng xóm sang ăn bữa cơm mừng năm mới. Với anh, hạnh phúc này có thể đến sau, có thể vất vả, mệt nhọc nhưng lại vô cùng quý giá, không gì có thể đong đếm được.
Tết quê bao giờ cũng có nếp riêng, mang đến trọn vẹn không khí Tết cổ truyền của ông bà xưa. Sự nồng nhiệt, thân thiết, tay bắt mặt mừng của bà con họ hàng, những lời chúc mộc mạc, chân tình là những giá trị văn hóa lâu bền, vĩnh cửu trong nếp sống của người Việt dịp xuân về.
Là người đàn ông thuộc thế hệ 8X, Mai Thanh Tùng tự thấy mình như một chiếc gạch nối của hiện đại và truyền thống. Trong công việc hay trong cuộc sống anh luôn cố gắng cân bằng giữa hai thái cực ấy. Dù thời đại có tiên tiến bao nhiêu, công nghệ phát triển, người ta có thể ngồi ở nhà để chúc Tết cả thế giới nhưng anh vẫn muốn đến tận ngõ, thăm từng nhà, gặp những người họ hàng thân quen để gửi những lời chúc tốt đẹp.
Dưới ánh nắng xuân bừng lên bên ngôi nhà xưa rợp bóng cây, khi những cành đào lả tả rụng rắc hoa theo từng cơn gió ấm thổi đi khắp khu vườn, Mai Thanh Tùng ngồi trầm ngâm, và khi ấy, những ý tưởng về chương trình nghệ thuật mới, về “Tết quê hương” lại bắt đầu đơm hoa trong ý nghĩ của anh.