Đình Khương Trung

Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 10:36, 14/01/2023

Đình Khương Trung thuộc thôn Khương Trung, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Khương Trung xưa là một làng cổ ngoại thành Hà Nội, của vùng đất Tam Khương (ba làng Gừng) gồm Khương Trung, Khương Thượng, Khương Hạ thuộc tổng Khương Đình. Từ thời Lý, đất này là một điểm xung yếu phía nam thành Đại La.

Theo truyền thuyết, thời Hùng Vương thứ 18 có hai võ tướng là Trần Minh và Trần Quang, quê ở Phú Thọ, lúc chào đời đã có ánh hào quang phủ khắp người nên đặt tên là Quang, Minh. Hai ông theo Hùng Duệ Vương chống lại Thục Phán. Khi Thục Phán thu được giang sơn, đã mời hai ông ra giúp nước. Tuy không thần phục Thục Phán, nhưng thấy đất nước lâm nguy, hai ông đã cầm quân ra trận và chiến thắng vẻ vang. Khi trở về, qua vùng Thanh Đàm, Tam Khương, thấy cảnh đẹp, đất đai trù phú, hai ông đã cáo quan ở nhà cày ruộng. Khi hai ông qua đời, mộ của các ông tự nhiên mối đùn lên thành gò. Tại đây dân làng xây hai ngôi miếu để thờ. Cứ đến ngày 5 tháng giêng âm lịch, dân làng tổ chức rước hai ông từ miếu về đình.

Ngoài việc thờ hai ông, đình Khương Trung còn thờ mẹ con bà Hậu tham, quê ở Nam Đàn, Nghệ An. Bà có tên thật là Trịnh Quý Thị, hiệu là Diệu Nhũ, đã có nhiều đóng góp xây dựng đình và chùa Khương Trung.

Đình dựng trên nền đất cao, mặt bằng hình chữ đỉnh, trên nóc đắp hình rồng chầu mặt trời. Kết cấu nóc của gian giữa kiểu chồng rường; các vì bên làm kiểu giá chiêng; các bức cốn nách làm kiểu kẻ. Nhìn chung, đình không chạm trổ nhiều, thỉnh thoảng có điểm xuyết các mô típ bàn đèn, sách, lộc bình, ngũ quả, đào trúc... Đình còn giữ được hai sắc phong thời Lê (1652) và Quang Trung (1791).

Đình Khương Trung đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1993.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Phương Anh (t/h)